(QNO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cảnh báo biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự bùng phát toàn cầu của dịch sốt xuất huyết.
WHO cho biết, khoảng một nửa dân số thế giới hiện có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết và ước tính khoảng 100 triệu đến 400 triệu ca nhiễm mỗi năm.
Hiện có khoảng 100 quốc gia có dịch bệnh này lưu hành, từ 500 nghìn trường hợp vào năm 2000, tăng theo cấp số nhân lên 5,2 triệu vào năm 2019.
Xu hướng gia tăng này tiếp tục vào năm 2023. Tính đến cuối tháng 3/2023, thế giới ghi nhận gần 450 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và 119 trường hợp tử vong.
Biến đổi khí hậu, nạn phá rừng, di chuyển, đô thị hóa và các vấn đề liên quan đến nước và vệ sinh là những yếu tố rủi ro chính, khiến muỗi thích nghi tốt hơn với môi trường mới và lây lan nguy cơ lây nhiễm theo địa lý hơn, bao gồm cả khu vực châu Âu.
Tiến sĩ Raman Velayudhan tại Cơ quan Kiểm soát bệnh nhiệt đới của WHO nói: "Về mặt biến đổi khí hậu, lượng mưa chắc chắn tăng, nhiệt độ cao hơn, độ ẩm cao hơn đều có lợi cho muỗi".
Vì vậy, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường theo dõi, kiểm soát để tránh bất kỳ đợt bùng phát sốt xuất huyết nào.