(QNO) - Làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) được đánh giá là một trong những ngôi làng điển hình nhất còn sót lại ở miền Trung. Tuy nhiên, danh hiệu này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước sự can thiệp của người dân và chính quyền địa phương.
Kề bên ngôi nhà cổ của cụ Nguyễn Huỳnh Anh là một ngôi nhà đang được đổ bê tông. |
Cách thị trấn Tiên Kỳ khoảng 7km về hướng tây, làng cổ Lộc Yên (thôn 5, xã Tiên Cảnh) qua bao thăng trầm thời gian vẫn còn bảo lưu khá nguyên vẹn không gian làng quê xưa xứ Quảng. Làng nằm trên dãy gò đồi thấp nhìn ra khoảng không gian thoáng rộng, nơi có những ruộng lúa bậc thang, những con đường chạy bình yên qua các chân ruộng bắp. Dẫn vào mỗi ngôi nhà là ngõ đá rêu phong uốn lượn giữa 2 hàng chè tàu...
Năm 2012, trong một lần ghé thăm làng Lộc Yên, GS - KTS Hoàng Đạo Kính, thành viên Hội đồng Di sản Việt Nam đánh giá: “Khi chưa đến tôi nghĩ làng Lộc Yên chỉ là nơi có nhiều nhà cổ nhưng đến đây tôi mới thấy là bên cạnh những nhà cổ thật sự có giá trị thì sự hòa quyện giữa lối đi, bậc cấp, núi đồi, ruộng vườn, sông hồ để tạo nên cảnh quan sinh thái tự nhiên rất đẹp, bình dị mà khác thường”. Cũng theo GS Hoàng Đạo Kính, về mặt du lịch ở đây gần như có sẵn, chỉ cần đầu tư tối thiểu nhưng có văn hóa để khi du khách đứng giữa không gian làng, chiêm ngưỡng giá trị thẩm mỹ dân gian được hun đúc, tinh luyện qua quá trình tồn tại bằng cảm hứng tự nhiên của bao thế hệ người dân sống trên mảnh đất này mới cảm nhận được những giá trị nổi trội mà ngoài Lộc Yên sẽ chẳng nơi nào có được.
Nhà ông Đồng Viết Mão đã xây mới hàng rào cổng ngõ bằng bê tông ốp đá. |
Thế nhưng, làng Lộc Yên đang trên đà “hiện đại hóa”, phá vỡ không gian nguyên bản vốn có. Đập vào mắt du khách là con đường đất đỏ nham nhở rộng 7m chạy cắt ngang qua làng; lối vào ngôi nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh (đã mất) uốn lượn qua những ruộng lúa mấp mô trước đây đã hoàn toàn mất dấu. Bây giờ xe ôtô có thể chạy ngang qua đưa khách đến tận cổng nhà; ngõ đá rêu phong tĩnh lặng thuở nào nay chỉ còn vọng lại là tiếng động cơ và bụi đất. “Đây không chỉ là con đường dân sinh mà còn là con đường du lịch kết nối Lò Thung với Lộc Yên. Nó sẽ giúp xe ô tô dễ dàng đưa khách vào sâu trong làng chứ không còn phải đi bộ như trước nữa”- một vị lãnh đạo của huyện Tiên Phước cho biết.
Con đường đất đỏ cắt ngang làng đã làm phá vỡ hoàn toàn không gian làng cổ. |
Sự thất vọng lớn dần khi bắt gặp trên lối đá rêu phong vào nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh là mảng tường đá xi măng đã được gia chủ xây mới lại từ bao giờ, còn bên dưới lối đi là những viên đá xanh lót nền ngay ngắn. Không gian quanh ngôi nhà cổ cũng bị phá vỡ bởi bờ tường và ao cá được ốp gạch men điệu đà, đặc biệt kề bên ngôi nhà cổ 150 tuổi gia chủ đang tiến hành đổ bê tông sàn cho căn nhà ngang của mình. Cách đó không xa, ngôi nhà cổ của ông Đồng Viết Mão cũng vừa mới xây xong tường rào cổng ngõ với trụ ốp gạch men, giăng lưới B40 chắc chắn, nối ra đường chính là con đường bê tông thẳng tắp như một vệt trắng nổi bật lên giữa màu xanh của ruộng đồng, cùng lời giải thích của gia chủ: “Làm rào cổng như vậy cho chắc, chứ không thì sạt lở hoài”. Trên đường vào làng Lộc Yên có thể dễ dàng bắt gặp được không ít cổng tương tự như vậy tại nhà các hộ dân nơi đây.
Trong chuyến khảo sát du lịch mới đây tại làng cổ Lộc Yên, ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận xét, không chỉ bố cục không gian làng bị phá vỡ vụn, mà nếp bình yên, cổ kính của những ngôi nhà cổ cũng đã bị biến dạng hoàn toàn. Lý giải cho việc người dân tự ý thay đổi kết cấu, không gian nhà cổ, một cán bộ Phòng VHTT huyện Tiên Phước thẳng thắn thừa nhận, nhà nước không thể can thiệp vào những ngôi nhà cổ vì trên thực tế đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của người dân. Phòng VHTT cũng chỉ vận động tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức bảo tồn gìn giữ những ngôi nhà cổ.
GIA KHANG