Biến động tại các làng nghề truyền thống ở Hội An, nhất là nguồn nhân lực, kéo theo sự mai một nguồn tri thức dân gian và hạn chế khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Thiếu lao động trẻ
Đối với nông dân làng rau Trà Quế, vài năm trở lại đây khi làng nghề trở thành tuyến tham quan du lịch, sản phẩm rau sạch được thu gom vào bán tại các siêu thị trong cả nước là điều kiện thuận lợi để bà con ổn định cuộc sống và gắn bó với nghề. Thế nhưng, mỗi ngày vác cuốc ra đồng, nhiều người không khỏi băn khoăn khi nhìn thấy hầu hết lao động còn gắn bó với nghề trồng rau, tuổi đời đều đã quá cao. Nông dân Trương Tiến, tâm sự: “Cả làng có mấy trăm người làm mà ngó quanh không thấy đứa trẻ mô. Chừ du lịch phát triển, con cái theo hết, hiếm đứa mô theo cái nghề gánh nước tưới rau”.
Nghệ nhân làng gốm tuổi đời đã cao. Ảnh: Q.H |
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An sau đợt kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể mới đây, trong số 233 nghệ nhân của làng rau Trà Quế, chỉ có 35 người độ tuổi từ 18 - 39, chiếm tỷ lệ chưa tới 15%. Tình trạng này cũng tương tự ở các làng nghề truyền thống khác tại Hội An. Làng mộc Kim Bồng có 89 nghệ nhân thì có 42 người trẻ, tỷ lệ 47%; nghề tre dừa Cẩm Thanh có 93 nghệ nhân thì chỉ có 24 người dưới 40 tuổi. Thậm chí, ở làng gốm Thanh Hà hiện có 43 nghệ nhân nhưng chỉ có 4 người dưới 39 tuổi, chưa tới 10%. Ông Trương Hoàng Vinh - cán bộ nghiên cứu làng nghề của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói: “Điều này cho thấy áp lực về nhân lực kế truyền nghề nghiệp phục vụ bảo tồn lâu dài cho các làng nghề truyền thống là rất lớn”.
Nguy cơ mai một
Hiện nay, tại Hội An vẫn còn bảo tồn 28 làng nghề và nghề truyền thống nhưng chỉ có 4 làng mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, gốm Thanh Hà và tre dừa Cẩm Thanh là đang phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đơn cử như ở làng nghề tre dừa Cẩm Thanh có 37 sản phẩm, trong đó có 11 sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du lịch, giải trí với doanh thu bình quân trên 7 tỷ đồng/năm. Khoảng 27 hộ với 134 lao động tại làng mộc Kim Bồng cũng không ngừng cải tiến, sáng tạo mẫu mã, kể cả áp dụng công nghệ 3D vào quy trình thủ công nên doanh thu bình quân đạt gần 10 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, ở những nơi đang có doanh thu du lịch cao nhất trong các làng nghề tại Hội An này, rất nhiều khó khăn đã làm hạn chế khả năng mở rộng quy mô sản xuất cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghệ nhân Huỳnh Sướng - cơ sở mộc Kim Bồng Huỳnh Ry nói: “Khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề tiêu thụ, vốn và nguyên liệu sản xuất. Thêm vào đó, làng mộc vẫn chưa được cấp quyền bán vé tham quan để tăng nguồn thu, tái đầu tư và chia sẻ lợi ích”.
Cũng theo nghệ nhân Huỳnh Sướng, tình trạng chung hiện nay là các cơ sở sản xuất làng nghề đều thiếu vốn đầu tư, nguyên liệu cũng vô cùng khó khăn khi chỉ đáp ứng khoảng trên 50% nhu cầu. Thêm vào đó, sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất với nhau và với các đối tác giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm chưa hiệu quả. Vì thế, sản phẩm thiếu ấn tượng, chưa mang tính biểu tượng của làng nghề và không có đầu ra. Qua đợt kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại Hội An cho thấy, tình trạng làng nghề dần bị mai một cũng là vấn đề đáng quan tâm. Trước hết, nhiều công cụ truyền thống đang giảm đi và mất hẳn do sự hiện đại hóa công nghệ sản xuất. Người làm gốm không còn dùng mai để làm đất mà thay bằng xẻng; thợ mộc thì dùng máy cưa, máy khoan thay vì các loại cưa đợi, cưa líu, khoan dây để ra gỗ. Nhiều sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của các làng nghề cũng đã và đang mất dần. Thậm chí, có ít nhất là 32 sản phẩm của các làng nghề tại Hội An không còn sản xuất nữa. “Những biến động đó kéo theo sự mai một nguồn tri thức dân gian. Đây là vấn đề cấp thiết cần có giải pháp, chính sách phù hợp” - ông Trương Hoàng Vinh chia sẻ.
QUỐC HẢI