Biển "ngoạm" đất du lịch: Doanh nghiệp xoay xở

THÂN VĨNH LỘC 25/10/2013 10:04

Không chỉ đến khi cơn bão số 11 đổ bộ vào Quảng Nam gây sạt lở nghiêm trọng dọc theo bãi biển Cửa Đại mà từ nhiều năm nay tình trạng biển xâm thực đã diễn ra. Nhiều doanh nghiệp phải tự xoay xở để giảm thiểu thiệt hại.

“Không thể tin được”

Ông Claude M. Balland - Tổng Giám đốc khách sạn Victoria HoiAn Resort & Spa không khỏi lo lắng khi nhìn những con sóng cao hàng mét dồn dập đập vào bờ kè. Chưa bao giờ khách sạn bị nước biển lấn gần đến vậy. Năm 2001, khi bắt đầu xây dựng khu nghỉ dưỡng này, biển còn cách bờ kè khu nghỉ dưỡng hơn 50m. Trên bãi biển 3 hàng dừa vẫn xanh tốt, vào mùa hè đây là không gian vui chơi tắm nắng của hàng trăm du khách, nhưng từ năm 2009 đến nay khu vực này đã dần bị thu hẹp và đến nay thì hầu như không còn, sóng biển đã liếm sát chân bờ kè đá. “Không ít du khách sau nhiều năm quay lại đã thật sự sốc khi thấy bãi biển không còn, có người hỏi, bãi biển đâu rồi? Chịu, không thể tin được” - ông Claude M. Balland nhún vai nói. Theo ông Claude M. Balland, mỗi năm khách sạn mất đi gần 20m bờ cát do bị sóng biển cuốn trôi. Nhằm hạn chế tình trạng xâm thực, đơn vị đã dùng nhiều biện pháp từ đóng cọc tre đến đổ hàng ngàn mét khối đá xuống bờ kè để cản các đợt sóng đánh vào công trình nhưng chẳng ăn thua gì.

Khách sạn Vinpearl không còn bãi cát
Khách sạn Vinpearl không còn bãi cát

Không chỉ khách sạn Victoria đối diện với câu chuyện biển xâm thực, 4 khách sạn nằm liền kề là Golden Sand, Sunrise, Fusion Alya và Vinpearl Resort Hội An chịu cảnh tương tự. Nặng nhất có lẽ phải kể đến khách sạn Fusion Alya và Vinpearl Resort Hội An đang xây dựng dở dang. Tại đây nước biển đã lấn vào sát bờ kè, vỗ tràn vào khu du lịch, nơi có những villa  đang đứng chỏng chơ không biết sụp đổ khi nào. Đặc biệt, nghiêm trọng hơn, trong cơn bão số 11 vừa qua bờ kè bằng bê tông của khách sạn Fusion Alya đã bị sóng biển đánh sập nhiều đoạn, nước tràn qua làm sạt lở chân móng các căn phòng sát biển trong khu du lịch. Tương tự, khách sạn Vinpearl cũng không tránh khỏi cảnh tiêu điều, đoạn tường bê tông chiều cao trên một mét luôn bị sóng biển dễ dàng vượt qua mỗi khi dội vào bờ, hàng chục căn nhà đã bị sóng biển khoét sâu xuống gần mét cát làm lộ ra chân móng sần sùi. Biển xâm thực đã làm nản lòng các nhà đầu tư tại 2 khu du lịch này. Nếu như khách sạn Fusion còn có vài người bảo vệ trông coi thì Vinpearl hầu như đã bị bỏ hoang mặc cho nước biển đang đe dọa, “gặm nhấm” dần.

Tự cứu mình

Có nhiều nguyên nhân lý giải sạt lở tại các khách sạn ven biển Cửa Đại như biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, gần cửa sông hay sự lấn chiếm biển của một số khách sạn mới tạo dựng nên vòng cung nhô ra biển… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sinh - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại (TP.Hội An), nguyên nhân có thể là các dự án kè biển không đồng bộ, mạnh ai nấy làm dẫn đến trình trạng những đoạn chưa kè càng bị xói lở nhiều hơn. “Trước đây biển chỉ lở ở đoạn Cẩm An nhưng không hiểu sao mấy năm gần đây thì tập trung lở đoạn từ khách sạn Victoria trở vô” - ông Sinh thắc mắc.

Nhà nước và doanh nghiệp cần chung sức kè biển
Dự án kè chống bãi biển ven biển Cửa Đại đã được Trung ương phê duyệt, đến nay đã triển khai hoàn thành giai đoạn 1 với việc xây kè 714m (đoạn từ khách sạn Sunrise đến Fusion), kinh phí 50 tỷ đồng. Sắp tới sẽ kè 2 đoạn tiếp theo từ khách sạn Golden Sand đến Sunrise và đoạn khách sạn từ Fusion Alya – Vinpearl, dự trù kinh phí khoảng 90 tỷ đồng. Dự kiến năm 2014 sẽ khởi công kè chắn đoạn từ Fusion Alya – Vinpearl.
Theo ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An, kè biển chống sạt lở là một dự án quan trọng đòi hỏi kinh phí, kỹ thuật hiện đại và có sự tham gia của các cấp cao hơn. Ông Giảng nói: “Từ hôm bão đến nay tôi đã dẫn 5 đoàn khảo sát từ tỉnh đến Trung ương xuống xem sạt lở để họ thấy tình trạng như vậy mà giúp đỡ, hỗ trợ cho kế hoạch đối phó, chứ một mình thành phố thì không thể làm gì được”. Với các khách sạn bị sạt lở bờ biển, ông Giảng cho rằng, doanh nghiệp phải tự giải quyết, chính quyền không thể lo hết được. “Nhà nước đã giao đất cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thì anh phải có trách nhiệm bảo vệ giữ gìn nó. Trong một số trường hợp cụ thể chúng ta có thể thực hiện phương án nhà nước và doanh nghiệp cùng làm” - ông Giảng quả quyết.

Theo ông Claude M. Balland, để hạn chế biển xâm thực, mỗi năm khách sạn Victoria phải bỏ ra trên 300 triệu đồng để kè chắn, riêng từ tháng 9 đến nay đã có hơn một nghìn mét khối đá cùng hàng ngàn cọc tre gỗ đã được đóng xuống bờ kè nhưng chỉ mang tính đối phó tạm thời. “Lãnh đạo 5 khách sạn cũng từng ngồi lại họp bàn tìm giải pháp chung như mời công ty tư vấn từ Hà Lan đến khảo sát đưa ra cách thức đối phó nhưng đến nay vẫn chưa triển khai vì phải chờ ý kiến đồng ý từ các công ty mẹ”. Ông Claude cho rằng, nếu thống nhất giải pháp của phía Hà Lan sẽ hạn chế và tiến đến chấm dứt trình trạng xói lở nơi đây. Theo đó, việc kè chống sẽ được thực hiện bằng cách thả những trụ bê tông xuống biển cách bờ 50m nhằm vừa hạn chế sóng biển từ xa vừa giúp mang cát bồi lấp vào phía bờ. “Chỉ riêng tiền khảo sát cũng đã tốn gần 90 nghìn đô la, còn nếu muốn triển khai kè chắn thì phải tốn từ 2 - 3 triệu đô, đây là số tiền lớn cần tính toán đối với khách sạn” - ông Claude M. Balland tiết lộ.

Tuy nhiên, theo ông Trần Quý Đôn – Phó Tổng Giám đốc khách sạn Sunrise, nếu thực hiện theo giải pháp của Hà Lan thì số tiền không chỉ dừng lại ở vài triệu đô mà sẽ còn cao hơn vì đây mới chỉ ước lượng ban đầu. “Giải pháp không thiếu chỉ thiếu tiền thôi” - ông Đôn nói. Trong khi chờ những dự án triển khai, khách sạn Sunrise đã tự cứu mình bằng cách sử dụng công nghệ kè chắn biển của Úc là dùng bao cát (mua từ Úc, bảo hành 20 năm) chất cao thành lớp để ngăn biển xâm thực. “Từ năm 2008 chúng tôi đã chi khoảng 20 tỷ đồng để kè chắn cho 200m bờ biển của khách sạn” - ông Đôn cho  biết.
Thực tế cho thấy, các khách sạn ven biển chiếm hơn 25% tổng số du khách lưu trú đến Hội An. Diện tích bãi biển bị thu hẹp cũng đồng nghĩa với việc sẽ mất đi một lượng khách lớn, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến du lịch biển của Quảng Nam. Triển khai giải pháp chống biển xâm thực là việc làm cấp thiết đòi hỏi có sự chung tay phối hợp đồng bộ giữa nhà nước, doanh nghiệp và các nhà khoa học nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xâm thực biển Hội An cũng như các vùng lân cận của thành phố những năm đến.

THÂN VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biển "ngoạm" đất du lịch: Doanh nghiệp xoay xở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO