Biết đâu mà lần…

BÍCH HẠNH 20/08/2014 09:51

Qua nhiều bệnh viện tuyến trung ương đến địa phương, rồi về nhà điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhưng xét nghiệm công thức máu, bạch cầu con tôi vẫn ở ngưỡng 12 nghìn/mm3 (chỉ số bình thường của trẻ nhỏ là 5.000 - 10.000/mm3). Cách đây hơn một tháng, khi đi làm xong các xét nghiệm, chụp phim, lẫn tiêm chủng phòng ngừa, đương nhiên gia đình phải lo đóng đủ tiền cho nhà cung cấp thiết bị cấy ốc tai điện tử ngoại nhập, các bác sĩ ở Bệnh viện Tai - mũi - họng TP.Hồ Chí Minh đã ấn định ngày giờ phẫu thuật. Thế nhưng, vì lượng bạch cầu trong máu cao nên bệnh viện lại hẹn lịch mổ. Sau khi uống thuốc kháng sinh nhiều lần, bạch cầu con tôi vẫn chưa hạ xuống mức bình thường, bác sĩ cho xuất viện về nhà điều trị vì sợ môi trường truyền nhiễm ở bệnh viện, gây hiện tượng bạch cầu tăng cao bất thường. Ra về với mớ thuốc kháng sinh, gia đình cứ nghĩ bệnh của con chỉ do thay đổi thời tiết, môi trường, không ngờ sau khi điều trị, kết quả bạch cầu vẫn như cũ. Rồi bệnh viện chẩn đoán, bạch cầu cao là do trẻ bị nhiễm khuẩn, hoặc có dấu hiệu mắc một nhiễm trùng nào đó trong cơ thể; muốn tìm ra nguyên nhân bệnh lý thì làm thêm xét nghiệm huyết - tủy đồ. Chưa mấy an tâm về hệ thống y tế địa phương, tôi đưa con ra Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng khám chữa bệnh. Nhiều ngày làm hết xét nghiệm này đến xét nghiệm khác, các bác sĩ chuyên ngành huyết học tại đây kết luận, mọi chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép, cho thấy cơ thể cháu chẳng mắc phải vi khuẩn, vi rút, hoặc mang nhiễm trùng nào.

Đưa con đi khám bệnh. ảnh: N.T.C
Đưa con đi khám bệnh. ảnh: N.T.C

Đau lòng khi nhìn con bị lấy đi quá nhiều máu mỗi lần xét nghiệm, điều trị kháng sinh liều mạnh, điều còn làm cho tôi hoang mang là những quan điểm trái chiều của các bác sĩ tại các cơ sơ y tế vào loại hàng đầu của cả nước. Theo các bác sĩ Khoa Huyết học (Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng), định lượng 5.000 - 10.000/mm3 là chỉ số chủ quan thông thường của trẻ nhỏ, nhưng thực tế có nhiều trẻ em có lượng bạch cầu cao hơn. Lượng bạch cầu của con tôi chỉ nhích hơn mức bình thường, xét nghiệm huyết - tủy đồ sử dụng máy đếm laser đã minh chứng cơ thể chưa bị một nhiễm trùng nào; do vậy không hà cớ gì không phẫu thuật được. Trong khi đó, Bệnh viện Tai - mũi - họng và Nhi đồng 1 TP.Hồ Chí Minh đều khẳng định, bác sĩ chỉ được phép phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho trẻ bị mất thính lực khi xét nghiệm công thức máu có bạch cầu dưới 10 nghìn/mm3; còn không gia đình phải cam kết chịu trách nhiệm nếu xảy ra hậu quả xấu. Cách điều trị mà bác sĩ ở đây đưa ra là tiếp tục dùng thuốc kháng sinh, cho trẻ uống nhiều nước cam, sau một thời gian bạch cầu sẽ hạ. Tuy nhiên, theo giới y khoa, sử dụng thuốc kháng sinh chỉ là để điều trị thăm dò. Nếu chưa phát hiện ra bệnh nhiễm trùng nào, thì giải pháp thăm dò này cũng chỉ là… mò kim đáy biển. Trong khi những nhà thính học khuyến cáo, cấy ốc tai cho trẻ càng sớm càng tốt, dưới 3 tuổi khả năng nghe - nói đạt được gần như mọi đứa trẻ bình thường.

Vẫn biết rằng, hiểu biết của con người về khoa học (y học) luôn giới hạn, mỗi cơ sơ y tế có chuyên môn đặc thù. Vẫn biết, cuộc tìm kiếm “kẻ thù” trong cơ thể không thể một sớm một chiều. Trải qua nhiều cuộc “sàng lọc” y tế khắc nghiệt (trong đó có cả lý do tài chính của gia đình), bác sĩ mới quyết định phẫu thuật; đánh đổi hết những năm tháng miệt mài lao động, vợ chồng mới “đánh liều” cấy ốc tai cho con, nhưng hành trình đi tìm âm thanh cho con sao quá đỗi gian truân.

BÍCH HẠNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biết đâu mà lần…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO