Biến động đời sông

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUANG VIỆT 04/01/2014 08:07

Cùng với sạt lở và bồi lấp, hạn hán và lũ lụt ngày một khốc liệt hơn tại các dòng sông đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và đe dọa tính mạng con người. Đây không chỉ đơn thuần là chuyện của thiên nhiên mà còn có nguyên nhân từ…  con người.

Trơ đáy và sạt lở

Từ sườn đông của dãy Trường Sơn - nơi bắt đầu của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn cho đến cửa An Hòa (Núi Thành) hay Cửa Đại (TP.Hội An) - nơi sông giao hòa với biển, không khó để nhận thấy nhiều lòng sông trơ đáy như hoang mạc vào mùa nắng. Chỉ riêng việc các thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, An Điềm 1, An Điềm 2, Sông Kôn… ngăn đập và đi vào hoạt động từ năm 2009 đến nay, nhiều nhánh sông quanh khu vực đã phải cạn dòng. Hậu quả nhãn tiền là không năm nào Quảng Nam lại không thiếu nước trầm trọng vào mùa nắng, có năm lại diễn ra ngay từ trước Tết Nguyên đán. Hạ lưu sông Thu Bồn cũng luôn bị đe dọa bởi nước mặn xâm nhập sâu với nồng độ mặn luôn ở mức cao từ 0,7 - 2,8‰ khiến nhiều trạm bơm đã phải ngừng vận hành hoặc vận hành lách triều. Tình trạng khô kiệt nguồn nước cũng đã xảy ra với sông Thu Bồn ở đoạn đổ ra biển Cửa Đại. Dòng sông bị bồi lấp khiến nhiều tàu cá của ngư dân Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và Cẩm Thanh, Cẩm Châu (TP.Hội An) không thể ra khơi từ sau bão số 8 đến nay.

Đầu tư vào sông Cổ Cò sẽ liên kết vùng để phát triển tài nguyên sông nước. Ảnh: QUANG VIỆT
Đầu tư vào sông Cổ Cò sẽ liên kết vùng để phát triển tài nguyên sông nước. Ảnh: QUANG VIỆT

Tình trạng thiếu nước trong mùa khô trên sông Vu Gia đã ảnh hưởng đến hơn 5.000ha đất nông nghiệp của các huyện Điện Bàn, Đại Lộc và TP.Hội An. Ngoài việc trơ đáy, cạn dòng, nhiều dòng sông và đoạn sông trên địa bàn tỉnh cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Tình trạng sạt lở bờ sông đã gây nên thiệt hại nặng nề: diện tích lớn đất nông nghiệp bị cuốn trôi, nhà cửa của người dân bị đe dọa và sụp đổ, nhiều công trình có nguy cơ bị biến mất. Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc - chủ nhân Khu du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây (thôn Triêm Tây, xã Điện Phương, Điện Bàn) cho biết: “Những năm qua, tình trạng sạt lở tại sông Thu Bồn đoạn qua thôn Triêm Tây thêm nghiêm trọng. Dù chúng tôi đã xây dựng kè chắn từ nhiều năm nay nhưng nhiều diện tích vẫn bị cuốn trôi, khu du lịch sinh thái ở đây bị đe dọa. Điều đáng nói là ngoài sự tàn phá của thiên tai thì yếu tố “nhân tai” cũng rất đáng báo động. Đó là sự khai thác cát trái phép xảy ra cả ngày lẫn đêm mà chính quyền địa phương thì chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Cứ đà khai thác cát vô tội vạ thì sạt lở sẽ ngày càng nặng nề hơn”.

Lũ lụt đe dọa

Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn trên địa bàn tỉnh có dòng chảy ngắn, độ dốc lòng sông lớn, lưu vực sông có nhiều ghềnh thác, hạ lưu dòng sông nông trong khi mùa lũ thủy điện đồng loạt xả nước, vì thế nước dâng với tốc độ gấp gáp vào mùa lũ. Trong các đợt lũ liên tiếp thời gian qua, mực nước tại các sông lên rất nhanh. Tại huyện Đại Lộc, trong đợt lũ từ ngày 15 - 17.11 vừa qua, tốc độ lũ quá mạnh, lưu lượng nước tràn về quá lớn nên chỉ trong vòng 1 giờ nước dâng đã cao 1 - 1,2m, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Riêng tại xã Đại Hưng, hơn 80 hộ dân ở 2 thôn Đại Mỹ và Thạnh Đại bị lũ phá hoại nhà cửa. Tại thôn này, sau lũ, cát đã bồi lấp từ 1,5 - 2m. Ông Nguyễn Khắc Xuyên - Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng cho biết, lũ lụt xảy đến trên địa bàn xã trong nhiều năm qua rất nghiêm trọng và ngày càng khốc liệt, khó lường hơn. Nguyên nhân là các thủy điện đồng loạt xả lũ gây lũ lụt lớn hơn cho vùng hạ du. Các thủy điện cần phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với việc xả lũ gây thiệt hại cho người dân, đồng thời phải thông báo xả lũ sớm hơn để địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Hơn 80 hộ dân ở 2 thôn Đại Mỹ và Thạnh Đại rất dễ lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất” nếu trở tay không kịp khi lũ ùn ùn kéo về. Các hộ dân này rất cần được hỗ trợ kinh phí để có thể tái định cư.

Nỗ lực khôi phục đa dạng sinh học tại các lưu vực sông
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng đã được công nhận về tính đa dạng sinh học cao và được ưu tiên cho bảo tồn toàn cầu. Sự phong phú và đa dạng của các hệ thống sông là một trong những điều kiện thuận lợi để bảo vệ các hệ sinh thái loài và nguồn gen quý báu. Tuy nhiên, hiện nay, đa dạng sinh học đã suy giảm rõ rệt do nhiều nguyên nhân, trong đó tác động xấu nhất vẫn là con người. Nhiều loài thủy sinh trên địa bàn tỉnh đã bị mất đi, nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng. Điều quan trọng là phải khôi phục các hệ sinh thái và quản lý sông hiệu quả hơn. Thời gian qua Quảng Nam đã quan tâm và đầu tư phục hồi đa dạng sinh học tại các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh như trồng “dặm” các loài sú, vẹt, đước để khôi phục rừng ngập mặn tại khu vực Cửa Lở, cửa An Hòa (Núi Thành). Một dự án lớn là tái tạo, phát triển rừng dừa nước để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sông nước tại Cẩm Thanh (TP.Hội An) đã được đặt ra. Theo đó đã lập quy hoạch phân khu 1/2000 cho khu rừng dừa Cẩm Thanh; lựa chọn đề xuất khoảng 50ha khu vực cần quy hoạch chi tiết 1/500…

Nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, TP.Hội An dễ bị lũ lụt tàn phá vào mỗi mùa mưa bão. Trong các đợt xả lũ của thủy điện vừa qua, nước sông Hoài dâng cao đã khiến cho thành phố nằm trong biển nước. Điều đáng nói là các nhà cổ - hồn vía của thành phố di sản nằm trong khu vực nội thị vốn tồn tại lâu đời nên kết cấu chịu lực rất kém. Khi có lũ lụt, người dân dùng ghe thuyền vận chuyển trong khu phố cổ, sóng tạt vào gây “tổn thương” thêm cho hàng trăm ngôi nhà cổ bị xuống cấp. Theo Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa TP.Hội An, khi lũ lụt xảy ra thì không thể lường trước được các nguy cơ hư hại đối với các ngôi nhà cổ. Mật độ lũ lụt ngày càng nhiều, cường độ của lũ ngày một lớn hơn nên Hội An gặp rất nhiều khó khăn khi bảo tồn nhà cổ trong mùa lũ lụt.

TS.Nguyễn Minh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cảnh báo, tác động của lũ lụt đến với các di tích trên địa bàn TP.Hội An là quá rõ ràng. Hội An cần nghiên cứu để sớm tìm ra giải pháp hữu ích lâu dài, hạn chế tối đa tình trạng ngập lụt đe dọa nghiêm trọng các giá trị di sản. Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi biến đổi khí hậu ngày càng tác động xấu. Còn ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An thì cho biết: “Sau mỗi trận lũ lụt đi qua, di tích nói riêng, quần thể kiến trúc nói chung của TP.Hội An bị xuống cấp, nhiều di tích có nguy cơ bị sụp đổ. Bởi vậy, thành phố thường xuyên tổ chức khảo sát từng ngôi nhà cổ, từng kiến trúc để nắm rõ từng cấu kiện di tích, qua đó có hồ sơ chi tiết để bảo tồn”.

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biến động đời sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO