Biển vàng sắc tứ Phước Lâm tự

NGUYỄN DỊ CỔ 02/08/2020 06:33

Biển vàng sắc tứ là vinh hạnh của một ngôi chùa không chỉ đương thời mà đến cả ngày nay và mai sau. Biển vàng sắc tứ thường tập trung ở các chùa quan, nhưng chùa Phước Lâm vốn ban đầu là chùa tư mà cũng được sắc tứ thì càng thêm vinh dự, xứng là “một danh lam của tỉnh ta” như Nguyễn Thuật nhận xét từ đầu thế kỷ 20. Biển vàng sắc tứ càng khẳng định vai trò đặc biệt của Phật giáo đất Quảng.

Bia mộ Vĩnh Gia Hòa thượng.Ảnh: N.DỊ CỔ
Bia mộ Vĩnh Gia Hòa thượng.Ảnh: N.DỊ CỔ

Đất Quảng vinh dự có nhiều chùa quan, được ban sắc tứ dưới thời Nguyễn. Nhiều ngôi chùa đất Quảng là nơi tu hành, thọ giới của một số người thuộc hoàng tộc; được vua ngự giá viếng thăm; được triều đình lựa chọn tổ chức tụng niệm chúc mừng hoàng đế đăng quang. Đó là những ngôi chùa nổi tiếng xưa nay như Tam Thai, Ứng Chơn, Từ Tâm, Vĩnh An, Chúc Thánh, Phước Lâm… Thiện tín hay du khách bước vào một số ngôi chùa ở đất Quảng sẽ nhìn thấy biển vàng sắc tứ của ngôi chùa bằng chữ Hán được treo trang trọng ở chính đường, nó có một lai lịch và ý nghĩa riêng biệt.

Hành trình sắc tứ

Chùa Phước Lâm tọa lạc tại xã Cẩm Hà, TP.Hội An, được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1991. Theo Nguyễn Hiền Đức viết trong Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, chùa Phước Lâm do Thiền sư Thiệt Dinh - Chánh Hiển, hiệu Ân Triêm, (1712 - 1796) thành lập vào giữa thế kỷ 18. Tác giả Phạm Phước Tịnh nói rõ là khoảng năm 1736. Sau đó chùa trải qua các đời trụ trì là Thiền sư Phật Tuyết – Tường Quang, Thiền sư Minh Giác (nổi tiếng với biệt danh Bình Man Tảo Thị: dẹp giặc Man và 20 năm quét chợ), Thiền sư Toàn Nhâm – Vi Ý hiệu Quán Thông, Thiền sư Chương Tư – Tuyên Văn hiệu Huệ Quang, Hòa thượng Vĩnh Gia, Thiền sư Chơn Thể - Phổ Minh hiệu Đạo Viên, Thiền sư Như Vạn – Giải Thọ hiệu Trí Phước, Hòa thượng Như Nhàn – Giải Lạc hiệu Trí Giác. Chùa đã nhiều lần trùng tu vào các năm 1822, 1864, 1891, 1909, 1965… Trong đó có một văn bia ghi lại quá trình trùng tu chùa do Hà Đình Nguyễn Thuật biên soạn.
Tấm biển sắc tứ chùa Phước Lâm Hội An.
Tấm biển sắc tứ chùa Phước Lâm Hội An.

Tài liệu châu bản triều Nguyễn cho biết, tháng 2 năm Duy Tân thứ 4 (1910), trụ trì chùa Phước Lâm là Hòa thượng Vĩnh Gia đã làm tờ tâu dâng lên triều đình để xin vua ban sắc tứ. Đại ý tâu rằng: “Chùa tạo lập thiền lâm cổ tích ước hơn 100 năm nối đời phụng sự, khẩn cầu đề đạt, xin ban cho một tấm biển vàng sắc tứ để treo cho trang nghiêm Phật pháp”. Bộ Lễ tiếp nhận ý nguyện của Hòa thượng Vĩnh Gia và giao cho tỉnh Quảng Nam kiểm tra, phúc trình. Tỉnh tâu lên: “Chùa này vốn đã được sáng lập từ trước, sau gặp cơn binh lửa Tây Sơn nên tan nát, tăng chúng thất lạc tứ tán cho đến khoảng niên hiệu Gia Long mới trở về trùng tu lại, nay đã hơn 100 năm phụng thờ theo quy tắc thiền lâm. Lại căn cứ tổng lý sở tại khai nói thì sư tăng chùa này là người thành kính chay lạt thờ Phật không làm điều gì quấy”.

Tiếp tục Bộ Lễ tâu trình lên nhà vua: “Chùa Phước Lâm tuy là chùa tư nhưng đã nhiều đời giữ gìn hương lửa, sư chùa này chay tịnh thờ Phật, đã được tỉnh ấy xét thật phúc rồi nên xin phụng ân chuẩn ban cho một tấm biển” (những đoạn trích đều do Lý Kim Hoa dịch từ nguyên văn chữ Hán). Nhà vua châu phê đồng ý. Một trong những người tham gia soạn thảo bản tâu này là Nguyễn Hiển Dĩnh giữ chức Thị lang Bộ Lễ. Theo văn bản của Bộ Lễ, tấm biển này ở giữa khắc 3 chữ lớn Phước Lâm tự, bên tả khắc niên hiệu còn gọi là lạc khoản “Duy Tân tứ niên cửu nguyệt nhị thập ngũ nhật phụng”, bên hữu khắc 3 chữ “phụng sắc tứ”, nhà chùa tự làm lấy tấm biển để treo. Bộ Lễ làm tờ tâu lên vua vào ngày 15 tháng 9 năm Duy Tân thứ 4, niên đại ghi trên tấm biển là ngày 25 tháng 9 cùng năm. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, thời gian từ làm hồ sơ đến có kết quả chỉ trong 7 tháng.

Công lao thiền sư

Người xin được sắc tứ về cho chùa Phước Lâm là Hòa thượng Vĩnh Gia. Hòa thượng họ Đoàn, tên gọi là Nhược (hoặc Văn Hiệu), quê làng Thế Dương (Thăng Bình), sinh năm 1840, mất năm 1918. Mộ tháp ngài trong khuôn viên tổ đình Phước Lâm.

Trước khi về trụ trì chùa Phước Lâm, Hòa thượng Vĩnh Gia được cử trụ trì chùa Linh Ứng trên núi Non Nước vào năm Giáp Thân (1844) đời vua Kiến Phúc. Khoảng năm 1887 – 1888, hòa thượng kế thế trụ trì chùa Phước Lâm.

Ngoài công tích xin được biển sắc tứ nói trên, Hòa thượng Vĩnh Gia còn có nhiều công đức lớn đối với ngôi chùa này nói riêng và Phật giáo đất Quảng nói chung. Hòa thượng tổ chức khắc và dựng bia về lịch sử Thiền sư Minh Giác là “khai sơn hòa thượng” của chùa Phước Lâm vào năm Tự Đức thứ 22 (1869).

Công lao Hòa thượng Vĩnh Gia được Hà Đình Nguyễn Thuật miêu tả qua bài văn bia trùng tu chùa Phước Lâm: “Từ lúc Thiền sư Vĩnh Gia trụ trì đến nay hằng lo lắng, không nệ thời khó khăn, khuyến mộ của người đàn việt (Phật tử, người cúng dường vật phẩm cho nhà chùa). Người đều tin lòng thành của thiền sư chẳng tiếc tiền của quyên cúng để làm nên. Đến mùa xuân năm nay sắm đủ vật liệu khởi công tu tạo. Hư nát thì thay mới, thiếu thốn thì bổ thêm, thấp thì nâng lên cho cao, hẹp thì mở thêm cho rộng, qua tám tháng thì hoàn thành. Điện vũ đều mới mẻ, khám thờ được sơn thếp lại trang nghiêm, cảnh tượng đẹp khác hơn ngày trước xa” (Nguyễn Bội Liên dịch). Nguyễn Thuật cũng vui mừng khi thấy Hòa thượng Vĩnh Gia là người đồng hương và là “bậc chân tu” làm nên “công đức lớn”.

Hòa thượng Vĩnh Gia còn tham gia và tổ chức các chương trình Phật sự ở đất Quảng. Theo Nguyễn Đức Hiền, năm Quý Tỵ (1893), đời vua Thành Thái, Hòa thượng Vĩnh Gia được cử làm Giáo thọ trong Đại giới đàn ở chùa Chúc Thánh do Hòa thượng Chí Thành làm Hòa thượng đường đầu. Năm Canh Tuất (1910) đời vua Duy Tân, Hòa thượng Vĩnh Gia khai Đại giới đàn ở chùa Phước Lâm, có hơn 100 giới tử, trong đó có nhiều thiền sư đạo hạnh cao khiết. Tài liệu Phật giáo cũng cho biết nhiều hoàng thân quốc thích như Miên Trinh Tuy Lý Vương, Đô thống Lê Viết Nghiêm… đều là đệ tử của Hòa thượng Vĩnh Gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biển vàng sắc tứ Phước Lâm tự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO