Biển với tăng trưởng xanh

ĐĂNG QUANG 01/04/2019 10:18

Hôm nay 1.4, vừa tròn 60 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản, cũng là dịp để gợi nhắc về đóng góp của nghề cá đối với kinh tế đời sống, về vai trò của biển với người Việt.

Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3.260km, bình quân cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển, có hơn 3 nghìn đảo và quần đảo. Diện tích vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam rộng khoảng 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Do vậy biển đảo có vai trò, vị thế vô cùng to lớn đối với đời sống nhân dân khắp ba miền. Dựa vào biển, nghề cá ra đời và đáp ứng nhu cầu sinh tồn của người Việt, mà lịch sử phải tính hàng thiên niên kỷ, chứ không chỉ 60 năm.

Theo dòng thời gian, càng ngày nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam càng cho giá trị kinh tế rất lớn. Chỉ tính riêng năm rồi, sản lượng thủy sản đạt 7,74 triệu tấn, trong đó hải sản khai thác gần 3,6 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 9 tỷ USD. Từ năm 2014, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) xếp hạng nước ta đứng thứ tám trên thế giới về sản lượng khai thác (ở Đông Nam Á, sản lượng khai thác Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia), đứng thứ ba (sau Trung Quốc, Ấn Độ) về sản lượng nuôi trồng và đứng thứ ba (sau Trung Quốc và Na Uy) về giá trị thủy sản xuất khẩu. Tầm quốc gia là vậy, còn nhìn ở góc độ địa phương, Quảng Nam là tỉnh có nghề cá phát triển, với đội tàu hơn vạn chiếc (trong đó hơn 400 tàu cá có công suất lớn, từ 400 CV trở lên). Sản lượng đánh bắt thủy sản đạt hơn 100 ngàn tấn mỗi năm. Hơn cả nguồn lợi, biển là hơi thở hàng ngày của đời sống người dân.

Nếu chỉ đọc qua những con số trên hẳn ai cũng phấn khởi. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc phát triển nghề cá nói riêng và kinh tế biển nói chung của cả nước, trong đó có Quảng Nam, vẫn chưa bền vững. Như gần đây người ta nói nhiều đến tình trạng khai thác quá mức, và việc thủy sản Việt Nam bị EU cảnh báo về truy xuất nguồn gốc đánh bắt bất hợp pháp. Đi cùng với khai thác quá mức, là những yếu tố tác động, làm xấu đi môi trường sinh thái biển. Đặc biệt, hậu quả của việc phát triển đô thị và các khu công nghiệp ven biển không theo quy hoạch hoặc quy hoạch không hợp lý, làm xấu đi môi trường tự nhiên, “góp thêm” chất thải, rác thải xuống biển (trong đó nóng nhất là rác thải nhựa gây nguy hại cho môi trường biển).

Để đi tới tương lai cho nghề cá, cho kinh tế biển, yêu cầu đặt ra là phải phát triển bền vững. Khái niệm phát triển bền vững được đề cập từ năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn thế giới của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN). Khái niệm đó, cũng đã được nhắc lại trong Nghị quyết 36 (Hội nghị Trung ương 8 khóa XII) với “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Quan điểm lõi cốt của chiến lược này là “phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh”.

Tăng trưởng xanh (Blue Growth Initiative, viết tắt là BGI) là chủ trương của FAO với các quy định về phát triển nghề cá có trách nhiệm từ mức độ “ứng xử” đến mức “bắt buộc”. Theo đó, BGI là một cách tiếp cận tổng hợp đo mục tiêu hướng tới mọi phương diện của phát triển bền vững, gồm 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Áp dụng BGI trong nghề cá cũng đồng thời phải thực hiện “cuộc chiến” chống đánh bắt không phép, phải thống kê minh bạch, truy xuất nguồn gốc thủy sản được đánh bắt dựa vào công nghệ thông tin giám sát và lấy mẫu.

Phát triển bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh đòi hỏi phải có sự tương tác đúng đắn và hợp lý giữa phát triển và bảo tồn, gìn giữ đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển.

Biển chỉ mãi xanh khi kinh tế biển tăng trưởng xanh.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biển với tăng trưởng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO