Biến dạng gươl làng

KHÁNH LINH 02/06/2013 10:18

Không có tiền, không còn lá để lợp nên gươl (nhà làng truyền thống của đồng bào Cơ Tu) phải… lợp tôn, đó là hiện trạng đáng lo ngại tại xã Ba, huyện Đông Giang.
“Bền đẹp hơn!”

Tại xã Ba, 3/14 thôn có gươl gồm Tống Cói, Éo và thôn 5. Những gươl này  được phục dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của dự án CBRIP và đóng góp của nhân dân, khá kiên cố, bên trong trang trí nhiều hoa văn. Nổi bật có thể kể đến gươl thôn Tống Cói, với 16 cây cột gỗ chò đường kính 40cm (riêng cây cột cái cao 12m, đường kính 60cm) trang trí hoa văn hình đốm trắng đỏ rất đẹp; bên trong điêu khắc hình các con vật như nai, rùa, cá sấu, đầu trâu, múa tâng tung da dá... rất sinh động. Theo già làng Y Công, để có được những tác phẩm này, ông và các già trong làng tỉ mẩn đục đẽo gần một năm mới xong. Năm 2007, gươl dựng lên ai cũng trầm trồ khen vì to đẹp nhất nhì huyện.

Từ ngày có gươl, hằng đêm làng đều cắt cử người ra nhóm bếp lửa túc trực, nhưng đến năm 2010 tranh trên mái gươl bắt đầu mục nát, mưa dột nắng dọi, còn sàn nhà khung gỗ bắt đầu bị ẩm mốc. “Vận động người dân đi kiếm lá  không ra, chủ yếu do tranh lá không còn. Sau, làng bàn tính xuống Cẩm Thanh (Hội An) mua lá dừa nước về lợp nhưng không có tiền, xin huyện cũng chỉ hỗ trợ được 5 triệu đồng” - già làng Y Công kể. Tuy nhiên, theo già Y Công, điều quan trọng nhất là lợp lá sau vài năm cũng sẽ lại… bị mục nên làng quyết định lợp tôn lên mái gươl. “Biết là không phù hợp với phong tục đồng bào mình từ xưa đến nay, nhưng không lợp tôn thì dân không đóng tiền vì họ nói lợp lá cứ thay sửa mãi sức không chịu nổi. Nếu lợp tôn thì sẽ cố gắng đóng tiền vì bền chắc hơn. Thôi thì cứ lợp tôn để gươl khỏi bị hư hại” - già Y Công nói.

Cũng giống như thôn Tống Cói, 2 gươl tại thôn Éo và thôn 5 sau vài năm đưa vào sử dụng mái lá bên trên cũng bị mục nát. Để khắc phục, người dân đã thay mới hoàn toàn mái tranh bằng mái tôn sặc sỡ đỏ xanh. Đặc biệt, gươl thôn 5 không chỉ lợp tôn mà bậc cấp và sân phía trước gươl cũng đã được xây tráng xi măng kiên cố. Theo ông Nguyễn Duy Hùng, Trưởng thôn 5, những vật liệu trên là của tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ. “Họ không cho tiền mà cho tôn và xi măng”, ông Hùng lý giải. Hầu hết người dân tại 3 thôn đều rất hài lòng với “bộ cánh” mới của gươl. Vì theo họ, như vậy gươl sẽ đẹp và bền lâu hơn so với lợp tranh.     

Từ trái qua: các gươl lợp tôn ở thôn Éo, Tống Cói và thôn 5 xã Ba.            Ảnh: K.LINH
Từ trái qua: các gươl lợp tôn ở thôn Éo, Tống Cói và thôn 5 xã Ba. Ảnh: K.LINH

 Bài toán về kinh phí

Xã Ba hiện có trên 1.000 hộ dân, nhưng đồng bào Cơ Tu chỉ chiếm khoảng 30% dân số, chủ yếu sống sống tập trung tại các thôn Tống Cói, Éo và thôn 5. Tuy nhiên, ngoài thôn 5 thì 2 thôn còn lại là sự đan xen giữa người Kinh - Cơ Tu nên việc bảo tồn gươl tại đây ít được người dân quan tâm. Thỉnh thoảng gươl mới mở cửa để người dân vào sinh hoạt trong dịp họp hội của làng. Gươl tại xã Ba dường như đã mất đi những chức năng vốn có, không còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa tâm linh và cố kết cộng đồng mà đơn thuần chỉ còn là một biểu tượng kiến trúc của một cộng đồng dân tộc.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Ba cho rằng, do địa bàn xã Ba giáp ranh với khu vực đồng bằng (TP.Đà Nẵng) nên các giá trị văn hóa Cơ Tu truyền thống cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, vì vậy việc bảo tồn gươl trên địa bàn xã rất khó khăn. “Bây giờ huy động bà con tự nguyện lên rừng bứt lá rất khó, cũng phải bồi dưỡng hỗ trợ ngày công cho họ. Chính quyền thì không thể can thiệp, chỉ tuyên truyền vận động người dân ý thức gìn giữ văn hóa của đồng bào mình thôi” - ông Bình cho biết. Cũng theo ông, hiện nay không chỉ gươl làng bị biến dạng mà các nhạc cụ, trang phục thổ cẩm truyền thống ở xã Ba hầu như không còn mấy người lưu giữ và sử dụng.  

Còn theo ông Bh’ríu Long, Trưởng phòng VH-TT huyện Đông Giang, dù biết các gươl ở xã Ba lợp tôn là không phù hợp nhưng do trong những năm qua huyện không có nguồn nên đành để người dân tự làm nhằm hạn chế  gươl xuống cấp. “Trong năm 2014, ngoài số tiền tỉnh cấp cho việc tu bổ xây mới gươl, chúng tôi sẽ đề xuất huyện tìm nguồn thay mái các gươl để phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã Ba vào năm 2015” - ông Long khẳng định.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biến dạng gươl làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO