Khách Hàn Quốc sụt giảm, khách Âu, Úc quay trở lại là những thay đổi mang tính “bước ngoặt” của du lịch Quảng Nam trong 3 tháng đầu năm.
Khách Âu, Úc gia tăng
Bà Phan Thị Ngọc Lan - Tổng Giám đốc Hội An Beach Resort thông tin, từ đầu năm đến nay lượng khách đăng ký lưu trú khách sạn khá đông, bình quân trên 50%, hầu hết đến từ thị trường châu Âu và Úc, một số thời điểm công suất phòng đạt hơn 90%.
“Hội An Beach có 121 phòng, giá bán khoảng 1,3 triệu/phòng/ngày đêm nên mức tăng trưởng trên rất đáng mừng đối với doanh nghiệp nếu so với vài năm gần đây” - bà Lan chia sẻ. Năm 2023, tỷ lệ lấp phòng của Hội An Beach chỉ đạt gần 40%.
Theo bà Lan, yếu tố khiến dòng khách Âu, Úc quay lại Hội An đông trước hết thương hiệu điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện… Bên cạnh đó, một số hãng bay châu Âu sau thời gian ngưng trệ do ảnh hưởng dịch bệnh, xung đột, khủng hoảng kinh tế đã bắt đầu tăng cường khuyến mãi, kích cầu giúp vé máy bay có giá tốt hơn.
Tuy nhiên, mấu chốt là chính sách visa thông thoáng, giúp khách có nhiều thời gian hơn trong hành trình tham quan du lịch của mình khi đến Việt Nam. “Tại Hội An Beach, trung bình ngày lưu trú của khách Âu, Úc 3 - 4 đêm, thậm chí có khách đăng ký lưu trú 10 - 15 ngày, cá biệt trên 20 ngày” - bà Lan nói.
Khảo sát sơ bộ một số doanh nghiệp và điểm tham trên địa bàn TP.Hội An, hầu hết chứng kiến lượng khách Âu, Úc quay lại khá đông, chủ yếu là người lớn tuổi. Một số điểm đến được ưa chuộng như làng rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, rừng dừa nước Cẩm Thanh…
Riêng tại làng rau Trà Quế, 3 tháng đầu năm ước tính đón hơn 7.000 lượt khách Âu, Úc, tăng gần 122% so với cùng kỳ 2023, thậm chí cao hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 11%. Tương tự, tại rừng dừa nước Cẩm Thanh, khách châu Âu đã vươn lên chiếm vị trí thứ 2 trong cơ cấu khách chỉ sau Hàn Quốc và trên cả khách Việt.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Hội An DMC nhìn nhận, khách châu Âu đang trở lại Hội An nhiều hơn, nhất là các dòng khách Đức, Pháp và Úc.
“Khách đoàn châu Âu thường có số lượng đông, ở lâu ngày, sử dụng dịch vụ cao cấp, thân thiện môi trường, chi tiêu nhiều tiền” - ông Tuấn nhận xét.
Trong tuần này, DMC đã đón 8 đoàn khách châu Âu với số lượng gần 500 người, chủ yếu tham gia các hoạt động trải nghiệm du lịch nông nghiệp như học làm nông dân, học nấu ăn tại làng rau Trà Quế, khám phá các vùng quê, làng nghề Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên…
Khách Hàn Quốc sụt giảm
Ngay từ đầu Quảng Nam xác định châu Âu, Mỹ, Úc là thị trường truyền thống chủ đạo vì phù hợp với các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái… địa phương.
Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, dòng khách Trung Quốc và Hàn Quốc thay phiên nhau chiếm vị trí nhất, nhì trong tổng cơ cấu khách đến Quảng Nam. Từ sau dịch COVID-19, xuất hiện một số thị trường khách mới như Ấn Độ, Đài Loan, Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan…) nhưng không đáng kể.
Năm 2023, Quảng Nam đón hơn 7,5 triệu lượt khách tham quan lưu trú, trong đó 10 thị trường khách du lịch quốc tế đến Quảng Nam đông nhất lần lượt gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Anh, Malaysia, Mỹ, Pháp, Đức, Thái Lan, Ấn Độ.
Năm 2024, các vị trí này được dự báo có sự thay đổi khi khách Hàn Quốc đang có xu hướng dịch chuyển vào Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt...
Theo đại diện Khách sạn Shilla Monogram Quảng Nam Đà Nẵng (phường Điện Ngọc, Điện Bàn), nếu như năm 2023, tỷ lệ lấp phòng khách sạn bình quân đạt 70 - 80% thì 3 tháng đầu năm khách đăng ký lưu trú chỉ khoảng 30% (hơn 80% khách lưu trú tại Shilla Monogram là Hàn Quốc). Tương tự, tại Khu nghỉ dưỡng Citadines Pearl Hoi An, khách Hàn Quốc lưu trú cũng giảm tương đối từ 10 - 20% so với cùng kỳ.
Từng có những dự báo về thị trường khách Hàn Quốc sụt giảm đã được đưa ra dựa trên tâm lý du lịch và chu kỳ tăng trưởng của dòng khách này (trung bình 5 - 7 năm).
Cạnh đó, sự nổi lên của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển trong khu vực như Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né… càng thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự dịch chuyển khách Hàn Quốc đến vùng đất mới. Thực tế, mặc dù khách Hàn Quốc không lưu trú nhiều ở Quảng Nam (ngoài một số khách sạn ven biển), ngược lại các điểm tham quan tại Hội An hưởng lợi rất nhiều từ dòng khách này.
Ước tính 3 tháng đầu năm, làng gốm Thanh Hà đón khoảng 193 nghìn lượt khách, hơn 80% là khách Hàn Quốc. Đặc biệt, rừng dừa nước Cẩm Thanh đón hơn 241 nghìn lượt khách, hơn 60% là khách Hàn Quốc…
Do vậy, khách Hàn Quốc sụt giảm chắc chắn sẽ có những tác động nhất định đến các điểm du lịch Quảng Nam nếu địa phương, doanh nghiệp không nhanh chóng đa dạng thị trường khách cũng như nâng cấp, làm mới sản phẩm, dịch vụ.
Thời gian gần đây, một số cơ sở lưu trú như Citadines Pearl Hoi An hay Shilla Monogram bắt đầu tập trung hơn vào thị trường khách Úc, Đài Loan, kể cả khách Việt nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.
Trong đó, khách Úc đang nổi lên như là thị trường đầy tiềm năng vì mức độ tăng trưởng nhanh, ổn định, thời gian lưu trú dài ngày, đồng thời phù hợp với các sản phẩm, dịch vụ du lịch Quảng Nam hiện có.