(QNO) - Những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên thế giới tăng lên đáng kể. Biến đổi khí hậu (BĐKH) - một yếu tố được xem “tiếp tay” cho các đợt bùng phát bệnh này.
Phun thuốc diệt muỗi SXH tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo |
BĐKH đang khiến các căn bệnh truyền nhiễm như SXH diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng. Cố vấn Chương trình kiểm soát bệnh truyền nhiễm quốc gia Ấn Độ A.C. Dhariwal khuyến cáo, các trường hợp nhiễm bệnh SXH trước đây thường diễn ra vào mùa mưa nhưng thời gian gần đây, bệnh xuất hiện quanh năm tại nhiều khu vực.
Thống kê của tờ Science Direct, trong vòng 50 năm qua, tỷ lệ SXH đã tăng gấp 30 lần. Đây là một bệnh nhiệt đới ở hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, nhưng chủ yếu là ở Caribê và Nam Mỹ. Bệnh lây lan qua muỗi bị nhiễm bệnh và chúng phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ấm áp và ẩm ướt.
Tuy vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có báo cáo về nguy cơ dịch bệnh SXH lan nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Nam Á và Đông Nam Á. Năm 2018, nhiều quốc gia vùng châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận hiện tượng thời thiết cực đoan và số ca mắc bệnh, tử vong do SXH tăng bất thường. Như tại Campuchia, số bệnh nhân SXH đã tăng đột biến với khoảng 7.000 ca và đã có ít nhất 13 trẻ em tử vong.
Theo Vladimir Kendrovski - cán bộ kỹ thuật về BĐKH và sức khỏe cho văn phòng khu vực của WHO ở khu vực châu Âu giải thích: Nhiều năm nay, dịch SXH đe dọa đến sức khỏe cộng đồng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Bên cạnh vấn đề về vệ sinh môi trường tại các hộ gia đình, tại cộng đồng, sự tác động của toàn cầu hóa, xu hướng nhân khẩu học và du lịch, khí hậu trái đất bị hâm nóng đặc biệt góp phần nhiều loại bệnh truyền nhiễm lây lan nhiều hơn, với phạm vi nhiễm bệnh ngày một rộng hơn bao gồm bệnh SXH. Hiện tượng BĐKH đã thúc đẩy sự sinh sản và phát triển của muỗi vằn, làm tăng phát bệnh SXH.
Các nhà nghiên cứu Anh cảnh báo, nếu thế giới không hành động để ngăn chặn nhiệt độ trái đất, vào năm 2100, số ca nhiễm bệnh chỉ riêng tại châu Mỹ La-tinh tăng hơn 281%, khoảng 7,8 triệu người.
Bệnh SXH ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Không giống như các bệnh truyền qua muỗi khác như sốt vàng da, SXH hiện không có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc đặc trị. Những trường hợp nặng điều trị hầu như chỉ hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực. Những trường hợp nhiễm bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau một tuần. Thay vào đó là các biện pháp phòng ngừa từ bệnh truyền nhiễm, trong đó cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
Tiến sĩ Iain Lake (Mỹ) cho hay, nhiều quốc gia đã cam kết giảm mức CO2 trong một nỗ lực nhằm giảm sự nóng lên toàn cầu, thông qua thỏa thuận Paris hồi cuối năm 2015. Nếu họ đáp ứng các mục tiêu đó, số ca nhiễm bệnh SXH sẽ giảm đi đáng kể.
Cũng theo WHO, ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 500 nghìn người mắc bệnh SXH nặng cần nhập viện điều trị và có khoảng 2,5% trường hợp tử vong. Song, có tín hiệu đáng mừng là số ca SXH nặng tử vong đã giảm 28% từ năm 2010 đến năm 2016 với sự cải thiện đáng kể năng lực quản lý ca bệnh ở cấp độ quốc gia.
NAM VIỆT