Quản lý tổng hợp vùng bờ tại Quảng Nam đang được đặt ra cấp thiết bởi sạt lở bờ biển, ô nhiễm môi trường ven biển ngày càng biến động, trầm trọng hơn.
BÁO ĐỘNG SẠT LỞ BỜ BIỂN
Các địa phương Hội An, Duy Xuyên, Núi Thành đang gặp khó do sạt lở bờ biển gia tăng trong khi các giải pháp triển khai không cho thấy hiệu quả.
Sạt lở nặng nề
Người dân ở 4 thôn giáp biển của xã Duy Hải (Duy Xuyên) là Thuận Trì, Trung Phường, Tây Sơn Đông và Tây Sơn Tây đang hết sức lo lắng vì biển Cửa Đại ngày càng xâm thực vào đất liền, sạt lở ngày càng nặng nề hơn.
Không ít ngôi nhà ở thôn Thuận Trì dù xây dựng chưa hoàn thành hay đang ở đã phải bỏ không vì người dân di dời đi nơi khác do lo sợ tai ương có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Một hộ dân ở thôn này là ông Lương Văn Biết cho biết, cách đây chừng 5 năm, biển ở xa khu dân cư đến cả cây số nhưng nay đã sát rạt nhiều nhà dân. Tốc độ xâm thực của biển chóng mặt đến mức có hộ dân đầu tư cả mấy trăm triệu đồng, đang xây nhà lở dở đã phải dừng lại, dắt díu người thân chạy đi nơi khác tá túc.
Ở thôn Trung Phường, biển cũng đã ngày càng lấn sâu vào khu dân cư. “Có thể trong vài năm nữa, biển sẽ nuốt chửng nhà dân. Đêm nằm ngủ không yên vì sóng biển gào thét, tưởng đã ở ngay sát nhà mình” - ông Lê Trung Chính (thôn Trung Phường) nói. Ở 2 khu tái định cư Duy Hải 1 và Duy Hải 2 tại thôn Tây Sơn Đông, người dân cũng đã bắt đầu lo sợ vì biển dữ dằn ăn sâu, chỉ còn cách khu dân cư vài trăm mét.
Ở bên kia bờ biển Cửa Đại là TP.Hội An, sạt lở bờ biển ngày càng trầm kha. Anh Lê Văn Tuấn - khối phố trưởng khối phố Phước Tân (phường Cửa Đại) cho biết, kè chắn sóng ở biển Cửa Đại không phát huy tác dụng vì sóng quá dữ dằn, không chỉ tác động trực tiếp vào bề mặt thân kè mà còn ăn sâu xuống chân kè gây sạt lở mạnh.
Tại khu vực Cửa Lở (thôn Bình Trung, xã đảo Tam Hải, Núi Thành), sạt lở nghiêm trọng xảy đến từ vài năm nay và ngày càng biến động hơn. Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, trước tình trạng sạt lở mạnh, biển xâm thực vào đất liền quá nặng nề, đã phải vận động, di dời người dân đi định cư ở nơi khác. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, khu tái định cư Bình Trung dù đã xây dựng nhưng không phải hộ dân nào cũng được đến ở, vì nghèo không thể đủ vốn để mua đất ở đó. Để bảo vệ bờ biển, bảo vệ đời sống của người dân thôn Bình Trung, dự án kè Cửa Lở do UBND huyện Núi Thành làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Đại Dương Xanh dự kiến thi công được UBND tỉnh phê duyệt bấy lâu nay nhưng vẫn tồn tại... trên giấy do nguồn vốn 100 tỷ đồng chưa thể huy động.
Không hiệu quả
Để bảo vệ bờ biển, từ nhiều năm nay, UBND xã Duy Hải đã kêu gọi, vận động người dân chung sức trồng rừng phi lao phòng hộ ven biển. Thực tế cho thấy, đã phát huy hiệu quả ở một số khu vực tuy nhiên trước sức tấn công mạnh mẽ của sóng gió, rừng phi lao phòng hộ đã không thể trụ vững, sạt lở ngày càng nặng nề hơn.
Ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, dù đã đề xuất với huyện, tỉnh nhưng vẫn chưa có dự án kè biển nào được triển khai trên địa bàn trong thời gian qua. “Trồng rừng phòng hộ chủ yếu để hạn chế gió bão chứ sức tấn công của sóng, nước biển quá mạnh nhất là mùa biển động thì không khả thi. Mong các ban, ngành của tỉnh khảo sát thực tế, lập dự án, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt để triển khai hệ thống bờ kè, chống sạt lở biển ở Duy Hải. Có thể xây kè ở thôn Thuận Trì nối với kè An Lương sẵn có rồi sau đó nối kè với các thôn khác” - ông Trần Văn Siêm đề xuất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước tình trạng sạt lở nặng ở vùng biển Cửa Đại, UBND TP.Hội An đã huy động các nguồn lực, xây kè mềm bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên, sóng gió quá mạnh đã đánh thốc vào khu vực chân kè gây hư hỏng nặng. “Các giải pháp kè ở biển Cửa Đại khó phát huy tác dụng vì địa thế, dòng chảy không theo quy luật nào cả. Bởi vậy, các ngành chức năng của tỉnh, của Trung ương và nước ngoài đang tìm giải pháp hữu hiệu hơn” - ông Ngô Xuân Đông - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại nói.
Ở khu vực Cửa Lở, trước đây, vào năm 2009, Sở NN&PTNT đã làm chủ dự án kè chống sạt lở theo công nghệ kè mềm của Hà Lan nhưng nhanh chóng thất bại vì địa hình, dòng chảy, xói lở khu vực này biến động khôn lường, năm sau khác năm trước. “Chỉ mong các ngành chức năng huy động được nguồn vốn để đầu tư hệ thống kè chống sạt lở ở Cửa Lở được hiệu quả. Muốn vậy thì thiết kế cần thực sự phù hợp với các điều kiện tự nhiên ở Cửa Lở, tránh lại hư hỏng nhanh như trước đây” - ông Nguyễn Tấn Hùng nói.
Ô NHIỄM VÙNG VEN BIỂN
Rác thải tràn ngập ven các bãi biển trên địa bàn tỉnh đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, tác động xấu đến đa dạng sinh học ở các khu vực bảo tồn biển.
“Đau đầu” với rác thải
Cứ đều đặn vào các ngày nghỉ cuối tuần hay dịp lễ, đội ngũ giáo viên, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Hội An) lại tất bật dọn rác ở các bãi biển trên địa bàn, nhiều nhất là An Bàng (phường Cẩm An). Thầy giáo Nguyễn Hồng Quý - giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi cho rằng, rác thải gia tăng ở các bãi biển là rất đáng lo ngại. “Cứ thấy rác thải gây ô nhiễm môi trường biển là chúng tôi đi dọn dẹp đồng thời kêu gọi người dân, du khách không xả rác bừa bãi. Thế nhưng, dọn sạch hôm nay thì ngày mai rác lại xuất hiện” - thầy Quý nói.
Điều tương tự cũng xảy đến với các vùng ven biển các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Điện Bàn, Tam Kỳ, cộng đồng dân cư cùng các đoàn thể, các ngành chức năng hôm nay dọn sạch rác thải thì ngày mai rác thải lại ngập tràn, chất thành bãi lớn. “Rác thải có thể do người dân địa phương xả ra cũng có thể do sóng biển mang đến từ nơi khác. Không thể giải quyết được nạn rác thải ven biển nếu không có sự chung tay của cộng đồng” - ông Võ Quốc Hai - cán bộ phụ trách nông nghiệp của UBND xã Duy Hải nói.
Thôn Thuận An (xã đảo Tam Hải, Núi Thành) là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường ven biển. Rác thải nhựa, túi ny lon, ngư lưới cụ, giày dép hỏng, muôn hình vạn trạng rác thải chất thành đống quanh khu vực này. Quang cảnh nhếch nhác đến mức nhiều du khách lần đầu đến đây đã “lắc đầu” vì thất vọng. “Rác thải ở đây là do từ biển tấp vào. Chúng tôi đã vận động các cơ quan, đoàn thể đến dọn rác thải quanh năm, suốt tháng nhưng cứ hễ dọn sạch hôm nay thì ngày mai rác thải lại dồn ứ đến bất lực” - ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải nói.
Xã đảo Tam Hải là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với cảnh vật hoang sơ, đa dạng sinh thái biển, nhiều di tích lịch sử - văn hóa nhưng lượng khách đến tham quan chưa nhiều có nguyên nhân từ nạn rác thải chất thành bãi. Không riêng khu vực Thuận An, ở các thôn Tân Lập, Đông Tuần... rác thải cũng đang đe dọa sinh thái biển, nguy cơ phá vỡ cảnh quan, môi trường xã đảo Tam Hải.
Theo Sở TN-MT, hiện chưa thể tiến hành điều tra tổng thể về nguồn thải từ các hoạt động ven bờ, trên biển và hải đảo nên chưa có số liệu thống kê. Các nguồn thải này chủ yếu phát sinh từ hoạt động đánh bắt thủy, hải sản của người dân, các hoạt động kinh tế - xã hội khác, phát triển du lịch, hoạt động của các khu, cụm công nghiệp. “Môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu suy thoái” - bà Nguyễn Hoàng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Biển và hải đảo (Sở TN-MT) nói.
Mối nguy hại
Theo TS.Chu Mạnh Trinh - Phòng Nghiên cứu & hợp tác quốc tế (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), xã đảo Tam Hải hiện đang sở hữu một vùng biển có hơn 90ha rạn san hô với khoảng 100 loài, trong đó phần lớn là san hô gạc nai và san hô khối. Hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải có 41 loài rong biển, 168 loài cá, trong đó nhiều loài có giá trị cao như cá hồng, cá mú, cá lượng cùng với tôm hùm đỏ, tôm hùm sỏi và nhiều loài ốc đẹp. Đặc biệt, các rạn san hô tại xã đảo Tam Hải còn nuôi dưỡng nguồn giống tôm hùm. Hằng năm, ngư dân Tam Hải thu hoạch hàng vạn cá thể tôm hùm giống, cung cấp đến các vựa nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh phía Nam. Các loài rong biển trong vùng nước Tam Hải tạo môi trường sống, bãi đẻ, nơi trú ẩn, nuôi dưỡng con non cho các loài tôm, cá, cua, ghẹ...
TS.Chu Mạnh Trinh cho rằng, mặc dù Tam Hải đã có một thời gian tiếp cận, thực hiện nhiều nỗ lực về các hoạt động bảo tồn tài nguyên tuy nhiên thiếu sót là xã đảo chưa đề cập đến chất lượng nguồn nước, vùng giống, nơi ở, nơi nuôi con non, bãi đẻ, duy trì nguồn lợi, tạo cảnh quan để các hệ sinh thái sinh tồn và phát triển. Trước vấn nạn rác thải nghiêm trọng, các rạn san hô hay đa dạng sinh học có nguy cơ bị phá vỡ cấu trúc. Một khi cấu trúc hệ sinh thái bị phá vỡ thì phải mất hàng chục hoặc trăm năm mới gầy dựng lại được, nguy hại hơn là có thể mất vĩnh viễn.
Theo ThS.Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu sinh quyển Cù Lao Chàm, vùng biển Cù Lao Chàm với đa dạng sinh học đặc trưng đang bị đe dọa bởi mặt trái của các hoạt động kinh tế - xã hội như rác thải, ô nhiễm bờ biển ở xã đảo, vùng biển Cửa Đại, An Bàng... San hô, cỏ biển, các loài hải sản quý rất nhạy cảm, nếu không được bảo vệ tối đa thì nguy cơ rõ rệt là sẽ bị tiêu diệt bởi ô nhiễm môi trường biển đảo. “Cần bảo vệ khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm bằng nhiều giải pháp, trước hết là hạn chế tối đa rác thải xâm nhập đến từ vùng biển Cửa Đại, An Bàng” - ThS. Lê Ngọc Thảo nói.
GIẢI PHÁP QUẢN LÝ TỔNG HỢP VÙNG BỜ
Để giải quyết nhiều vấn đề ở khu vực ven biển Quảng Nam cần có cách tiếp cận là quản lý tổng hợp vùng bờ.
Góc nhìn tổng thể
Trước biến động mạnh của khu vực biển Cửa Đại (TP.Hội An), ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, sạt lở, xâm thực biển ở đây diễn ra không theo quy luật nào cả. Để bảo vệ bờ biển Cửa Đại, các phương án kè chắn bằng bê tông hay kè mềm bằng túi vải chứa cát đã được các cấp chính quyền tỉnh, huyện, Trung ương và các chuyên gia trong nước, nước ngoài nghiên cứu, ứng dụng qua nhiều đợt khảo sát, đánh giá nhưng chưa cho kết quả.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch phụ trách UBND TP.Hội An cho biết, phương án xây dựng đảo nhân tạo chống sạt lở biển Cửa Đại dù đã được đề xuất sau nhiều nghiên cứu của các chuyên gia Hà Lan và các bộ, ngành Trung ương nhưng không khả thi vì tác động có lợi cho khu vực Cửa Đại nhưng lại tác động xấu đến Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An. Bởi vậy, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lại dòng chảy, mức độ xói lở, hải lưu... theo hướng quản lý tổng hợp vùng bờ để có phương án tổng thể, hiệu quả, hài hòa lợi ích, đem lại giá trị thực tiễn.
Theo TS.Chu Mạnh Trinh, đới bờ và các khu vực ven biển có mối liên quan mật thiết vì thế cần áp dụng cách tiếp cận tổng thể của quản lý tổng hợp vùng bờ thì mới có thể nhận diện các thách thức, các nguyên nhân gây biến động để có thể có những giải pháp khoa học, bài bản, bao gồm phần “cứng” và phần “mềm” tương hỗ, bổ trợ cho nhau. Điều đó là hoàn toàn có cơ sở khi trên địa bàn tỉnh hiện có 115 công ty đã được cấp phép xả thải nhưng còn khoảng 25 doanh nghiệp, công ty dù chưa được cấp phép xả thải vẫn cho chất bẩn chưa qua xử lý triệt để ra môi trường bên ngoài, gây tác động xấu đến vùng biển ven bờ, ô nhiễm môi trường.
ThS.Lê Ngọc Thảo cho rằng, nếu không vận dụng cách tiếp cận tổng thể của quản lý tổng hợp vùng bờ thì các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, bến cảng, công trình quốc phòng cho đến khai thác tài nguyên, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, du lịch sẽ gây tổn thương đến mức có thể cạn kiệt khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An. Theo đó, đa dạng sinh thái, nguồn lợi thủy sinh suy giảm về số lượng và chất lượng; vùng đất ngập nước bị thu hẹp; các bãi biển bị ô nhiễm, xói lở nghiêm trọng hơn; các thảm cỏ biển, rạn san hô sẽ bị mất đi.
Công cụ Quản lý
Bà Nguyễn Hoàng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Biển & hải đảo (Sở TN-MT) cho rằng, quản lý tổng hợp vùng bờ ngày càng đặt ra cấp thiết, cần vận hành thấu đáo trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, khó khăn đang chồng chất. Công tác lập, phê duyệt các quy hoạch về phát triển kinh tế biển còn chậm, hiệu quả quản lý quy hoạch chưa tốt. Năng lực về quản lý tài nguyên, môi trường biển của cán bộ địa phương còn yếu về chuyên môn và kinh nghiệm. Trang thiết bị, kinh phí phục vụ cho quá trình thực hiện quản lý biển và hải đảo còn thiếu như các thiết bị đo, phần mềm quản lý, điều tra khảo sát. Quan trọng hơn, thông tin và dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển chưa được tổng hợp đầy đủ, thiếu cơ sở dữ liệu.
“Cốt lõi là sự thống nhất nhận thức của các cấp, ngành chưa cao về quản lý tài nguyên môi trường hải đảo, khai thác, sử dụng biển, vùng ven biển và hải đảo. Công cụ quản lý tổng hợp vùng bờ còn riêng lẻ, mỗi ngành, địa phương tự thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ gây chồng chéo quản lý, điều hành. Điều cần thiết là cần có quan điểm lồng ghép, phối hợp chặt chẽ giữa các bên, chủ yếu là các nhà khoa học, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng” - bà Nguyễn Hoàng Yến nói.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn: “Quản lý tổng hợp vùng bờ là cơ sở pháp lý xác lập sự chỉ đạo nhất quán của UBND tỉnh, huy động sự tham gia của các cơ quan quản lý, các bên liên quan, chính quyền và cộng đồng địa phương để bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng ven biển. Trên cơ sở đó, khai thác hợp lý giá trị tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học, nâng cao tính bền vững và toàn vẹn các hệ sinh thái biển đồng thời hạn chế tác động tiêu cực do con người, tự nhiên và biến đổi khí hậu đến vùng bờ biển”.
Điều cần kíp là nhất thiết xây dựng được cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin tổng hợp phục vụ quản lý tổng hợp vùng bờ. Trong thời gian đến, cần điều tra, khảo sát hiện trạng tài nguyên, môi trường vùng ven biển Quảng Nam để xây dựng, phân loại, số hóa, cập nhật cơ sở dữ liệu vào các phần mềm như GIS, IIMS. Mục đích chính là đánh giá hiện trạng xả thải tại khu vực ven biển, có các giải pháp quản lý thiết thực.
Một vấn đề khác quan trọng không kém là xây dựng hành lang bảo vệ bờ biển Quảng Nam nhằm quản lý, quy hoạch, khai thác, sử dụng bền vững hơn tài nguyên, đa dạng sinh học. Thực hiện điều đó, sẽ xây dựng bản đồ trường sóng, lập danh mục các khu vực hành lang bảo vệ bờ biển, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có giải pháp chống sạt lở, xâm thực biển hiệu quả, qua đó, đảm bảo hài hòa trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vùng ven biển.