Biển nhớ

ĐĂNG QUANG 02/04/2018 09:11

“Biển nhớ tên em gọi về...” là câu chuyện tình yêu mà một nhạc sĩ tài danh đã kể. Nhưng nào chỉ có trong thơ nhạc, biển nhớ người, người nhớ biển là tình tự ngàn đời của dân tộc, là sự sống, hơi thở hàng ngày.

Không nhiều quốc gia trên thế giới có vị thế như Việt Nam được biển ôm ấp vỗ về. Với bờ biển dài khoảng 3.260km, tức chỉ 100km2  thì có 1km bờ biển, suốt ba miền đất nước đều đón được ngọn gió từ biển. Diện tích vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam rộng khoảng 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Có vùng đất, như tận Mũi Cà Mau, có thể thấy mặt trời lên xuống biển từ đông sang tây. Nhắc thế để thấy rằng, hơn cả nỗi nhớ, biển là sự sinh tồn của dân tộc.

Vào cuối tháng ba, những hoạt động hướng về phía biển lại cồn cào. Mới nhất là UBND TP.Đà Nẵng đã khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa. Đây là công trình, có tổng mức đầu tư hơn 43 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 1.296m2 với 4 tầng, là thiết chế văn hóa mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt; là nơi trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị minh chứng lịch sử quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trước đó, khu chứng tích Gạc Ma ở Cam Lâm, nằm trên tuyến đường từ sân bay Cam Ranh về Nha Trang cũng đã đưa vào hoạt động. Tôi muốn gọi đây là những “công trình nhớ biển” tiêu biểu nhất, vì rằng phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc như Hoàng Sa, Gạc Ma (Trường Sa)... đang bị ngoại bang chiếm giữ. Máu của người Việt đã đổ xuống vì biển đảo bị quân Trung Quốc xâm lược. Để rồi, ngày nay ai đến tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa và Khu chứng tích Gạc Ma, sẽ cồn cào nỗi da diết và tiếc nhớ phần biển đảo máu thịt của Tổ quốc đã được xác lập trong các thư tịch cổ. Nói như ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, những công trình đó là “ngọn hải đăng” nhắc nhớ con dân Việt ngàn đời về một phần lãnh thổ chưa trở về đất mẹ.

Có nhiều thứ cần phải tiếp tục làm cho biển đảo luôn luôn gợi nhớ nữa. Một thông tin đáng mừng khi Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định (số 351/QĐ-TTg) về phê duyệt Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020.  Tổng kinh phí thực hiện Chương trình hơn 20.982 tỷ đồng, sẽ điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn. Trong đó, dự án đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển được đầu tư hơn 10.770 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành 250km đường giao thông chính của 16 khu kinh tế ven biển, 220km đường giao thông cho 21 khu kinh tế cửa khẩu và 100km đường giao thông cho các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tại các địa phương. Đây có thể xem là động thái để kết nối “mặt tiền” phía biển, giữ bờ cho vững để vươn ra biển xa.

Hiện nay, theo các chuyên gia phân tích, Trung Quốc vẫn cố thực hiện chiến thuật “tằm ăn lá dâu” với những bước đi hết sức nguy hiểm, đe dọa sự ổn định của khu vực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi các bên liên quan trên Biển Đông. Theo đó, bằng cách gia tăng các hoạt động núp dưới vỏ bọc kinh tế, dân sự, nghiên cứu khoa học, Trung Quốc muốn từng bước hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi lý của họ. Với cách thức ấy, họ muốn biến vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp. Và, khi xảy ra tranh chấp, họ sẽ sử dụng “chiến lược cải bắp”, bao vây vùng biển đảo đang tranh chấp với vòng trong vòng ngoài gồm tàu đánh cá, tàu ngư chính, tàu hải giám, kể cả tàu chiến. Nếu không thể giải quyết triệt để như tham vọng chiếm phần lớn Biển Đông thì Trung Quốc sẽ đề nghị “gác tranh chấp cùng khai thác”(!).

Trước tình hình đó, vùng biển và 3 ngàn đảo lớn nhỏ của Việt Nam,  luôn là câu chuyện mà ai cũng quan tâm. Việc đầu tư cho biển đảo đã trở nên bức thiết. Hy vọng, từ chiến lược biển quốc gia và quyết sách mới của chính phủ, những tỉnh thành ven biển như Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ tận dụng cơ hội để củng cố tuyến “mặt tiền” phía biển. Quảng Nam có 125km bờ biển, có đảo Cù Lao Chàm và xã đảo Tam Hải, cùng ngư trường rộng lớn, nhiều cửa cảng, việc đầu tư cho biển đảo cũng là sự sống còn. Ngư dân xứ Quảng có nghề truyền thống đi biển lâu đời, tuy nhiên bên cạnh việc hỗ trợ vốn để sắm mới phương tiện theo các nghị định của chính phủ, cần quan tâm nhiều hơn nữa đời sống của họ. Làm sao để nghề biển giảm bớt khổ nhọc bấp bênh, không phập phồng vì “hồn treo cột buồm” để vươn ra khơi xa.

Nhớ biển, đừng bít những con đường ra biển. Biển nhớ, đừng để những con thuyền ra khơi thiếu chỗ dựa ở bến bờ.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biển nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO