Biên soạn từ điển phương ngữ Quảng Nam

HOÀNG LIÊN 01/06/2016 08:42

Tại hội thảo “Tiếng Quảng và việc biên soạn từ điển phương ngữ Quảng Nam”, các nhà nghiên cứu, các nhà từ điển học đã gợi mở thêm những điểm nhìn thú vị về đặc trưng tiếng Quảng.

Phong phú từ “gốc Quảng”

Qua thời gian dài nghiên cứu, công trình “Biên soạn Từ điển phương ngữ Quảng Nam” do PGS-TS. Phạm Văn Hảo chủ nhiệm, đã sắp sửa hoàn chỉnh, dự kiến Sở KH&CN sẽ tổ chức nghiệm thu trong năm 2016.

Được biết, công trình từ điển phương ngữ này là kết tinh của quá trình nghiên cứu phương ngữ Quảng Nam dựa trên đặc điểm ngữ âm (5 thanh, 23 phụ âm đầu, 104 vần) và từ vựng với sự đa dạng, nhiều lớp từ. Cụ thể: lớp từ có sự đồng nhất với tiếng Việt chung như ăn uống, trời đất…; lớp từ có ở nhiều phương ngữ như thơm (dứa), mỳ  (sắn)…; lớp từ của phương ngữ Bắc Trung Bộ nhưng còn sử dụng ở Quảng Nam - Đà Nẵng như mô (đâu), tê (kia), răng (sao) và lớp từ đặc Quảng Nam như rị (kéo), truất (tệ quá), thộn (áo quần)… Kể cả việc nghiên cứu từ gốc Chăm và lớp từ cũ còn được sử dụng ở xứ Quảng. PGS-TS. Phạm Văn Hảo chia sẻ: “Chúng tôi đã đi đến những công đoạn cuối cùng trong việc biên soạn từ điển và sở hữu khoảng 7.000 - 8.000 từ, vượt so với đăng ký ban đầu là 4.500 từ. Cuốn từ điển phương ngữ này có vai trò và nhiệm vụ của một cuốn từ điển, song không phải là một cuốn từ điển bách khoa. Các yếu tố văn hóa, đặc trưng địa phương được đưa vào sao cho hợp lý, để người ta hiểu được, thấy được cái hay cái đẹp của phương ngữ xứ Quảng, song lại không sa đà vào việc giải thích”.

 Đèo Hải Vân là ranh giới phân chia ngôn ngữ theo hướng “ngả Nam” hay “ngả Bắc” của khu vực miền Trung. Ảnh: H.Liên
Đèo Hải Vân là ranh giới phân chia ngôn ngữ theo hướng “ngả Nam” hay “ngả Bắc” của khu vực miền Trung. Ảnh: H.Liên

Được biết, trong suốt quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã điền dã để lấy được nguồn tư liệu sống ở các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và chia theo vùng: vùng ven biển, vùng đồng bằng và vùng ven núi, nghiên cứu những đặc trưng văn hóa vùng miền. Nhóm tác giả còn nghiên cứu thổ nhưỡng, văn hóa, phong tục, ngôn ngữ thờ cúng, văn học dân gian vùng miền xứ Quảng, kể cả việc nghiên cứu phương ngữ Quảng Nam qua sách báo, tư liệu, các công trình nghiên cứu về văn hóa xứ Quảng. Từ đó, các nhà khoa học hệ thống, sắp xếp, lọc tiếng Quảng ra khỏi lớp từ chung (từ phổ thông, từ toàn dân). Đối với việc biên soạn công trình từ điển phương ngữ Quảng Nam, lớp từ Hán Việt không được xét nghiên cứu, nhóm tác giả chỉ tập trung vào đối tượng từ thuần Việt và đặc trưng của những lớp từ đã nói trên.

Quang cảnh buổi hội thảo về từ điển phương ngữ Quảng Nam.
Quang cảnh buổi hội thảo về từ điển phương ngữ Quảng Nam.

Đảm bảo tính khoa học

Theo quan điểm của TS. Lê Văn Trường (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam), việc biên soạn từ điển phương ngữ Quảng Nam đảm bảo 4 nguyên tắc như bất cứ công trình biên soạn từ điển khác. Thứ nhất, sử dụng tiếng phổ thông để định nghĩa phương ngữ trong từ điển phương ngữ, đó là điều bắt buộc đối với việc biên soạn để cuốn từ điển có thể trở thành cuốn sách phổ thông. Thứ hai là nguyên tắc đối dịch, nghĩa là tìm những từ tương đương trong ngôn ngữ phổ thông để định nghĩa, ví dụ tía/ba = bố, o = cô, các từ điển đều biên soạn theo nguyên tắc này. Thứ ba, đối với những từ ngữ không có sự tương đương trong ngôn ngữ phổ thông, người biên soạn phải dùng sự hiểu biết để giải thích sao cho rành mạch, rõ ràng, trong sáng, dễ hiểu, tùy thuộc vào tài liệu, sự hiểu biết của người biên soạn. Nếu làm tốt nguyên tắc giải thích và đối dịch, người biên soạn từ điển đã thành công.

Xu hướng “ngả nam” ở tiếng Quảng
Cả dải đất dằng dặc hàng ngàn cây số thuộc miền Trung này (khu vực từ đèo Hải Vân trở vào Bình Thuận và đèo Hải Vân trở ra Thanh Hóa) không có một trung tâm văn hóa nào lớn đủ quán xuyến cả khu vực, kiểu như Hà Nội với Bắc Bộ và TP.Hồ Chí Minh với Nam Bộ. Không có trung tâm văn hóa lớn nên miền Trung được các nhà ngôn ngữ học coi là vùng chuyển tiếp (smesannyi). Tức là khu vực vừa mang đặc điểm (ngôn ngữ) của nó, vừa mang đặc điểm tiếp xúc với các phương ngữ bên cạnh, bên ngoài nó. Điều đó có thể chứng minh được qua việc tìm hiểu xu hướng ảnh hưởng “ngả Bắc” (ảnh hưởng theo hướng Bắc) hay ngả nam (hướng nam) của ngôn ngữ khu vực này. Tiếng Quảng Nam, âm đầu “v” trước kia vẫn dùng, nay đổi thành “j”. Ví dụ: văn - giăng, vằng/giằng, vua/giua. Đây là xu hướng “ngả nam” rất rõ. Về từ vựng, tiếng Quảng Nam nói “ghe” chứ không nói nôốc (chỉ cái thuyền) như Thừa Thiên Huế, cũng nói bom/bơm chứ không nói táo như miền Bắc… Các Đài Phát thanh - truyền hình TP.Hồ Chí Minh và TP.Hà Nội phát âm theo phương ngữ Nam và Bắc rõ nét. Riêng các đài địa phương vùng Thanh Hóa, Nghệ An nói theo tiếng Bắc, còn các đài PT-TH từ Đà Nẵng, Quảng Nam vào nói theo tiếng Nam.

Tuy nhiên, để cuốn từ điển hay và sâu, không thể bỏ qua nguyên tắc đặc điểm văn hóa của cộng đồng đó. Nó có thể mang tính phổ quát (của con người nói chung), có thể mang tính toàn dân (của con người trong cùng một dân tộc), nhưng cũng có thể là đặc trưng của một cộng đồng hẹp, tức cộng đồng sử dụng phương ngữ. TS.Trường lấy ví dụ, đối với từ “áo cánh”, nghĩa đối dịch sẽ là “áo ngắn tay của phụ nữ”. Tuy nhiên, những loại áo ngắn tay ở công sở song không thể gọi là áo cánh. Lúc này xuất hiện yếu tố văn hóa: “áo cánh là áo mặc ở nhà, không thể mặc dịp trang trọng, ở cơ quan”. Xét theo tiêu chí văn hóa vùng miền, ở phía nam, khí hậu rất nóng, khi may áo cánh, phụ nữ thường dùng vải mỏng để may cho mát. Vậy nên, cần giải thích đầy đủ “áo cánh là loại áo ngắn tay may bằng vải mỏng, mặc ở nhà”… “Ngoài tuân thủ 4 nguyên tắc nhất định nói trên, việc biên soạn từ điển phương ngữ Quảng Nam không chỉ dừng lại ở việc thu thập, sắp xếp, sàng lọc ngữ liệu mà cần có nhiều yếu tố cần thiết khác để cuốn từ điển trở thành sách công cụ, hữu ích cho việc tra cứu, học tập, truyền bá. Đây phải là cuốn từ điển khác với loại từ điển giải thích, nhưng cũng không phải là loại từ điển song ngữ. Nó nằm ở ranh giới giữa hai loại từ điển nói trên” - TS. Trường nói.

Trường Tiểu học JunKo (Điện Bàn) là một trong những trường học rất chú trọng trong việc vận dụng phương ngữ Quảng Nam vào giảng dạy, phát huy và gìn giữ bản sắc văn hóa xứ Quảng. Tại hội thảo, bà Huỳnh Thị Thúy, đại diện nhà trường chia sẻ, việc sử dụng phương ngữ trong nhà trường đúng mực sẽ giúp học sinh được mở rộng vốn từ ngữ phổ thông, củng cố vốn từ địa phương, tự tin hơn trong học tập, giao tiếp và cuộc sống đời thường. “Việc nghiên cứu, biên soạn từ điển phương ngữ Quảng Nam góp phần bảo lưu tính đặc trưng của ngôn ngữ địa phương, vừa giúp người khác hiểu được ngôn ngữ người Quảng, vừa làm phong phú ngôn ngữ toàn dân. Cuốn từ điển ra đời sẽ rất cần thiết cho việc dạy và học ở nhà trường” - bà Thúy nói.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biên soạn từ điển phương ngữ Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO