Biết chi về chữ "chi"

HỨA XUYÊN HUỲNH 15/10/2019 16:00

Từ chữ “chi” trích trong sách Luận ngữ đến chữ “chi” trong giai thoại được cho là có dính dáng đến nhà bác học Lê Quý Đôn thời trẻ, đã thấy rối rắm. Nhưng với cách trích dẫn, cách dịch, cách hiểu… về câu trích liên quan, nhiều người nhận ra càng không dễ biết chi về chữ “chi”.

Trang sách Luận ngữ có dẫn câu trích liên quan đến “tri chi vi tri chi...”. Ảnh: H.X.H
Trang sách Luận ngữ có dẫn câu trích liên quan đến “tri chi vi tri chi...”. Ảnh: H.X.H

Sót chữ và thừa nghĩa?

Hôm kia, vui chuyện, tôi có trích một câu quen thuộc trong thiên Vi chính, sách Luận ngữ, đăng lên mạng xã hội để tự trào về chuyện “biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết”. Câu đầy đủ trong sách Luận ngữ: “Tử viết: Do! Hối nhữ tri chi hồ? Tri chi vi tri chi; bất tri vi bất tri, thị tri dã”.

Nhưng chắc cũng trong tâm trạng đùa vui, một người bạn đã bình luận bên dưới dòng trạng thái (status), dẫn lại câu ấy nhưng… cố tình bỏ rớt chữ “chi” đầu tiên: “Tri vi tri chi; bất tri vi bất tri, thị tri dã”. Tất nhiên, tình huống “cố tình bỏ rớt một chữ” là do tôi tự đoán mò. Vì ai cũng biết, câu ấy không thể thiếu chữ “chi”.

Nhưng từ mối nghi vấn này, tôi tìm thêm vài cuốn sách liên quan, mới thấy nghĩa toàn câu của Khổng Tử vừa dẫn rất… đa nghĩa.

Bắt đầu từ cuốn Tứ thư của NXB Văn hóa - thông tin, tổng hợp in cả 4 cuốn Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử. Sách này dịch câu vừa trích dẫn thế này: “Khổng Tử nói: Tử Lộ à, những điều ta dạy con, con có hiểu không? Hiểu thì nói là hiểu, không hiểu thì nói là không hiểu, đó mới là hiểu thực sự”. Tử Lộ là Do, tức là Trọng Do, học trò của Khổng Tử.

Trong cuốn Luận ngữ do học giả Nguyễn Hiến Lê chú dịch và giới thiệu, câu ấy lại có nghĩa: “Khổng Tử nói: “Anh Do, ta dạy cho anh thế nào là “biết” này. Biết điều gì thì nhận là biết, không biết thì nhận không biết, như vậy là biết”.

Đến cuốn Tứ thư bình giải (NXB Tôn giáo) của tác giả Lý Minh Tuấn, xem ra đã thêm một hướng tiếp cận khác. Đây là lời dịch: “Đức Khổng Tử nói: “Này Do! Có muốn [ta] dạy cho ngươi thế nào là biết chăng? Biết thì nhận là biết; không biết thì nhận là không biết, như vậy mới thật là biết vậy”.

Chưa hết, sang cuốn Kim Dung giữa đời tôi của nhạc sĩ - nhà nghiên cứu Vũ Đức Sao Biển, càng thấy khác.

Đang viết về Luận ngữ lại dẫn công trình khảo luận về kiếm hiệp, hẳn có lý do. Quý độc giả chắc còn nhớ, trong chuyên luận vừa nhắc, nhà nghiên cứu Vũ Đức Sao Biển có một tiểu mục rất hay: Những suy niệm siêu hình học. Ông dẫn câu hát mà Tiểu Chiêu thường hát cho Trương Vô Kỵ nghe trong bộ Ỷ thiên đồ long ký: “Lai như lưu thủy hề, thệ như phong/ Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung” (Chợt đến như dòng nước chảy, và tàn như gió qua mau/ Chẳng biết từ đâu mà tới, và chẳng biết về nơi đâu). Để rồi sau đó tác giả Vũ Đức Sao Biển phóng bút, mở ra trường suy niệm về Lão - Trang, về Phật giáo, về Bản ngã (Moi), Đại ngã (Grand Moi), Siêu ngã (Sur - Moi), về hư vô đối diện…

Khi bình đến câu “bất tri hà xứ lai hề”, Vũ Đức Sao Biển viết: “Ta chỉ biết rằng ta không biết và tại sao ta không biết thì đó là điều ta không biết vậy. Giữa cái biết và cái không biết có một biên giới tuyệt đối về mặt ý thức, không biết là chiều sâu trong vô thức. Phương Đông nói một cách triết lý: Tri chi vi tri chi/ Bất tri vi bất tri/ Thị tri giả”. Rồi tác giả mở ngoặc đơn dẫn thêm lời dịch: “Biết cái gì thì làm cái đó/ Không biết thì làm cái không biết/ Ấy là biết vậy!” (Kim Dung giữa đời tôi, NXB Trẻ, tái bản lần 1 – 2015, trang 311).

Với chữ “tri” (知) trong câu nói của Khổng Tử (liên quan đến trợ từ “chi” 之), mà hết dịch là “hiểu” sang “biết”, từ hàm nghĩa “nhận là hiểu/biết” sang “biết để làm” (cái gì đó), thấy khác biệt. Nhưng ngẫm kỹ, cách diễn đạt nào cũng có lý do tồn tại.

“Ảo tưởng biết”

Nhắc lại cuốn Tứ thư bình giải”, tác giả Lý Minh Tuấn chung thủy với góc nhìn về hiểu/biết của chữ “tri” (知) và kết nối đến chữ khiêm hạ. Ông bình thêm rằng, Khổng Tử muốn dạy cho học trò Tử Lộ tính khiêm hạ. Khiêm hạ ở đây là nhận ra sự bất toàn, sự hiểu biết có giới hạn của mình. “Nhận ra mình không biết điều gì đó, tức là mình có lòng thành thật. Có lòng thành thật, người khác dễ bổ khuyết cho mình, khiến cho mình được biết thêm cái mình chưa biết. Ngoài ra, nhận là mình không biết một điều gì, mình sẽ tránh được cái ảo tưởng biết; tránh được cái ảo tưởng biết thì mình sẽ không tự cao tự đại” (Lý Minh Tuấn, sđd).

Đem “lòng thành thật” đặt cạnh “ảo tưởng biết”, quả thật rất thấm thía!

Chữ nghĩa còn thấm thía hơn nữa, nếu chúng ta bóc trần từng lớp vỏ ngôn ngữ của chúng. Thử đùa cợt với chữ “chi”. Trong Hán tự, ít nhất có 13 tự dạng khác nhau theo ghi nhận trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu. Với Từ điển Hán Việt của Nguyễn Tôn Nhan, thậm chí có 19 chữ “chi”! Riêng chữ “chi” 3 nét (之) đề cập nãy giờ trong câu trích từ sách Luận ngữ, có nhà tự điển ghi nhận đến 9 nghĩa.

Chữ “chi” (之) phức tạp như thế, nên khi viết trên mạng xã hội, tôi đâu dám tự tiện thêm vào khi trích dẫn Luận ngữ. Mà thực tế chữ ấy rối rắm thật. Giai thoại văn chương vẫn còn nhắc, ngay nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) thời trẻ cũng từng bối rối trước chữ “chi”.

Chuyện kể, khi mới đỗ khôi nguyên, Lê Quý Đôn có chút kiêu ngạo cho treo trước ngõ tấm biển “Thiên hạ nghi nhất tự lai vấn” (Ai không hiểu chữ gì thì hãy đến mà hỏi). Cho đến khi thân phụ ông qua đời, trong số những người đến viếng có một cụ ông nhận là bạn thân của cha, lâu nay ít qua lại do nhà nghèo, đường xa. Cụ nại lý do run tay, nhờ Lê Quý Đôn viết hộ câu đối viếng.

Thế rồi cụ đọc: “chi”. Lê Quý Đôn không biết nên viết chữ “chi” nào, đành cầm bút chờ. Cụ già đọc tiếp: “chi”. Lê Quý Đôn lúc này lên tiếng hỏi: Bẩm, “chi” nào ạ? Lúc này cụ già mới quở trách: Đến chữ “chi” cũng không biết viết, thế mà treo bảng “Thiên hạ nghi nhất tự lai vấn” ngoài ngõ…

Khi đã “chỉnh” xong, cụ già mới tung ra hai vế đối hoàn chỉnh: “Chi chi tam thập niên dư, xích huyện hồng châu kiên thượng tại/ Tại tại sổ thiên lý ngoại, đào hoa lưu thủy tử hà chi” (Cách hơn ba chục năm, xích huyện hồng châu nay vẫn đó/ Xa ngoài mấy ngàn dặm, đào hoa lưu thủy bác về đâu).

Tất nhiên, cũng theo giai thoại, khi ông cụ tung ra mấy chữ “chi” rồi chống gậy bỏ đi, không ai biết cụ tên chi…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biết chi về chữ "chi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO