Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng cực đoan

QUỐC HƯNG 21/05/2020 16:51

(QNO) - Các nhà khoa học trên thế giới cho biết, nhiệt độ trái đất nóng dần lên khiến con người đang gánh chịu những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn.

Chính quyền Bangladesh sơ tán người dân tránh bão trong lúc chống chọi dịch bệnh Covid-19. Ảnh: AFP
Chính quyền Bangladesh sơ tán người dân tránh siêu bão trong lúc đang chống chọi dịch bệnh Covid-19. Ảnh: AFP

Ngày 20.5, Amphan - cơn bão mạnh nhất trong thế kỷ đổ bộ vào vịnh Bengal, cụ thể là Ấn Độ và Bangladesh khiến hàng chục người chết, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà, gây mất điện diện rộng, lũ lụt nghiêm trọng, hàng triệu người phải đi sơ tán, nhiều nơi bị cô lập.

Bang Tây Bengal của Ấn Độ là một trong những nơi hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất của cơn bão với sức gió đạt tới 185km/h.

Sau khi có thống kê sơ bộ vào sáng 21.5, Thủ hiến bang Tây Bengal - Mamata Banerjee nói: “Chúng tôi đang phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng: Covid-19, hàng nghìn người lao động di cư đang trở về nhà do dịch bệnh và bây giờ là thiên tai. Tình hình còn đáng lo ngại hơn cả đại dịch corona. Chúng tôi không biết làm thế nào để xử lý”.

Các biện pháp giãn cách xã hội để làm chậm sự lây lan của vi rút corona đã cản trở các nỗ lực sơ tán, bởi nhiều người ở Ấn Độ và Bangladesh từ chối rời khỏi nhà vì sợ lây nhiễm trong các nhà tránh bão.

Siêu bão Amphan gây ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều nơi ở Ấn Độ và Bangladesh. Ảnh: AP
Siêu bão Amphan gây ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều nơi ở Ấn Độ và Bangladesh. Ảnh: AP

Các nhà khoa học xác định, nhiệt độ trái đất nóng lên khiến các cơn bão nhiệt đới hình thành nhanh hơn với cường độ mạnh hơn. Theo quan sát, nhiệt độ mặt nước biển cao bất thường ở 32 - 34 độ C trong vịnh Bengal từ đầu tháng 5 này. Chỉ chưa đầy một ngày - điều chưa từng có - siêu bão xoáy Amphan tương đương với cơn bão cấp 5 - cấp cao nhất theo thang báo bão của Mỹ đã hình thành và biến thành một cơn bão quái vật với sức tàn phá ghê gớm.

Tiến sĩ Roxy Mathew Koll - Viện Khí tượng nhiệt đới Ấn Độ và là tác giả chính trong báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hiệp quốc nói, Amphan là một trong những cơn bão mạnh nhất tấn công vịnh Bengal cho đến nay. Nhà khoa học này cho biết: “Từ dữ liệu thu thập được, chúng tôi thấy rằng nhiệt độ đại dương là một thành phần chính trong sự gia tăng cường độ của siêu bão, nhiệt độ tăng rất cao trước khi Amphan hình thành”.

Tương tự, giáo sư Mark Howden - Phó Chủ tịch IPCC và Giám đốc của Viện Khí hậu tại Đại học Quốc gia Australia khẳng định, mặc dù Ấn Độ và Bangladesh từng hứng chịu nhiều cơn bão mạnh, khi nhiệt độ toàn cầu tăng do biến đổi khí hậu thì nguy cơ xảy ra siêu bão thường xuyên hơn, như Amphan. Qua các báo cáo về thiên tai, thế giới chúng ta cần nhanh chóng hành động nhiều hơn nữa để giảm nhiệt độ trái đất, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, như phát triển năng lượng tái tạo.

Một báo cáo mới được Hiệp hội Khí tượng Mỹ công bố trong tháng này củng cố quan điểm rằng, hiện tượng mưa cực đoan ở các khu vực gió mùa đang trở nên thường xuyên hơn do sự nóng lên toàn cầu. Và có khả năng làm trầm trọng thêm lũ lụt ở các khu vực ven biển khi kết hợp với các yếu tố khác, như lốc xoáy và nước biển dâng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng cực đoan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO