Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để chấm dứt bệnh lao

CHÂU NỮ 23/03/2020 16:28

(QNO) - Mục tiêu chung của chương trình chống lao quốc gia là chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Và chủ đề của Ngày thế giới phòng chống lao 24.3 năm nay là "Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030".

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đo thân nhiệt đối với khách đến thăm, khám. Ảnh: C.N
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đo thân nhiệt đối với tất cả khách đến thăm khám. Ảnh: C.N

Thực trạng và nguy cơ

Thông tin từ lãnh đạo Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - Quảng Nam cho hay, hiện nay, số người tử vong do lao hằng năm vẫn còn cao hơn nhiều so với số tử vong do tai nạn giao thông. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 170 nghìn người mắc lao và 13 nghìn người tử vong do căn bệnh này, riêng Quảng Nam hằng năm có khoảng 1.500 người mắc lao.

Bệnh lao là một bệnh lây nhiễm, tuy nhiên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Về nguy cơ nhiễm lao, bác sĩ Đinh Văn Tuyển - Phụ trách Phòng khám - chỉ đạo tuyến - kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - Quảng Nam) cho biết, những người tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi càng nhiều thì khả năng lây nhiễm vi khuẩn lao càng cao. Môi trường sống và làm việc ẩm thấp cũng là nơi vi khuẩn lao tồn tại lâu nên cũng dễ lây nhiễm.

Bác sĩ Đinh Văn Tuyển khuyến cáo, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, những người mắc lao, các đối tượng có nguy cơ mắc lao phải và nên làm những việc sau: khám phát hiện và điều trị sớm khi nghi ngờ mắc bệnh lao; tăng cường dinh dưỡng qua các bữa ăn hàng ngày; luyện tập thể dục thể thao; tạo điều kiện để môi trường sống và làm việc phải được thông thoáng; mang khẩu trang khi ra đường.

Người mắc lao cần phải điều trị đúng phác đồ và đủ thời gian, ngoài ra cần tăng cường dinh dưỡng trong thời gian mắc bệnh, phải xét nghiệm và kiểm tra theo hướng dẫn trong suốt thời gian điều trị.

Triệu chứng thường gặp của bệnh lao phổi là ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, đau tức ngực, sốt nhẹ về chiều, gầy sụt cân, ăn uống kém. Chế độ dinh dưỡng cho người mắc lao tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, tuy nhiên cần đảm bảo các bữa ăn trong ngày có đủ thịt, cá, trứng, các loại rau xanh...

Bác sĩ Đinh Văn Tuyển cho biết, hiện nay đa số bệnh nhân lao được điều trị tại nhà; chỉ một số ít bệnh nhân là điều trị tại bệnh viện - trong thời gian 2 tuần đầu kể từ khi bắt đầu điều trị.

Tư vấn cho khách đến khám tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: C.N
Tư vấn cho khách đến khám tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: C.N

"Bệnh nhân lao phổi điều trị tại nhà ngoài việc phải uống thuốc đúng theo hướng dẫn thì cần phải hạn chế nguồn lây lan vi khuẩn trong thời gian 2 tuần đầu bằng cách dùng riêng vật dụng cá nhân, khạc nhổ đúng nơi theo hướng dẫn, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc gần với người thân, đặc biệt là trẻ em" - bác sĩ Tuyển lưu ý.

Hướng tới chấm dứt bệnh lao

Lãnh đạo Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho rằng, mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 có thể thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là  sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các đoàn thể, sự đồng lòng của các toàn thể nhân dân, sự hỗ trợ của các cá nhân, tập thể, tổ chức về tài chính cũng như kỹ thuật và trang thiết bị để chủ động khám sàng lọc phát hiện và điều trị sớm cho người mắc bệnh lao cũng như lao tiềm ẩn. Có như vậy mới có thể chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch khám và tư vấn cho khách. Ảnh: C.N
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch khám và tư vấn cho khách. Ảnh: C.N

Theo bác sĩ Đinh Văn Tuyển, chủ đề của Ngày thế giới phòng chống lao năm nay là "Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030" nhằm nêu rõ, từ cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, mọi người hãy chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao.

Bệnh lao thường gặp ở cơ quan hô hấp. Bệnh làm cho cơ thể suy kiệt dần, dẫn đến sức đề kháng của cơ thể giảm đi nên cũng là yếu tố nguy cơ bệnh sẽ nặng hơn nếu lây nhiễm Covid-19 cũng như một số bệnh khác.

"Nếu công tác phòng chống lao nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, được sự chung tay của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng, thì mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 hoàn toàn có thể thực hiện được. Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi tỉnh, được trang bị cơ bản đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân lao, đặc biệt là lao phổi (ngoại trừ những bệnh cần phải can thiệp ngoại khoa chuyên sâu). Bệnh viện có đội ngũ y, bác sĩ và điều dưỡng nhiệt tình, tận tụy và đủ năng lực chuyên môn để điều trị cho người bệnh" - bác sĩ Tuyển nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để chấm dứt bệnh lao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO