Biển với phát triển Quảng Nam

VŨ NGỌC HOÀNG 04/02/2019 06:46

Từ xưa, Đại Việt đã có truyền thống ra biển, hơn hẳn người Hán ở phương Bắc. Nhưng Đại Việt cũng không bằng Champa. Người Chăm có truyền thống và kinh nghiệm lâu đời đi biển, ra xa và dài ngày.

Nhìn ra biển. Ảnh: Nguyễn Hữu Khiêm
Nhìn ra biển. Ảnh: Nguyễn Hữu Khiêm

Quảng Nam là vùng đất hợp cư, hội nhập văn hóa và hòa chung huyết thống giữa Champa và Đại Việt, như mẹ và cha để cùng sinh ra các thế hệ sau này trên đất Quảng nói riêng và phần lớn Trung Bộ nói chung, nhất là khu vực đồng bằng và trung du. Đó là chưa kể các dân tộc tiền cư khác như người Cơ Tu và các dân tộc ít người khác.

Trên bờ biển chưa đầy 150 cây số có 3 cửa biển (Đà Nẵng, Hội An và Chu Lai) gắn với một vùng biển rộng lớn và giàu có. Điều kiện văn hóa - lịch sử và tự nhiên như trình bày đã gắn cư dân đất Quảng với biển từ lâu nay. Trong đó, một bộ phận trọn cuộc đời sống chết với biển.

Vai trò quan trọng    

Vào thế kỷ 17, trên đất Quảng Nam, đã hình thành một thương cảng hàng hải quốc tế, gắn đặc khu kinh tế Hội An với đại dương và những con tàu đến từ nhiều nơi trên thế giới, kể cả phương Tây và phương Bắc. Ngày đó, xứ này từng là một trung tâm kinh tế của Đàng Trong. Trung tâm ấy đã đóng vai trò rất quan trọng cho việc xây dựng cơ đồ của các chúa Nguyễn và trên cơ sở đó mà sau này hình thành nhà Nguyễn, đồng thời làm hậu cần cho công cuộc đi về Nam để khai khẩn mở cõi bằng con đường hòa bình. Trước đó xa hơn nữa, truyền thống gắn với biển cả còn xuất phát từ Champa, từ cửa Đại Chiêm, nơi cập bến của tàu bè ở Cù Lao Chàm và nơi thuyền lớn lui tới ở An Hòa, Chu Lai.

Người Quảng Nam đã gắn bó với biển từ lâu, không chỉ là nghề biển mà còn sinh sống ngay trên bờ biển, đối mặt với biển cả để nhìn ra đại dương. Trong điều kiện như vậy, nhưng rất tiếc là người Quảng nói riêng và dân tộc ta nói chung vẫn bị một tầm nhìn không đủ lớn và không đủ xa, do những bờ tre, những lần bão tố sóng dữ và nhiều cuộc chiến tranh nối tiếp nhau, đã ngăn cản tư duy và tầm nhìn dài hạn, chỉ tập trung thường xuyên lo cho cái ăn trước mắt, không đủ điều kiện để tính toán chiến lược.  

Bây giờ đã khác, dù chưa phải là một cường quốc, dù mấy chục năm qua phát triển vẫn chậm và đang còn những mặt tụt hậu rất đáng lưu ý, nhưng thế nước đã khác hẳn ngày xưa, tiềm lực đã mạnh lên nhiều. Đã đến lúc có thể vươn ra đại dương. Tuy chậm nhưng vẫn còn kịp, không thể chậm hơn nữa nếu như muốn thành một quốc gia giàu mạnh trên bờ biển phía đông. Thuở xưa kia con người xuất hiện từ trong rừng sâu hun hút, bước ra và tụ tập lại bên các dòng suối để “người hóa” những không gian rừng thành các làng, sau đó xuôi dần về phía hạ lưu của các dòng sông và ra bờ biển. Lần lượt từ tây sang đông, nhiều quốc gia đã thành cường quốc, tạo ra những trung tâm phát triển của thế giới nhờ họ biết vươn ra biển cả, chinh phục đại dương, rút ngắn không gian bằng con đường ngoại thương, để từ đó tác động ngược lại sản xuất trong nước. Đó là thực tế hợp quy luật sinh tồn và phát triển.

Công nghiệp du lịch    

Ngày nay, du lịch quốc tế đang trở thành ngành “công nghiệp” lớn nhất hành tinh về tổng giá trị tạo ra và số lượng việc làm, hơn cả dầu khí và sản xuất ô tô. Cuộc sống ngày càng phát triển hơn thì nhu cầu du lịch ngày càng lớn, thị trường ngày càng nhiều, lại không bị cạnh tranh chèn ép kiểu công nghiệp, nước này phát triển cũng cần thúc đẩy nước kia cùng phát triển để đưa và đón khách đi và khách đến cho nhau, tiếp cận tính đa dạng của văn hóa mỗi vùng mà nơi khác không thể thay thế được.

Quảng Nam là tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch, trước nhất là du lịch biển. Đây là ngành lưỡng tính, mang đặc điểm đồng thời cả kinh tế và văn hóa. Kinh tế bảo đảm điều kiện để ngành này có thể tự phát triển dần lên và tác động thúc đẩy văn hóa cùng tiến bước để tiếp biến với các nền văn hóa đa dạng khác. Văn hóa phát triển để bảo đảm tính bền vững của kinh tế du lịch, đồng thời lại góp phần tích cực nhất nhằm tạo ra những con người hiểu biết và có năng lực đa văn hóa, những công dân toàn cầu để sống và làm việc trong thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng.

Nếu như nhiều ngành công nghiệp, con người chủ yếu tiếp xúc với máy móc thì trong ngành du lịch con người lại tiếp cận với các nền văn hóa khác, trong đó phần lớn là từ các quốc gia phát triển và văn minh. Sản phẩm con người còn giá trị gấp nhiều lần so với sản phẩm kinh tế. Quảng Nam cần có quyết tâm chính trị cao và chiến lược đúng hướng nhằm tạo ra một trung tâm du lịch quốc tế lớn tại đây, gắn với việc hình thành một chuỗi đô thị sinh thái - văn hóa ở khu vực ven biển phía đông của tỉnh.

Tính chuyện đầu tư    

...dù chưa phải là một cường quốc, dù mấy chục năm qua phát triển vẫn chậm và đang còn những mặt tụt hậu rất đáng lưu ý, nhưng thế nước đã khác hẳn ngày xưa, tiềm lực đã mạnh lên nhiều. Đã đến lúc có thể vươn ra đại dương.

Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phần mềm, nhất là đối với những loại sản phẩm tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu và có giá trị gia tăng cao, cũng là lĩnh vực có thể phát triển lớn trong điều kiện tương tác với không gian gần biển thuận lợi về cảng thương mại bên hành lang đường hàng hải quốc tế và cảng hàng không quốc tế về hành khách và hàng hóa. Vịnh An Hòa và sân bay Chu Lai rất có lợi thế để phát triển cảng và sân bay lớn. Giữ cho môi trường biển không bị ô nhiễm bởi rác thải sinh hoạt và công nghiệp, sự đa dạng sinh học biển, bảo tàng về các loại đá, nhất là khu vực Cù Lao Chàm và xã đảo Tam Hải, là chuyện hệ trọng của không gian sinh tồn. Đây là những công việc quan trọng trong chiến lược của Quảng Nam, để từ đó thúc đẩy nhiều việc khác.

Quảng Nam bãi ngang nhiều, hải sản chủ yếu tập trung ở hai cửa sông, có ngư trường khá rộng nhưng tiềm năng về tôm cá khu vực gần bờ không nhiều. Theo đó, ngành đánh bắt hải sản vẫn còn tồn tại lâu dài nhưng không có tiềm năng để phát triển lớn ở gần bờ. Đánh bắt xa bờ cần đầu tư lớn, mà ngư dân hầu hết vẫn còn nghèo. Tỉnh chưa đủ điều kiện để hỗ trợ nhiều về tài chính, chủ yếu chỉ dựa vào các chương trình kết hợp kinh tế với quốc phòng của Nhà nước. Cho nên phải tính chuyện vận dụng tổng hợp cho đầu tư đánh bắt xa bờ.

Cuối cùng và quan trọng nhất trong chương trình biển là con người. Cần phóng tầm nhìn đại dương, với bầu trời tự do rộng dài như biển cả, mà ra sức quan tâm việc phát triển con người, bắt đầu từ tuổi phổ thông với các chương trình đổi mới giáo dục, tạo điều kiện để phát triển các trường đại học chất lượng cao trên địa bàn, hình thành các thế hệ có năng lực tư duy độc lập, có thói quen phản biện khoa học và tranh luận bình đẳng, có ý chí và quyết tâm đổi mới, trước tiên là đổi mới tư duy.

Mùa xuân đang về trên Đất Quảng. Hãy ngó sóng cả mà vững tay chèo.

VŨ NGỌC HOÀNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biển với phát triển Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO