Câu chuyện miền biên viễn luôn gợi lên niềm thao thức khôn nguôi.
Phía Bắc, Thác Bản Giốc - khu vực “nhạy cảm”, đang chờ ký kết Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch. Nhưng Saigontourist đã nhanh chóng vào cuộc để xây dựng các cơ sở du lịch tại đây, trong đó có khu nghỉ dưỡng 4 sao. Một ngôi chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc đã gióng lên những hồi chuông tâm linh cho người Việt hướng về miền biên ải, nơi mỗi tấc đất thiêng liêng thấm đẫm máu xương của cha ông tạo dựng.
Còn phía Tây Nam, biên giới rục rịch chưa yên. Những người lính Việt Nam tình nguyện, trong đó có không ít người con của đất Quảng, còn nhớ những năm tháng qua đất bạn giúp nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng. Biên giới lúc đó mịt mù khói súng. Những người mẹ Khơme ôm con chạy loạn. Đâu chỉ ở Campuchia, nhiều làng xóm đất Việt cũng bị tàn sát. Ba Chúc (An Giang) là một nấm mồ chung của hàng ngàn thường dân Việt Nam bị Pôn Pốt sát hại. Trong nỗi đau chung ấy, bộ đội tình nguyện Việt Nam vẫn hết lòng che chở cho những người dân Campuchia chạy nạn. Rồi nhiều đoàn người Campuchia đã trở về đất nước để dựng xây cuộc sống. Nhưng cũng có nơi như một số vùng Tây Nguyên, người dân Campuchia vẫn mang nỗi ám ảnh sợ hãi vì tàn quân của bọn diệt chủng nên xin ở lại lập làng, nhập vào quốc tịch Việt Nam cùng chung sống hòa bình với đồng bào ta. Có thể nói, không có một biên giới cứng nào đã được dựng lên trên miền đất giáp ranh. Người Campuchia, nhất là đồng bào Khơme, vốn cư trú bên dòng sông mẹ Mê Kông, Cửu Long, trong lịch sử từng qua lại biên giới để thăm thân, hay cùng chia ngọt sẻ bùi trên những cánh đồng vùng biên. Tình nghĩa ấy mềm mại như anh em ruột thịt, không khác chi vùng biên giới Việt - Lào có những tộc người dính chặt dây mơ rễ má qua cả đông tây Trường Sơn. (Câu chuyện ở Quảng Nam là một thí dụ, đó là người Giẻ Triêng ở miền biên Đắc Pring, Đắc Pre, có huyết thống với đồng bào một số bản ở nước bạn Lào).
Biên giới mềm là một thực tế lịch sử và cả hiện trạng. Chuyện hữu nghị hợp tác là cách nói của ngôn từ chính trị chứ diễn đạt bình dị đó là tình nghĩa láng giềng, hàng xóm thân thiết. Tất nhiên, về mặt quản lý cương thổ mỗi quốc gia người ta cần xác định rõ ràng cột mốc biên giới mà phần lớn chỉ có ý nghĩa pháp lý trên bản đồ, còn trong thực tế ai cũng muốn mối dây tình nghĩa gắn bó bền chặt, tối lửa tắt đèn có nhau. Bởi đường biên không hiếm những chỗ thường “chồng lấn” khi chung một con suối, con sông, thậm chí một bóng cây, “một tiếng gà ba nước cùng nghe thấy”.
Tuy nhiên, đã có những kẻ dùng con bài chủ nghĩa dân tộc cực đoan, muốn gây rắc rối bất an ở biên giới để làm chuyện mặc cả chính trị, hẳn không vì lợi ích của chính người dân miền biên ải. Cũng không ngoại trừ bàn tay can thiệp xúi giục của thế lực bành trướng bá quyền muốn “giương đông kích tây” để phân tán sự chú ý của dư luận quốc tế và của Việt Nam khi chúng đang bồi đắp đảo nhân tạo ngoài biển.
Lịch sử miền biên giới Tây Nam còn lưu dấu về vị tướng quân hiển thánh là Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, đã thực hiện những cuộc hành binh tiễu trừ giặc loạn, rồi hoạch định cương giới, quy dân lập ấp khai khẩn miền hoang địa. Riêng với đất nước Campuchia, khi đã giúp dẹp loạn xong, tục truyền Nguyễn Hữu Cảnh đã “cho thuyền ghé lại thăm nom, khích lệ dân chúng, dù Khơme, Hoa hay Việt, hãy cùng nhau gìn giữ tình thân thiện, tắt lửa tối đèn có nhau”. Những hành động khoan hòa, thiết thực, những cử chỉ ưu ái thật lòng của ngài đã làm cho đồng bào vô cùng cảm mến và người Cao Miên (Campuchia) từng lập miếu thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở đầu châu Nam Vang, còn người Việt tôn thờ ngài khắp xứ.
Biên giới mềm là câu chuyện ước nguyện cùng chung sống hòa bình từ xưa đến nay. Dù vấn đề có phức tạp đến đâu, người ta cũng khó có thể dựng lên một hàng rào cứng để ngăn chia mối tình gắn bó của nhân dân cùng sống chung trên miền biên viễn.
ĐĂNG QUANG