Biến động tài nguyên nước - Bài 2: Khô hạn, xâm nhập mặn

NGUYỄN QUANG VIỆT 27/06/2017 08:46

Biến động nguồn nước ở các sông, hồ chứa nước là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt trên địa bàn tỉnh. Bước vào cao điểm mùa khô, nhiều cánh đồng thiếu nước gây thiệt hại lớn cho nông dân.

  • Biến động tài nguyên nước - Bài 1: Suy thoái nước ngầm
Nông dân xây thủy lợi nội đồng để tiết kiệm nước. Ảnh: Q.VIỆT
Nông dân xây thủy lợi nội đồng để tiết kiệm nước. Ảnh: Q.VIỆT

Khô hạn khốc liệt

Cuối tháng 6, cao điểm mùa nắng nóng, đến các vùng phía tây của tỉnh, chúng tôi chứng kiến nhiều cánh đồng nứt toác, lúa và hoa màu đã chết khô. Ông Đoàn Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú (Thăng Bình) cho biết, nhiều năm trước, cứ đến vụ hè thu là sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gặp vô vàn khó khăn. Nước tưới cho 520ha đất lúa, bắp, đậu phụng... trở thành vấn đề nan giải. Trước tình trạng khô hạn, UBND xã Bình Phú đã kiến nghị nhiều cấp đầu tư thêm các trạm bơm, công trình cấp nước. Mới đây, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đã vận hành trạm bơm đặt tại tổ 18 (thôn Lý Trường, xã Bình Phú), lấy nước từ kênh Phú Ninh, cung cấp nước tưới cho 60ha lúa quanh khu vực này. Các nông hộ trên địa bàn xã Bình Phú cũng hưởng lợi nhờ ngành chức năng mới xây dựng 3 trạm bơm khác, bố trí tại các thôn Đức An, Phước Hà và Gia Hội (xã Bình Chánh), đảm bảo nước tưới cho 40ha đất trồng lúa. Ngoài ra, hồ Phước Hà trên địa bàn cung cấp nước tưới cho 250ha lúa. Như vậy, đến thời điểm này, trên lý thuyết, xã Bình Phú được cấp nước ổn định cho 350ha sản xuất nông nghiệp. Còn lại 170ha phải sử dụng nước trời. Theo UBND xã Bình Phú, hồ Phước Hà có độ sâu 10,6m nhưng cứ đến mùa khô là mực nước tụt giảm, có nơi chỉ còn 1 - 2m. “Rất nhiều diện tích đất sản xuất trên địa bàn gặp khó vì thiếu nước tưới. Bài toán nước tưới đặt ra rất cấp thiết nhưng lại thiếu lời giải. Không hiểu sao nguồn nước ở hồ Phước Hà ngày một ít đi, hao hụt dần theo thời gian” - ông Hùng nói. Khô hạn đã khiến cho nhiều nông hộ chỉ dám canh tác lúa ở vụ đông xuân rồi bỏ không. Những nông hộ khác chuyển trồng lúa sang canh tác cây trồng cạn ngắn ngày nhưng hiệu quả thấp vì phải phụ thuộc nước trời.

Cần nâng cao trình của đập Phú Ninh

Theo Sở TN-MT, đến năm 2030, nhu cầu cấp nước đô thị và công nghiệp lên đến 320.000m3/ngày. Lượng nước dùng để cấp cho đô thị và công nghiệp lấy từ hồ Phú Ninh sẽ tăng lên khoảng 4m3/s, tức là vượt mức thiết kế 2,4m3/s. Nếu chỉ tính nước sử dụng cho các tháng mùa khô do hồ không tích được nước thì dung tích hồ phải tăng khoảng 40 triệu mét khối so với hiện nay để đảm bảo các nhiệm vụ cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt và hoạt động công nghiệp. Nâng cao cao trình đập của hồ Phú Ninh thêm khoảng 2m để tích thêm khoảng 40 triệu mét khối hoặc xây thêm các đập ở thượng lưu của hồ Phú Ninh để bổ sung lượng nước thiếu hụt là vấn đề đặt ra. Ngoài ra, còn các giải pháp khác là có thể giảm diện tích gieo trồng, nhất là diện tích các loại cây trồng cần nhiều nước hoặc chuyển đổi cây trồng để giảm lượng nước tưới; tích cực tái sử dụng lượng nước thải của các khu công nghiệp, các đô thị; thay đổi công nghệ sản xuất tại các ngành trong các khu công nghiệp theo hướng sử dụng ít nước.

Tại xã Bình Trị (Thăng Bình), khô hạn cũng trở thành nỗi lo lắng của người dân và chính quyền địa phương. Bà Trương Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trị cho biết, trên địa bàn có 597ha đất sản xuất nông nghiệp. Nguồn nước tưới phục vụ sản xuất được lấy từ hồ Cao Ngạn (xã Bình Lãnh) và hồ Đông Tiển (xã Bình Trị) chỉ mới đáp ứng cung cấp nước tưới cho 340ha. Trên địa bàn có 90ha đất sản xuất nông nghiệp được sử dụng từ nhiều nguồn nhưng không ổn định. Các diện tích sản xuất còn lại phụ thuộc vào nước trời. Xã Bình Trị có 2 cánh đồng là Rộc và Đá Chồng ở thôn Châu Lâm bị bỏ hoang vào vụ hè thu trong vài năm qua vì không được cung cấp nước tưới. Theo UBND xã Bình Trị, nguồn nước tưới từ 2 hồ Đông Tiển và Cao Ngạn luôn đảm bảo nước tưới cho 340ha lúa ở vụ hè thu trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà nguồn nước ở đây bị suy giảm, nhiều khi không đủ nước cấp cho 340ha đất sản xuất của địa phương. Bà Thủy kiến nghị các ngành chức năng của huyện, tỉnh khảo sát, xem xét tình trạng suy giảm nguồn nước để có thể giúp người dân sản xuất thuận lợi hơn. Theo ông Phạm Phú Hải - Giám đốc chi nhánh Thủy lợi huyện Thăng Bình, cứ vào mùa khô là nguồn nước tại các hồ Phước Hà, Đông Tiển, Cao Ngạn có biến động. Đặc biệt, khi nắng gắt kéo dài thì lượng nước hao hụt quá nhiều. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu đã gây nên những tác động bất thường làm suy giảm nguồn nước tại các hồ thủy lợi trên địa bàn.  

Giải pháp nào để ổn định nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp luôn là nỗi trăn trở của các địa phương và ngành nông nghiệp. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, cứ đến vụ hè thu là sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đối diện với khó khăn vì thiếu nước tưới. “Các hồ chứa nước của Quảng Nam không chỉ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp mà còn phục vụ nước sinh hoạt và các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Vì thế tiết kiệm nước đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu. Với những diễn biến khó lường của thời tiết cực đoan thì tìm cách để giảm biến động nguồn nước là vấn đề rất nóng đang đặt ra” - ông Lê Muộn nói.

Khó lường xâm nhập mặn

Lượng mưa quan hệ hữu cơ với dòng chảy của các dòng sông trên địa bàn tỉnh. Lượng mưa ngày càng giảm khiến dòng chảy ở các lưu vực sông biến động theo chiều hướng ngày một giảm thấp. Các phân tích cho rằng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động rõ rệt đến mực nước biển dâng. Khi mực nước biển dâng lên thì mực nước ở các cửa sông cũng dâng lên, nước mặn theo thủy triều sẽ xâm nhập sâu vào các sông.

Theo PGS-TS.Nguyễn Kim Ngọc - Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, các phân tích cho thấy, từ đầu năm 2014 đến nay, độ mặn trên sông Thu Bồn tăng lên. Ở khu vực cầu Câu Lâu (Duy Xuyên), độ mặn nhiều tháng mùa khô đạt 2,1‰, trong khi đó năm 2013 không xuất hiện độ mặn tại đây. Trên sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn), độ mặn qua các năm có xu hướng ngày càng tăng mạnh và lấn sâu vào vùng thượng lưu sông. Khu vực từ cầu Tứ Câu lên đến cầu Thanh Quýt, mức độ xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên. Trên sông Tam Kỳ, độ mặn biến đổi ít phức tạp hơn, tuy nhiên đều có xu hướng tăng dần từ 2,6‰ lên đến 4,9‰. Ở sông Cổ Cò (TP.Hội An), do không có dòng chảy thượng lưu và bị chắn bởi đập ngăn mặn nên độ mặn trong sông ít biến động hằng năm. Độ mặn xâm nhập sâu đến dưới chân đập ngăn mặn thuộc thôn Bến Trể (xã Cẩm Hà) với mức độ dao động 2 - 15,3‰. Còn sông Trường Giang chịu sự tác động bởi vùng Cửa Đại và Cửa Lở nên độ mặn xâm nhập mạnh vào trong lưu vực sông, mức độ nhiễm mặn ổn định và thay đổi chậm theo thời gian. Vào mùa khô, độ mặn dao động 12 - 15‰, càng về phía bắc tại khu vực xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) hay Bình Nam (Thăng Bình) độ mặn giảm dần.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, xâm nhập mặn đang là vấn đề đặt ra trước mắt cho ngành sản xuất nông nghiệp. Hiện sản xuất nông nghiệp ở các xã vùng đông, gồm các xã Bình Sa, Bình Giang, Bình Triều, Bình Đào, Bình Dương, Bình Hải phải đối mặt với xâm nhập mặn. Nguyên nhân là các para ngăn mặn bố trí ở dọc sông Trường Giang, dài 26km đã bị hư hỏng theo thời gian. Vì thế mà nước mặn có thể xâm nhập, tiến sâu vào các vùng canh tác nông nghiệp của người dân bất kỳ lúc nào. Ông Trần Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, dưới tác động của biến đổi khí hậu, ranh giới xâm nhập mặn ngày càng tiến rất sâu vào đất liền. Những vùng đất trồng lúa nước và cây lâu năm thuộc thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên và TP.Hội An trong thời gian đến, độ mặn có thể lên tới 10‰. Ngoài ra, một số xã của huyện Quế Sơn cũng bị nhiễm mặn tới 4‰. Huyện Quế Sơn có diện tích đất trồng lúa nước và cây lâu năm khá lớn nên năng suất cây trồng vì thế sẽ bị giảm đi rất nhiều.

------------------------
Bài 3: Nhiều nguy cơ

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biến động tài nguyên nước - Bài 2: Khô hạn, xâm nhập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO