(QNO) - Kể từ lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ vào tháng 10.2020, biến thể B.1617 của vi rút SARS-CoV-2 hiện có mặt tại khoảng 60 quốc gia và vũng lãnh thổ. Tiêm phòng vắc xin vẫn là chìa khóa chống lại đại dịch Covid-19.
Theo đánh giá mới nhất về biến thể B.1617 vừa được đăng trên báo Straits Times (Singapore), các nhà khoa học cho biết biến thể này ngày càng thống trị khắp nơi và có thể làm trầm trọng thêm đại dịch Covid-19, đặc biệt những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. B.1617 đồng thời không phải là đột biến cuối cùng.
Giáo sư Teo Yik Ying - Hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore nói: “Điều đáng sợ là tốc độ lan truyền nhanh khắp trong cộng đồng của biến thể B.1617, có thể vượt qua khả năng truy vết”.
Nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - Soumya Swaminathan cho biết, B.1617 có khả năng lây truyền cao gấp 1,5 - 2 lần so với chủng vi rút xuất hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) 18 tháng trước.
Theo WHO, chủng biến thể B.1617 được xem là nguyên nhân dẫn đến tái bùng phát dịch Covid-19 tại Ấn Độ với tốc độ lây lan nhanh hơn, trầm trọng hơn trong những tháng qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đa số ca bệnh mới đều liên quan đến chủng biến thể B.1617.
Đến nay, Ấn Độ ghi nhận khoảng 28 triệu người nhiễm Covid-19, trong đó hơn 325.000 người tử vong.
Tại Singapore, biến thể B.1617 xuất hiện tại hai khu cộng đồng lớn trong những tháng gần đây là sân bay Changi và Bệnh viện Tan Tock Seng.
Biến thể kép B.1617 có 3 biến thể thứ cấp, bao gồm B.1617.1, B.1617.2 và B.1617.3. Trong đó, phiên bản B.1617.2 là phổ biến nhất. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ liệu B.1617 có gây ra bệnh nặng hơn, tử vong nhiều hơn dù nó có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Do đó, vũ khí tốt nhất chống lại Covid-19 vẫn là tiêm chủng rộng rãi, làm giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh và khả năng phát triển các triệu chứng nghiêm trọng ngay cả khi bị nhiễm bệnh cũng thấp hơn nhiều.
Hiện nay, vắc xin Covid-19 của các hãng dược Pfizer, Moderna và AstraZeneca được xác nhận có hiệu quả chống lại biến thể B.1617.
Cụ thể, vắc xin Pfizer-BioNTech có hiệu quả 88% so với biến thể B.1617.2 bắt đầu từ 2 tuần sau liều thứ hai. Hai liều vắc xin của AstraZeneca có hiệu quả 60%.
Tuy nhiên, các nhà khoa học tiếc rằng, hầu hết các quốc gia đang tụt hậu xa trong việc tiêm chủng cho người dân của họ.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu - Hans Kluge cảnh báo đại dịch sẽ không kết thúc cho đến khi ít nhất 70% người dân được tiêm chủng. Như hiện chỉ khoảng 43% người lớn ở khu vực châu Âu nhận được ít nhất một liều vắc xin Covid-19.
Thời báo New York (Mỹ) đưa tin, hơn 1,81 tỷ liều vắc xin Covid-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới cho đến ngày 28.5.2021. Song, giáo sư Teo Yik Ying cho biết, sự bất bình đẳng trên toàn cầu trong việc cung cấp và phân phối vắc xin vẫn còn khi cơ hội tiêm chủng rộng rãi vẫn là một đặc ân cho các nền kinh tế tiên tiến.
Giáo sư Dale Fisher - Giám đốc nhóm y tế tại Hệ thống Y tế đại học quốc gia ở Singapore và là Chủ tịch mạng lưới ứng phó và cảnh báo bùng phát toàn cầu của WHO cho hay: “Những nước như Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam dễ bị tổn thương hơn do tỷ lệ tiêm chủng thấp”.
Do đó, ông Dale Fisher kêu gọi các quốc gia giàu có hỗ trợ nhiều hơn cho chương trình COVAX do WHO hậu thuẫn, một dự án toàn cầu nhằm bảo đảm và phân phối vắc xin cho các nước nghèo hơn.