Biến động tài nguyên nước - Bài cuối: Linh hoạt các giải pháp

NGUYỄN QUANG VIỆT 29/06/2017 09:18

Trước sức ép của tình trạng biến động tài nguyên nước gây nên nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài, ngành chức năng, nhà khoa học đề xuất nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ để bảo vệ tài nguyên nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

  • Biến động tài nguyên nước - Bài 3: Nhiều nguy cơ
  • Biến động tài nguyên nước - Bài 2: Khô hạn, xâm nhập mặn
  • Biến động tài nguyên nước - Bài 1: Suy thoái nước ngầm
Các hồ chứa nước cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, nước sinh hoạt và cả hoạt động công nghiệp.
Các hồ chứa nước cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, nước sinh hoạt và cả hoạt động công nghiệp.

Cân nhắc sử dụng

Thời gian gần đây, nguồn nước ở nhiều hồ chứa trong tỉnh đã được dùng để sản xuất nước sạch, cung cấp cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và các hoạt động công nghiệp. Trong khi đó, ngoại trừ hồ Phú Ninh, các hồ chứa nước còn lại có dung tích không lớn, lưu vực nhỏ nên nguồn cấp hạn chế. Vì vậy, cần phải cân nhắc, điều chỉnh mục đích sử dụng nước của các hồ chứa, phục vụ đồng thời cho các mục đích cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt và hoạt động công nghiệp. Theo quy hoạch cấp nước của tỉnh, hồ Thái Xuân (Núi Thành) cần phải cung cấp 15.000m3/ngày. Để có thể đáp ứng yêu cầu đó thì lượng nước thô cần có khoảng 20.000m3/ngày và phải có một hồ dự trữ với dung tích khoảng 100.000m3/ngày đề phòng rủi ro nếu không may nước hồ Thái Xuân bị ô nhiễm hay đập bị hư hại. Theo PGS-TS.Nguyễn Kim Ngọc - Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, cần phải đặc biệt chú ý tìm thêm nguồn nước hoặc có các biện pháp bổ sung thêm nước cho hồ Thái Xuân, qua đó đảm bảo chắc chắn các nhu cầu cấp nước cũng như đảm bảo môi trường dưới hạ lưu đập. Tương tự, các hồ Việt An (Hiệp Đức), sông Vĩnh Điện, sông Kỳ Lam (thị xã Điện Bàn) cũng cần được bảo vệ.

Đồng bộ giải pháp

Theo Sở TN-MT, thời gian đến nên tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý tài nguyên nước; tổ chức vận hành, lưu giữ và quản lý hiệu quả các cơ sở dữ liệu tài nguyên nước. Cùng với đó là áp dụng xã hội hóa về dịch vụ nước sạch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; chú trọng thanh tra, kiểm tra sử dụng tài nguyên nước, ngăn chặn các hành vi tác động tiêu cực đến nguồn nước.

Không khó nhận thấy hầu hết cửa sông của tỉnh đều bị ảnh hưởng mạnh từ biển. Trong mùa khô, khi triều lên, nước ở các sông đều bị mặn. Độ mặn lớn nhất tại trạm Câu Lâu lên đến 6‰; trạm Tam Kỳ là 9,6‰, trạm Hội An là 24,9‰, còn sông Trường Giang thì bị mặn quanh năm. Theo các tiêu chí quy định thì các đoạn sông có độ mặn từ 1‰ trở lên không được dùng để sản xuất nước sạch. Thêm nữa, các đoạn sông này giáp biển nên không chỉ dễ bị ô nhiễm do các hoạt động trực tiếp trên sông, 2 bên bờ mà còn chịu tác động ô nhiễm từ các hoạt động ở trên thượng lưu, trung lưu và biển. Vì vậy, theo PGS-TS.Nguyễn Kim Ngọc, các đoạn sông này cần nhanh chóng được xếp vào vùng cấm khai thác để sản xuất nước sạch cho sinh hoạt. Các đoạn sông có độ mặn 1 - 2‰ có thể được khai thác cho tưới nông nghiệp. Những đoạn sông có độ mặn lớn hơn 4‰ chỉ có thể khai thác phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Đối với nguồn nước ngầm, toàn bộ diện tích đất đang bị nhiễm mặn, gồm các vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn, vùng ven bờ sông Trường Giang chỉ có thể được khai thác phục vụ nuôi trồng thủy sản chứ không được khai thác đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Diện tích nước ngầm quanh các khu vực bãi thải của các đô thị khu công nghiệp, nghĩa địa của các cụm dân cư không được sử dụng với bất kỳ mục đích nào. Tương tự, diện tích những vùng bị ảnh hưởng của chất độc trong chiến tranh, một số vùng chứa nhiều lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật cũng nên đưa vào khu vực cấm khai thác.

Xây đới bảo vệ

Để đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế xã - hội bền vững, vấn đề quan trọng là cần có các giải pháp bảo vệ và phát triển các nguồn nước đang, sẽ được khai thác trong tương lai. Các giải pháp này sẽ đem lại hiệu quả khi áp dụng phù hợp với từng nguồn nước khác nhau. Theo đó, xây dựng đới phòng hộ bảo vệ các nguồn nước là vấn đề đặt ra cấp thiết. Việc này, theo ông Trần Ngọc Văn - Trưởng phòng Nước và khí tượng thủy văn (Sở TN-MT) cần phân chia thành 3 đới, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ khác nhau. Đối với đới bảo vệ nghiêm ngặt là khu vực quanh các công trình đang khai thác hoặc quanh nguồn nước cấp thì bắt buộc phải nghiêm cấm các hoạt động chôn lấp, xả thải chưa đạt chuẩn, các hoạt động mai táng. Đối với đới phòng hộ chặt chẽ, các hoạt động chôn lấp chất thải, xả nước thải, các hoạt động sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp phải được quản lý chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định. Để đảm bảo các nguồn nước cấp cho sinh hoạt được lấy từ khu vực này, phải bảo vệ chặt chẽ toàn bộ diện tích rừng đầu nguồn. Đối với đới phòng hộ thường xuyên, công tác kiểm tra, thanh tra phải được tiến hành chặt chẽ. Đối với khu vực cung cấp nước phục vụ sinh hoạt ở khu vực này, cần phát triển rừng phòng hộ trên diện tích đủ lớn, qua đó giữ cho nguồn sinh thủy phát triển.

Để bảo vệ chặt chẽ nguồn nước, song hành với xây đới bảo vệ, cần bố trí mạng lưới quan trắc đảm bảo. Theo đó, cần xây dựng mạng lưới quan trắc nước mưa, quan trắc thủy văn nước mặt, đặc biệt là quan trắc tại các khu vực khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản và các khu vực xả thải ảnh hưởng tới nước ngầm. Các trạm quan trắc phải thu thập đầy đủ thông số lưu lượng, mực nước, dòng bùn cát trên các sông, nhất là các sông Vĩnh Điện, sông Ly Ly, sông Quýt. Đối với các hồ Thái Xuân, hồ Phú Ninh cần tăng dày chế độ quan trắc thành phần chất lượng nước, chu kỳ quan trắc ít nhất được tiến hành mỗi tháng một lần. Ông Trần Ngọc Văn cho rằng cần bổ sung khẩn trương các trạm quan trắc ở khu vực miền núi, đồng bằng và hải đảo, nhất là quan trắc nước mưa, nước mặt và nước dưới đất ở xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An) và Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc.

Luân phiên sử dụng

Trong những năm qua, công tác quy hoạch sử dụng tài nguyên nước chưa được xem xét trên quan điểm tổng hòa các mối quan hệ phát triển bền vững tại Quảng Nam nên tình trạng khai thác, sử dụng các dòng và khối nước mặt bị ảnh hưởng, suy giảm. Theo ông Trần Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở TN-MT, để ổn định, công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước của tỉnh cần sớm được thông qua với các kế hoạch rõ ràng về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Việc khôi phục, nâng cấp, cải tạo các dòng chảy, khối nước mặt trên địa bàn tỉnh đặt ra rất cấp thiết. Trước mắt nên khẩn trương triển khai dự án cải tạo sông Trường Giang, nạo vét sông và 2 đầu đoạn qua Cửa Đại (TP.Hội An) và vũng An Hòa (Núi Thành). Vấn đề quy hoạch phát triển hệ sinh thái, môi trường, cảnh quan 2 bên sông Trường Giang, tạo hành lang du lịch sinh thái trên sông, đồng thời đảm bảo môi trường, dòng chảy là rất cần thiết. Công tác quy hoạch, cải tạo, nâng cấp các hồ nước ngọt tự nhiên và nhân tạo trên địa bàn tỉnh cũng cần được huy động ngay để nâng khả năng trữ nước ở một số hồ quan trọng như hồ Phú Ninh, hồ Thái Xuân.

Để tận dụng toàn diện nguồn nước thì sử dụng luân phiên là tối ưu và có lợi nhất, điều đó bao gồm cả sử dụng nguồn nước mặt và nước ngầm. Ông Hà phân tích, với việc sử dụng luân phiên ở cả hai nguồn nước này, lưu lượng riêng lẻ sẽ được thay thế bằng lưu lượng chung rộng lớn hơn, toàn diện. Cơ sở để đảm bảo cho việc sử dụng luân phiên nguồn nước mặt và nước ngầm là dựa vào các hồ chứa nước mặt, nơi tập trung nước từ các sông suối để sau đó nước sẽ được chuyển với lưu lượng tối đa vào các kho chứa ngầm. Vào những năm lượng mưa đạt dưới mức trung bình thì lượng nước trữ trong các hồ chứa là nguồn cung cấp chính cho yêu cầu nước hằng năm. Khi đó, nước ngầm được giữ lại chỉ phục vụ cho vòng tuần hoàn của kho nước ngầm mà thôi. Mực nước ngầm sẽ dao động và bị hạ thấp trong chu kỳ của vòng tuần hoàn vào những năm ít mưa và sau đó lại được nâng lên vào thời kỳ mưa nhiều tiếp theo. Áp dụng giải pháp này, ở khu vực Núi Thành, Khu kinh tế mở Chu Lai hoặc khu vực ven biển của tỉnh cần có ngay các quy hoạch phát triển các hồ trữ và chứa nước nhân tạo, lưu giữ nước vào mùa mưa và cung cấp nước, bổ sung cho nước ngầm đẩy mặn vào mùa khô. Có vậy thì Quảng Nam có thể đảm bảo về an ninh nguồn nước khi biến đổi khí hậu ngày một biểu hiện rõ rệt hơn. Ông Hà cho rằng, tái sử dụng, kết hợp sử dụng các nguồn nước là nhiệm vụ bắt buộc và cần có cơ chế quản lý thích hợp. Trước mắt áp dụng cho các dự án phát triển thủy điện và xây dựng kế hoạch triển khai đối với các khu công nghiệp như Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biến động tài nguyên nước - Bài cuối: Linh hoạt các giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO