Biến động tài nguyên nước - Bài 3: Nhiều nguy cơ

NGUYỄN QUANG VIỆT 28/06/2017 08:56

Các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh thường xuyên gây nên những tác động xấu đến nguồn nước, trong khi đó công tác quản lý còn bất cập.

  • Biến động tài nguyên nước - Bài 2: Khô hạn, xâm nhập mặn
  • Biến động tài nguyên nước - Bài 1: Suy thoái nước ngầm
Hoạt động của các nhà máy thủy điện gây nên nhiều hệ lụy cho khu vực hạ du trong thời gian qua.Ảnh: QUANG VIỆT
Hoạt động của các nhà máy thủy điện gây nên nhiều hệ lụy cho khu vực hạ du trong thời gian qua.

Những tác động tiêu cực

Hiện tại, Quảng Nam có 42 dự án thủy điện đã được phê duyệt với tổng công suất 1.606,76MW. Trong đó, có 10 dự án thủy điện bậc thang được Bộ Công Thương phê duyệt với tổng công suất 1.156MW cùng 32 dự án thủy điện vừa và nhỏ được UBND tỉnh phê duyệt với tổng công suất 450,76MW. Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, thời gian qua, việc quản lý, vận hành cũng như chế độ thông tin, báo cáo của các công trình hồ chứa thủy điện được thực hiện cơ bản, đảm bảo theo quy trình vận hành liên hồ chứa. Tuy nhiên, do các hồ thủy điện trên địa bàn nằm trên độ dốc lớn nên thời gian lũ đạt đỉnh rất ngắn. Lưu lượng nước tăng đột ngột gây khó khăn trong dự báo để triển khai xả tràn, ảnh hưởng xấu đến phòng chống thiên tai cho vùng hạ du. Việc vận hành các hồ thủy điện chưa có quy định hoặc điều tiết phân chia thời gian trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nên đã xuất hiện tình trạng các hồ cùng vận hành hoặc cùng ngừng phát điện. Hệ lụy là mực nước ở hạ du dao động lớn, lúc thì quá cao, lúc thì quá thấp. Thời gian qua, đã có nhiều thiệt hại gây ra bởi hoạt động của hệ thống thủy điện. Việc xả nước đề phòng sự cố vỡ hồ đã làm cho lũ đổ về hạ lưu đột ngột, người dân trở tay không kịp, gây thiệt hại lớn. Vào mùa kiệt, việc không tuân thủ xả nước duy trì dòng chảy môi trường về phía hạ nguồn của các thủy điện cũng góp phần làm cho ranh giới xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân.

Chăn nuôi gây sức ép lớn đối với tài nguyên nước

Sự tăng thêm số lượng tổng đàn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã gia tăng chất thải. Ước tính, toàn tỉnh phát sinh khoảng 1,3 triệu tấn chất thải rắn, 8,8 triệu mét khối nước thải từ chăn nuôi. Hiện nay, khuynh hướng chung là chăn nuôi nhỏ lẻ đã chuyển dần sang chăn nuôi tập trung, quy mô vừa và lớn. Các trang trại với hàng nghìn con gia cầm, gia súc đã làm tăng nhu cầu cấp nước cho chăn nuôi, đồng thời với gia tăng lượng chất thải. Nếu không có cách xử lý tốt chắc chắn việc chăn nuôi ảnh hưởng rất xấu đến tài nguyên nước. Theo quy hoạch, đến năm 2020, Quảng Nam sẽ có đàn heo 600.000 con, trâu bò 260.000 con, gia cầm 8 - 10 triệu con sẽ gây áp lực lớn đối với tài nguyên nước trên địa bàn.

Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã và đang gây ra nhiều tác động xấu đến tài nguyên nước cả về chất và lượng. Phần lớn các mỏ khoáng sản đều tập trung ở khu vực đầu nguồn, dưới những cánh rừng. Do vậy, việc khai thác khoáng sản gây hệ lụy trước tiên là mất đi hàng ngàn héc ta rừng đầu nguồn làm giảm khả năng trữ nước trong đất và gia tăng nguy cơ trôi trượt, sạt lở đất vào mùa mưa lũ. Phía đầu nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, nước thải từ khai thác, chế biến vàng sa khoáng, chế biến thiếc đã làm cho nước sông bị vẩn đục thường xuyên cả vào mùa kiệt lẫn mùa lũ. Hóa chất độc hại trong quá trình chế biến không được xử lý triệt để tại các mỏ khai thác trái phép cũng gây ô nhiễm nguồn nước. Ở trung du và hạ lưu, hoạt động khai thác cát ở lòng sông, đặc biệt là khai thác trái phép không những làm gia tăng độ đục của nước sông mà còn gây biến đổi chế độ dòng chảy. Việc mất đi trạng thái cân bằng động của sông đã dẫn đến mất độ ổn định của bờ sông, tăng nguy cơ sạt lở, xâm thực vào mùa lũ. Kết quả phân tích một số thành phần trong nước ở các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh như sông Bồng Miêu, sông Trường (Hiệp Đức) cho thấy nhiều chỉ số vượt ngưỡng an toàn.

Các hoạt động giao thông ngày càng gia tăng áp lực đối với tài nguyên nước. Đối với giao thông đường thủy, việc khơi thông luồng lạch đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên ban đầu. Các hoạt động của tàu thuyền trên sông, biển làm cho nước mặt dễ bị ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm dầu. Trong quá trình thi công các công trình giao thông, việc san nền, xây dựng thường làm cho các nguồn nước bị đục. Kết quả phân tích nước tại các hệ thống sông, các hồ chứa, các cảng của ngành chức năng đã xác nhận chỉ tiêu dầu mỡ vượt giới hạn cho phép. Lĩnh vực nông nghiệp cũng đã gây nên những tác động xấu đến nguồn nước. Hàng năm, tại Quảng Nam có đến khoảng 15 nghìn tấn phân urê, hàng nghìn tấn phân kali, NPK được bón vào đất nhưng không được cây trồng hấp thu hết, bị rửa trôi gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Việc lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng sản lượng cây trồng của nông dân cũng đã rửa trôi vào nguồn nước mặt, thẩm thấu vào đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Bất cập

Thời điểm này, việc quản lý đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh đã xảy ra bất cập, ảnh hưởng xấu đến nguồn nước ở hạ du. Theo Sở Công Thương, về thẩm định, thẩm tra công trình thủy điện, có đề xuất hạng mục công trình thủy điện phải thực hiện nhiệm vụ duy trì dòng chảy tối thiểu. Tuy nhiên, Bộ TN-MT chỉ xác định lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu khi công trình chuẩn bị đưa vào vận hành là không phù hợp, ảnh hưởng đến việc đánh giá an toàn công trình, an toàn hạ du. Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương làm việc với Bộ TN-MT để thống nhất ban hành văn bản về xác định lưu lượng xả duy trì dòng chảy tối thiểu qua đập thủy điện ngay trong giai đoạn lập dự án đầu tư, thiết kế cơ sở. Có vậy thì việc thẩm tra, thẩm định đảm bảo quản lý chất lượng công trình được thuận tiện, hạn chế tác động xấu đến tài nguyên nước ở hạ du. 

Khai thác cát làm gia tăng độ đục của nước sông và nhiều tiêu cực khác đối với nguồn nước mặt.
Khai thác cát làm gia tăng độ đục của nước sông và nhiều tiêu cực khác đối với nguồn nước mặt.

Ông Nguyễn Quang Thử cho rằng, công tác dự báo khí tượng thủy văn ở các hồ thủy điện chưa đảm bảo yêu cầu, các chủ dự án thường dự báo lưu lượng đến hồ theo bài toán ngược, không đảm bảo thời gian cho công tác phòng chống thiên tai, tác động xấu đến vùng hạ du nói chung, tài nguyên nước nói riêng. Vấn đề này chủ yếu do số liệu đầu vào của công tác dự báo khí tượng thủy văn chưa đảm bảo. Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ TN-MT tham mưu Chính phủ ban hành định mức về mật độ bố trí các trạm quan trắc trên diện tích lưu vực các hồ thủy điện, qua đó đảm bảo không đe dọa hạ du cũng như tiện cho cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, kiểm tra. “Đề nghị Bộ Công Thương có chỉ đạo, hướng dẫn lập phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du ở các đập thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn với kịch bản do nhiều nhà máy thủy điện cùng tham gia điều tiết lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa. Đó cũng là cơ sở xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du phù hợp với phương án các hồ thủy điện cùng tham gia điều tiết lũ” - ông Nguyễn Quang Thử nói.

Hiện tại, các số liệu về trữ lượng và chất lượng nước của các sông, suối, ao, hồ trên địa bàn tỉnh chưa được đánh giá đầy đủ, gây khó cho việc thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác nước mặt. Quy hoạch lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn chưa được xây dựng vì vậy ảnh hưởng đến nhu cầu khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn. Chính phủ đã ban hành nghị định về quản lý lưu vực sông có hiệu lực từ ngày 15.12.2008, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể, rất khó quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Công tác quản lý tài nguyên nước ngầm trên địa bàn tỉnh rất hạn chế. Quảng Nam chưa có các số liệu điều tra cơ bản về trữ lượng khai thác nước dưới đất, sự xâm nhập mặn ở các vùng cũng như đánh giá tác động môi trường do khai thác nước ngầm.

Do chưa đánh giá đầy đủ về vai trò của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội nên Quảng Nam chưa quan tâm đúng mức cho việc điều tra, đánh giá, quan trắc bảo vệ tài nguyên nước. Cụ thể, mạng lưới các trạm thủy văn đo đạc đầy đủ các đặc trưng dòng chảy hiếm có. Nhiều khu vực sông có biến động mà chưa đầu tư được trạm quan trắc. Theo ông Trần Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở TN-MT, thể hiện rõ ràng về nhận thức chưa cao trong công tác bảo vệ tài nguyên nước là tình trạng vô tội vạ xả chất thải vào các dòng sông, suối. Việc lấn chiếm các dòng chảy, các hồ chứa, sẵn sàng chặt phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ diễn ra liên tục. Người dân sử dụng nước một cách lãng phí, cho rằng tài nguyên nước vô cùng phong phú, của trời cho cũng là quan niệm sai lầm.

__________
Bài cuối: Linh hoạt các giải pháp

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biến động tài nguyên nước - Bài 3: Nhiều nguy cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO