"Biến tấu" bản sắc Cơ Tu

TRẦN HỮU - ĐỖ VỊNH 26/02/2014 08:56

Đặt tên cho con trùng với nhiều hãng điện tử, điện thoại nổi tiếng; lồng tùy tiện những dòng nhạc ngoại lai, hỗn tạp vào giai điệu hát lý… Những việc làm này đang dần đánh mất bản sắc văn hóa độc đáo của người Cơ Tu.

Bây giờ đến vùng cao, khó khăn lắm mới được thưởng thức những điệu hát lý đúng nghĩa của người Cơ Tu.
Bây giờ đến vùng cao, khó khăn lắm mới được thưởng thức những điệu hát lý đúng nghĩa của người Cơ Tu.

Anh  Hôih Thủy - cán bộ Tư pháp xã A Ting (Đông Giang) cho biết, khi tiếp cận các phương tiện truyền thông, loại hình nghệ thuật từ nước ngoài, người dân bản địa thích đặt tên cho con mình theo tên nhân vật chính trong các bộ phim truyền hình, như Bnước Thị Chu In, Pơ Long Thị Kim Su, Clâu Thị Su In, A Ting Victory, Brâu Thị Vi Va.... Thêm nữa, họ còn chọn các hãng điện tử như Nokia, Sam Sung, Sony; các thương hiệu xe Toyota hay Yamaha, Suzuki để đặt tên cho con. “Mặc dù chính quyền đã vận động, giải thích, nhưng tình trạng sử dụng những cái tên có nguồn gốc từ nước ngoài vẫn tái diễn” - anh Thủy nói.

Lợi bất cập hại

Những cái tên lạ của người Cơ Tu không biết có ý nghĩa gì, trước mắt chỉ thấy lợi bất cập hại. Bước vào tuổi đi học, các em mang tên nước ngoài đã gặp nhiều khó khăn. Đầu năm học mới, khi cô giáo đọc những tên nước ngoài, bạn trong lớp không thể nhịn cười, chế nhạo, tạo tâm lý mặc cảm cho các em. Trên địa bàn xã A Ting, năm 2013 có hàng chục trẻ em được cấp khai sinh với tên nước ngoài. Tại ngôi trường Tiểu học A Ting, số học sinh mang họ Cơ Tu, tên nước ngoài chiếm số lượng khá lớn. Cô giáo Lê Thị Tú Quỳnh - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học A Ting cho biết: “Nhà trường có hơn 200 học sinh nhưng có đến 20 em mang tên nước ngoài. Điều này gây khó khăn cho cô giáo chủ nhiệm khi đọc tên cũng như viết chữ”.

Đông Giang lập làng truyền thống

Trước thực trạng bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu đang dần mai một, đầu năm 2014, UBND huyện Đông Giang có cuộc họp triển khai nhiệm vụ không chỉ cho năm 2014 mà còn cho nhiều năm sau: Thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của người Cơ Tu, bằng việc xây dựng “Làng truyền thống gắn phát triển làng nghề của tộc người Cơ Tu tại thôn Đhrôồng xã Tà Lu giai đoạn 2014 - 2020”.

Theo quy hoạch, làng truyền thống Đhrôồng sẽ giữ nguyên hiện trạng cư trú của dân cư hiện nay, chỉ chỉnh trang và xây dựng một quần thể dân cư mới ngay trên đất làng cũ có các tiêu chí của không gian tự nhiên gắn kết với rừng, suối nước, đất rẫy sản xuất, ruộng bậc thang, vườn cây gia đình. Tất cả hình thành nên một cấu trúc làng truyền thống với nhà ở của người dân là nhà sàn, có gươl, nhà dài, sân làng để tổ chức lễ hội... như đặc trưng cổ truyền của người Cơ Tu. Làng lập theo hình bầu dục, ở giữa  có gươl, có hàng rào làng, cổng làng, có rừng thiêng (nghĩa địa), có máng nước, kho lúa... Và cái cốt lõi, người dân ở làng sẽ có một cuộc sống với các hoạt động sản xuất như làm rẫy, làm ruộng, dệt thổ cẩm, đan lát, mây tre, rèn; người dân đủ điều kiện để tổ chức các lễ hội tín ngưỡng dân gian của tộc người mình theo nghi lễ cổ truyền, có trang phục, trang sức, cồng chiêng và sinh hoạt dân ca, dân vũ truyền thống. Kế hoạch trực hiện thành công sẽ là điều cốt lõi để Đhrôồng trở thành một “bảo tàng sống của nhiều giá trị văn hóa truyền thống tộc người Cơ Tu”, là  điểm đến cho khách du lịch. (NGUYỄN TRI HÙNG)

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn các xã miền núi thuộc huyện Đông Giang và Tây Giang, tình trạng đặt tên nước ngoài cho con tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra. Khi mang những tên rất Tây, cha mẹ lẫn người thân cố gắng lắm mới phát âm đúng tên gọi. Sự “hiện đại hóa” tên gọi còn vô tình mang lại những rắc rối trong các giao dịch dân sự cũng như các thủ tục hành chính. Vì vậy, ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến cho bà con, việc định hướng, gợi ý của cán bộ tư pháp có vai trò rất quan trọng. Theo ông Nguyễn Thành Thiện - Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Đông Giang, trước thực trạng này, ngành tư pháp huyện đã triển khai cho cán bộ xã vận động đồng bào đặt tên con em mình phải đúng với tên gọi truyền thống để giữ gìn bản sắc văn hóa và mang những ý nghĩa gần gũi với cái nương, cái rẫy, đời sống tinh thần của đồng bào. Khi người dân đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký khai sinh, cán bộ tư pháp hộ tịch chỉ biết vận động, tuyên truyền, chứ không có cách nào khác hơn.

Mai một “di sản tinh thần”

Đến các ngôi làng mới của đồng bào Cơ Tu, dù gươl truyền thống được đầu tư, có bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể như ché rượu, thổ cẩm, các loại nhạc cụ… Song, so với trước đây, các giá trị văn hóa này đã “nghèo nàn” hơn, thậm chí một phần bị biến dạng. Bây giờ đến vùng cao, khó khăn lắm mới được thưởng thức những giai điệu hát lý Cơ Tu bản địa đúng nghĩa. Đến các làng tái định cư thủy điện ở Tây Giang, Đông Giang, giới trẻ gần như không còn giữ được truyền thống đãi khách bằng điệu p’rá pr’ma, têng bh’noóch, tr’a (nói lý - hát lý truyền thống).

Ông Bríu Pố (70 tuổi), sống ở xã Ma Cooih (Đông Giang) trăn trở: “Làng mình khó tìm ra người hát lý Cơ Tu đích thực, phải đến các bản làng khác mời người về biểu diễn. Hát lý bây giờ phá cách lắm, vần điệu Cơ Tu đã bị lồng xen với các giai điệu, lời tiếng Kinh khó nghe. Người Cơ Tu rất dễ bị tác động bởi môi trường mới. Gần đây, các phương tiện nghe nhìn xuất hiện ở vùng cao, nên đồng bào bị ảnh hưởng”. Cũng theo ông Bríu Pố, thanh niên của làng bây giờ phần lớn thích nghe nhạc trẻ, phim ảnh... nên những bài lý Cơ Tu nhanh chóng rơi vào lãng quên. Theo ông Nguyễn Tri Hùng (Ban Dân tộc tỉnh), hát lý là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người Cơ Tu. Những loại văn hóa lai căng, tác động của các phương tiện nghe nhìn hiện đại đã ít nhiều làm “biến tấu” nó. Sợ mai sau giới trẻ Cơ Tu không còn am hiểu tiếng mẹ đẻ của mình thì nói lý, hát lý sẽ bị mai một.

TRẦN HỮU - ĐỖ VỊNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Biến tấu" bản sắc Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO