Những năm gần đây, doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực may mặc đến Quảng Nam đầu tư ngày càng nhiều. Đây là tín hiệu vui, giúp người lao động (LĐ) của tỉnh tăng thêm cơ hội tìm kiếm việc làm, nhưng đi kèm với đó là nỗi lo về nguồn cung LĐ đáp ứng nhu cầu của DN.
Lao động đến với sàn giao dịch việc làm rất ít người có tay nghề may công nghiệp. Ảnh: D.LỆ |
Thiếu hụt LĐ có tay nghề
Xưởng may có công suất hơn 300 máy may, nhưng chỉ có 150 công nhân may đang làm việc khiến lãnh đạo Công ty TNHH MTV May thêu Mạnh Tiến Quảng Nam (Cụm công nghiệp Thương Tín 1, phường Điện Nam Đông, Điện Bàn) lo lắng. Công ty Mạnh Tiến liên tục có thông báo tuyển dụng LĐ nhưng vẫn không thể tuyển đủ số lượng cần để bổ sung cho các chuyền may. Bà Lê Thị Kim Huệ - nhân viên nhân sự của công ty, cho hay: “Phòng nhân sự được giao nhiệm vụ phải tuyển LĐ có tay nghề và LĐ phổ thông để đào tạo, nhưng tuyển dụng hoài không đủ số lượng. Công ty mình quy mô nhỏ hơn các công ty ở trong khu vực nên khó tuyển dụng hơn, mà công ty hoạt động trong ngành may mặc thì ngày càng đông nên sự cạnh tranh về LĐ càng lớn. Mà người LĐ thì hay ngồi núi này trông núi nọ, có khi họ đang làm cho mình nhưng chỗ nào tuyển mới, lương cao hơn là xin nghỉ để đi làm chỗ khác liền. Tuyển dụng LĐ bây giờ thực sự khó, nhất là LĐ có tay nghề may công nghiệp”.
Đến với các sàn giao dịch diễn ra tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh từ đầu năm 2016 đến nay, hầu như LĐ tìm đến sàn phần lớn là sinh viên tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng các ngành dịch vụ, du lịch, văn phòng, tin học… Số ít tốt nghiệp các ngành kỹ thuật dân dụng và công nghiệp khác thì dễ được tuyển dụng hơn. Riêng LĐ có tay nghề may mặc thì rất ít, thậm chí hiếm, có chăng chỉ là LĐ phổ thông xin đi làm ở công ty may mặc để được đào tạo. Như trong sàn giao dịch tháng 4.2016, các công ty tuyển dụng từ 200 LĐ trở lên đều thuộc ngành may mặc. Công ty TNHH Domex Quảng Nam (Thăng Bình) tuyển dụng gần 500 vị trí việc làm đều yêu cầu có tay nghề may đủ các bậc trình độ; hoặc Công ty CP Thời trang Nguồn Lực (Điện Bàn) tuyển hơn 500 LĐ thì có 300 công nhân may có tay nghề, 200 LĐ phổ thông để đào tạo từ đầu… Các công ty này tuyển dụng theo nhiều kênh, ngoài kênh sàn giao dịch việc làm tỉnh thì cũng trực tiếp tuyển dụng tại công ty, treo băng rôn thông báo về các huyện, thành phố để tuyển dụng. Dù bằng nhiều cách như vậy, các công ty may mặc vẫn không thể tuyển đủ LĐ.
Còn nhớ ngay từ đầu năm 2016, lãnh đạo Công ty Dacotex Hải Âu Xanh (Núi Thành) trực tiếp đến đặt hàng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đào tạo giúp họ 200 công nhân may, chỉ cần chỗ nào có LĐ thì DN sẽ mang máy may tới ngay chỗ đó để liên kết đào tạo và đưa hàng về cho người LĐ may tại chỗ. DN cần LĐ nhưng điều này không hề dễ dàng khi nguồn cung LĐ của tỉnh đang thiếu hụt.
Biến động
Những tháng đầu năm 2016, ngành may mặc trong tỉnh chứng kiến một cuộc biến động LĐ nội bộ khá căng thẳng. Như tâm sự của một chị làm nhân sự ở Xí nghiệp may Ánh Sáng 5, quý I.2016, xí nghiệp liên tục giải quyết đơn xin nghỉ việc của hàng loạt công nhân may. Họ nghỉ việc để xin đi làm ở một chỗ khác đang tuyển dụng với mức lương cao hơn. Thế là cả ban giám đốc, bộ phận nhân sự của xí nghiệp phải trực tiếp xuống xưởng may, nghe ngóng tâm tư nguyện vọng của công nhân, động viên họ đồng hành với DN, tăng thêm chế độ phúc lợi, mà nói như chị nhân viên này là phải “dỗ dành” để người LĐ ở lại với DN bằng nhiều cách. Hay ở một DN có tiếng là đãi ngộ tốt người LĐ là Công ty TNHH Tuấn Đạt cũng có sự biến động nhẹ về LĐ. Người LĐ ở Tuấn Đạt nghỉ việc chủ yếu là công nhân may mới vào làm việc dưới 6 tháng, nhưng điều này cũng gây không ít xáo trộn cho hoạt động của công ty, khiến DN này phải liên tục lo tuyển dụng lại LĐ nhằm giải quyết kịp nguồn hàng cho đối tác.
Xưởng may của Công ty Mạnh Tiến Quảng Nam chưa hoạt động hết công suất vì thiếu hụt lao động.Ảnh: D.L |
Trong 4 năm đi vào hoạt động, biến động LĐ đến 70% là biến cố lớn mà Công ty CP May Hòa Thọ Phú Ninh phải đối mặt. Tại DN này hiện có hơn 450 LĐ đang làm việc, nhưng tỷ lệ người LĐ ra - vào liên tục thay đổi. Theo thống kê của công ty, trong quý I.2016 tại công ty có 59 LĐ xin thôi việc, tuyển mới thay thế là 76 người. Vì thế mà ở công ty lúc nào cũng có LĐ học việc, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Năng suất LĐ không thể tăng cao, khiến lợi nhuận thu về thấp hoặc lỗ, khiến thu nhập của người LĐ bị ảnh hưởng... sẽ kéo theo tình trạng “nhảy việc”. Vòng luẩn quẩn này khiến các DN may mặc phải đau đầu nghĩ cách khắc phục, làm sao vừa giữ chân được người LĐ, tăng năng suất và tăng thu nhập cho người LĐ.
Đầu năm 2016, Tập đoàn Panko Hàn Quốc đã khởi công nhà máy dệt may tại Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) với nhu cầu tuyển dụng lên đến 15.000 người. Đây quả là cơ hội lớn cho người LĐ của tỉnh, kể cả LĐ phổ thông chưa có tay nghề may mặc. Nhưng đi đôi với cơ hội là thách thức đối với tỉnh vì với số lượng LĐ lớn như thế thì không dễ dàng tuyển dụng một sớm một chiều.
Nhiều ý kiến cho rằng khi đã xuất hiện sự lựa chọn thì người LĐ sẵn sàng “nhảy việc”, bởi điều này không hề gây thiệt hại gì mà người LĐ còn được hưởng lợi từ việc được hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng có một điều LĐ không nghĩ tới đó là đồng hành với DN để cùng nhau phát triển, bởi xuất phát điểm là công nhân không có nghĩa là người LĐ không có cơ hội thăng tiến. Những vị trí tổ trưởng, chuyền trưởng… ở nhiều công ty may mặc đều là công nhân may làm việc lâu năm, tay nghề cao nên được cất nhắc vào vị trí quản lý. Thiết nghĩ, DN muốn giữ chân LĐ không còn cách nào khác là chế độ đãi ngộ thật tốt, nhưng người LĐ cũng cần đồng hành với DN trên con đường phát triển.
DIỄM LỆ