Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn hiệp định này.
Các thành viên TPP-11 chụp hình lưu niệm sau lễ ký kết CPTPP tại Chile tháng 3.2018 . Ảnh: Reuters |
NGÀY 12.11, Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP (hay TPP-11) cùng các văn kiện liên quan. Trước đó, New Zealand, Canada, Australia, Nhật Bản, Mexico và Singapore đã thông qua hiệp định. Bất chấp việc Mỹ - quốc gia khởi xướng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sau đó rút khỏi hiệp định vào đầu năm 2017, CPTPP vẫn sẽ có hiệu lực vào ngày 30.12.2018.
Tiền thân của Hiệp định CPTPP là Hiệp định TPP gồm 12 thành viên, được thông qua vào tháng 10.2015. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 thành viên còn lại, do Nhật Bản dẫn dắt, nỗ lực đàm phán và ra tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành CPTPP vào tháng 11.2017. Ngày 8.3.2018, đại diện 11 nước thành viên tham gia lễ ký CPTPP tại Santiago (Chile).
Cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước… Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho hay, CPTPP có hiệu lực sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, khẳng định việc thiết lập các quy chế thương mại bình đẳng và tự do cho thế kỷ 21 - các quy chế này sẽ được phổ biến trên toàn cầu. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố nước này sẽ hành động để tăng cường thương mại quốc tế trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên trên thế giới.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội nhận định, nếu tận dụng tốt CPTPP kim ngạch xuất nhập khẩu có khả năng tăng thêm khoảng 4,04% đến năm 2035. CPTPP có thể tạo thêm 20.000 - 26.000 việc làm/năm. Hội nhập chính là con đường hiện thực hóa mục tiêu thịnh vượng của Việt Nam. |
Bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu, Hiệp định CPTPP mang tính chiến lược đối với các nước tham gia, trong đó có Việt Nam. Theo Reuters, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất của khu vực, cũng là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ CPTPP, nhờ việc cắt giảm thuế, tăng cường tự do thương mại, thu hút vốn ngoại. Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Vũ Tiến Lộc nhận định, việc tham gia CPTPP là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, tăng thêm việc làm cho người lao động, cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời CPTPP cũng là cơ hội để đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường. Ngoài lợi ích trước mắt là đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia hay Canada, CPTPP sẽ là động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh cải tổ, tăng khả năng cạnh tranh của sản xuất và xuất khẩu trong nước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam còn đối mặt với không ít thách thức khi tham gia CPTPP. Ví như sự chênh lệch giữa Việt Nam và các nước tham gia Hiệp định CPTPP còn quá lớn khiến Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức, sự cạnh tranh khắc nghiệt. Chính phủ Việt Nam cho rằng, đây không chỉ là một thỏa thuận thương mại, CPTPP cũng đòi hỏi những đột phá trong việc thực hiện và thực thi pháp luật, trong việc quản lý nhà nước và quản trị xã hội…
QUỐC HƯNG (tổng hợp)