Huyện Điện Bàn có khoảng 8km bờ biển, chủ yếu thuộc địa phận 2 xã Điện Ngọc và Điện Dương. Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp đến đây đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp sát bãi biển và không tính các giải pháp phòng chống sạt lở, xâm thực.
Bờ biển Điện Bàn được xem là một trong số ít bãi biển còn nguyên sơ, rộng rãi nhất của tỉnh. Trong số 8km bờ biển, xã Điện Dương sở hữu hơn 7km với những bãi cát vàng rộng đẹp. Ngoài 2 khu du lịch lớn là The Nam Hải (được bình chọn là khu du lịch biển đẹp nhất khu vực Đông Nam Á) và Kim Vinh đã đi vào hoạt động, hiện còn 7 dự án đã được quy hoạch, giải tỏa mặt bằng chờ triển khai xây dựng. Bên cạnh đó, huyện Điện Bàn cũng đang xúc tiến xây dựng cơ sở hạ tầng khu bãi tắm Hà My; quy hoạch chi tiết khu làng chài Hà My theo định hướng phát triển du lịch cộng đồng; quy hoạch khu bãi tắm Viêm Đông (Điện Ngọc) để kết nối với khu bãi tắm Hà My tạo thành một chuỗi du lịch trên tuyến bờ biển quan trọng này. Ông Cao Thanh Tấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn cho biết, hiện nay bờ biển Điện Bàn vẫn giữ được sự ổn định, không có dấu hiệu của biển xâm thực hay xói lở. Tại 2 khu du lịch The Nam Hải và Kim Vinh, dù đang mùa mưa bão nhưng mép nước biển vẫn còn cách khách sạn hơn 20m. Trong cơn bão vừa qua, ngoài việc phải dọn dẹp một lượng lớn rác dạt vào thì chỉ có hiện tượng dồn cát trên bãi biển thôi chứ không có sạt lở. Vì vậy đến nay Điện Bàn vẫn chưa nghĩ đến giải pháp kè chắn sóng, phòng chống sạt lở.
Bờ biển Điện Bàn vẫn chưa bị xâm thực.Ảnh: T.V.LỘC |
Theo ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch UBND xã Điện Dương, năm 2010 huyện đã hỗ trợ địa phương kè chống 300m tường bao tại bãi tắm Hà My nhưng do bãi biển chưa bị xâm thực nên không thể kiểm định chất lượng hiệu quả. “Lo nhất vẫn là sự cố tràn dầu và rác, còn sạt lở, xâm thực thì không sợ lắm vì chưa thấy xuất hiện” - ông Hoàng cho biết. Ngoài việc kiến nghị huyện, tỉnh thu hồi những dự án chậm tiến độ, năm 2012 xã quyết định cấp phép tạm cho những hộ dân trong vùng giải tỏa được xây nhà và sửa chữa vì không biết dự án khi nào triển khai. Xã Điện Dương cũng đã tham mưu huyện phê duyệt dự án xây dựng khu làng chài, diện tích 24ha tại 2 thôn Hà My Đông B và Hà Quảng Đông nhằm bố trí những hộ dân làm nghề biển vào để thuận lợi công việc chài lưới. Tuy vậy, theo ông Hoàng các giải pháp phòng chống xói lở vẫn chưa được quan tâm khi triển khai xây dựng dự án khu dân cư này.
Biển xâm thực đã trở thành vấn đề “đau đầu” của nhiều địa phương ven biển hiện nay khi mà biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Dù “may mắn” không phải chịu cảnh xói lở như Hội An hay một số nơi khác nhưng điều đó không có nghĩa biển sẽ vĩnh viễn không xâm thực các bờ biển Điện Bàn, tất cả còn tùy thuộc vào mức độ biến đổi khí hậu những năm đến. Bởi vậy, ngay từ bây giờ cần có những giải pháp phù hợp nhằm chủ động ứng phó.
KHÁNH LINH