(Xuân Tân Sửu) - Cuối đông, bất chấp khí trời chuyển mùa, dòng người vẫn nườm nượp thuê tàu, ca nô ra biển câu cá, lặn ngắm san hô, hay “săn” hoàng hôn ở đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang). Vẻ đẹp của khu rừng nhiệt đới và màu xanh ngọc bích của nước biển đã hút con người về đây khám phá.
Rừng nhiệt đới dưới biển
Bất cứ sự phát triển kinh tế nào cũng đều trả giá về môi trường, mấu chốt là kiểm soát ở mức độ nào. Các khu bảo tồn biển ở Việt Nam như Phú Quốc, Cù Lao Chàm, hay vịnh Nha Trang đã từng xảy ra xung đột giữa phát triển với bảo tồn. Vậy nhưng, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm có lợi thế bảo tồn hơn 2 khu kinh tế biển nêu trên, do bị ràng buộc bởi những quy định mang tính thông lệ quốc tế. Hòn đảo này, cũng tận dụng rừng san hô để mở rộng dịch vụ du lịch trải nghiệm dưới biển, nhưng không ồ ạt như Phú Quốc. Hiện có 3 cơ quan chức năng trực tiếp quản lý rừng Cù Lao Chàm gồm UBND xã Tân Hiệp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Cù Lao Chàm giàu hệ sinh thái từ rừng xuống biển, song những dịch vụ vận chuyển khách đi câu cá, lặn biển xem san hô chưa được khai thác có hiệu quả như biển đảo Phú Quốc. Vì thế mở rộng các dịch vụ du lịch và lựa chọn nhà đầu tư có trách nhiệm với khu sinh quyển thế giới như thế nào là điều mà ngành du lịch Quảng Nam cần tính đến.
Cảng biển quốc tế An Thới, thuộc huyện đảo Phú Quốc bắt đầu ngày mới tấp nập cảnh “trên bến dưới thuyền”. Dường như sau thời gian dài “cửa đóng then cài” bởi thực hiện lệnh cách ly xã hội do dịch Covid-19, con người khát khao đi đó đây, hòa mình vào thiên nhiên hơn. Anh Nguyễn Văn Anh, dân ở huyện đảo Phú Quốc, là tài công trên tàu Sông Hồng vừa hướng dẫn du khách mặc áo phao, trang bị ống thở với kính lặn, vừa kể: “Chưa năm nào khách đến đảo ngọc Phú Quốc thưa thớt như năm nay. Cũng may gần đến cuối năm, trời yên biển lặng và dịch Covid-19 đã lắng xuống, du khách tứ xứ bắt đầu đổ về đông đúc, cũng có ngày quá tải”.
Khoảng 11 giờ trưa, tàu dừng và neo đậu ở Hòn Móng Tay. Biển xanh trong vắt, trên tàu nhìn xuống nước có thể thấy bãi san hô lấp lánh sắc màu. Ngoài 60 tuổi, ông Trần Văn Công (quê ở Vũng Tàu) chăm chú nghe hướng dẫn cách sử dụng bộ đồ lặn biển. Ông Công vui vẻ nói: “Tôi nông dân suốt đời lam lũ lao động, nay ở tuổi xế chiều mới lần đầu tiên trải nghiệm lặn biển. Lâu nay tôi chỉ thấy rừng san hô qua ti vi, tranh ảnh, nhưng lần này đã tận mắt nhìn, tận tay sờ, cảm giác rất thú vị”.
“Báu vật” của Phú Quốc có lẽ là biển xanh như ngọc, với sự kiến tạo của 18 hòn đảo xinh đẹp. Từ năm 2007, Khu bảo tồn biển Phú Quốc (Kiên Giang) được thành lập, là khu bảo tồn biển thứ 3 của Việt Nam cùng với vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) và Cù Lao Chàm (Hội An). “Linh hồn” của biển đảo Phú Quốc là đa dạng sinh học các bãi san hô - bãi đẻ cho sinh vật biển. San hô mềm lung linh màu sắc, uốn mình theo dòng nước như vẫy tay mời chào.
Đảo ngọc Phú Quốc hấp dẫn du khách không phải ở các khu resort, khách sạn 5 sao hiện đại, mà là sự kiến tạo của khu rừng nhiệt đới san hô dưới biển. Thiên nhiên đã cho Phú Quốc 480ha rừng nhiệt đới san hô. Các đảo Hòn Thơm, Hòn Roi, Hòn Dăm Trong, Hòn Dầu, Hòn Dừa, Hòn Gầm Ghi, Móng Tay… hầu như đều hình thành “khu rừng cổ tích” dưới biển. Hơn 13 năm nay, biển đảo Phú Quốc đối mặt với thách thức ô nhiễm môi trường, áp lực đánh bắt hải sản và hoạt động khai thác du lịch phát triển “nóng” tại đây nhưng thảm cỏ biển và san hô thì được bảo vệ nghiêm ngặt. Tất cả là nhờ nơi đây đã thiết lập vùng đệm hơn 12.467ha nhằm hạn chế tác động trực tiếp của các hoạt động kinh tế - xã hội từ bên ngoài vào vùng bảo tồn san hô và thảm cỏ biển.
Đi… để sống chậm
Kết thúc gần một ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi về đất liền đón đợi hoàng hôn ở biển trời Tây Nam. Cách chỗ xô bồ chờ đón hoàng hôn xuống, tôi nhìn thấy 2 bố con lặng lẽ đợi khoảnh khắc thời gian đẹp nhất trong ngày ở Hòn Móng Tay. Người cha nhìn đăm đăm ra biển, còn đứa con gái chạy tung tăng trên bãi cát vàng. Giữa bao la biển trời, con người quá nhỏ bé và hình ảnh cha con đợi chờ hoàng hôn thật đẹp!
Chiều, chúng tôi đi bộ dọc bờ biển. Những người trẻ hân hoan tạo dáng chụp hình, nhiều nhất là các cặp tình nhân. Lạ là, ở xứ này, ai cũng có thể làm một thợ ảnh tự nguyện, nếu bạn nhờ giúp. Khoa, một thanh niên từ Sài Gòn nói: “Em từng chụp ảnh thuê cho các đám cưới, lễ hội, nhưng hiện đã bỏ nghề chuyển sang lĩnh vực kinh doanh môi giới bất động sản. Bố con em đến đây tham quan để sống chậm hơn, bù lại những tháng ngày tất bật làm ăn”. Không hài lòng với kiểu ảnh vừa chụp, Khoa đề nghị chúng tôi đổi đủ tư thế, đứng chỗ này, ngồi chỗ kia, đúng như lời giới thiệu từng là một thợ ảnh chuyên nghiệp.
Hoàng hôn xuống. Chân trời tỏa sáng đủ màu xanh, vàng, tím, hồng, cam. Dưới mép nước biển được trang trí bằng hình tượng những chú voi trông ngạo nghễ làm “view” cho du khách tha hồ “tự sướng”. Có phải người thích trải nghiệm đến các Bãi Sao, Bãi Dài, Bãi Trường, Bãi Gành Dầu, Bãi Khem, Bãi Vũng Bầu vốn mệnh danh “bãi biển đẹp nhất hành tinh”, để khi trở về “khoe” những kho ảnh mà mình đã check-in cùng biển? Tôi không bao giờ nghĩ vậy. Những ngày lang thang ở đây, cho tôi nhận ra rằng, vẻ đẹp của thiên nhiên cho dù bất cứ ở đâu cũng chỉ là khoảnh khắc mà thôi. Dòng xoáy của cuộc mưu sinh đã lấy đi của con người ngày nay nhiều thứ nên họ chọn cách đi chơi, hay khám phá ở chân trời góc biển nào, cuối cùng rồi cũng chỉ mong dành cho mình một đoạn sống chậm rãi giữa thế giới bận rộn này.