"Biểu tượng" ở Vạn Buồng

VĂN HÀO 15/09/2015 08:34

Ông kể, lúc cây cầu sắp được khánh thành, người dân nằng nặc bảo gắn biển là “cầu ông Tráng” để ghi nhớ công sức ông ngược xuôi đi kêu gọi, vận động. Nhưng bị ông gạt ngang với đại ý rằng, đó là chiếc cầu của lòng dân “xóm đảo” Vạn Buồng.

Cầu Vạn Buồng ghi dấu công lao rất lớn của ông Nguyễn Tráng.
Cầu Vạn Buồng ghi dấu công lao rất lớn của ông Nguyễn Tráng.

Tên ông cũng được người dân gắn với một cánh đồng nơi này - cánh đồng “ông Tráng” vì những nỗ lực trong việc cải tạo đất nà thổ ven sông thành cánh đồng ruộng sản xuất. Dân làng Vạn Buồng (thôn Phú Bông xã Duy Trinh, Duy Xuyên) truyền tai rằng, chuyện “vác tù và hàng tổng” của ông Nguyễn Tráng không bao giờ ngơi nghỉ, dù năm nay đã 85 tuổi.

Vận động xây cầu

Cây cầu Vạn Buồng được làm bằng bê tông kiên cố (dài 84m, rộng 2,3m) bắc ngang nhánh sông Thu Bồn, đưa vào sử dụng hồi tháng 8.2012 đã chấm dứt “kỷ nguyên” lụy đò của dân xóm Vạn Buồng mỗi mùa nước lũ hay những lúc hư cầu tre. Cầu làm xong chưa đầy 6 tháng, nhưng chuyện đi vận động, kêu gọi nguồn kinh phí thì lại đằng đẵng trong ký ức của một con người đeo mang, như chính trong câu thơ ông Tráng cảm tác trong ngày khánh thành cây cầu: “37 năm, 31 lượt làm cầu/Gian nan cũng lắm, đói nghèo cũng vì đây…”.

Đó là số lần làm, sửa chữa cầu tre, cầu phao phục vụ đi lại của hơn 80 hộ dân xóm Vạn Buồng, kể từ sau ngày giải phóng. Và chỉ được “giải thoát” khi ông Tráng mạnh dạn viết thư kêu gọi, bắt xe lặn lội vô TP.Hồ Chí Minh, ra Hà Nội để kiếm nguồn hỗ trợ xây cầu bê tông. Nhìn lại quãng thời gian ấy, lúc đó ông cũng đã ngoài 80, không ai nghĩ trong ông lại có độ bền bỉ, nhiệt tâm đến vậy. “Tôi còn sức là còn đi để vì con, vì cháu. Nếu không mạnh dạn thì không biết bao giờ dân mới có cầu” - ông quả quyết. Nhìn ông, đôi mắt chừ có vẻ kèm nhèm nhưng nhắc chuyện mỗi lần làm cầu là lại sáng rực ánh nhìn. Nhớ hồi năm 2000, sau nhiều đêm trằn trọc, ông cũng đã kêu gọi, huy động được nguồn lực để làm cây cầu phao. Nhưng chỉ chừng được 6 năm, lũ lớn cuốn phăng cây cầu. Lại quay về làm cầu tre tạm bợ. Niềm trăn trở âm ỉ, năm 2009, ông lại xắn tay tiếp tục đi vận động. Tự nhủ, lần này quyết làm được cây cầu kiên cố.

Để có nguồn xây cầu Vạn Buồng, ông Nguyễn Tráng phải mất vài năm đi vận động, dù tuổi đã cao.
Để có nguồn xây cầu Vạn Buồng, ông Nguyễn Tráng phải mất vài năm đi vận động, dù tuổi đã cao.

Ông kể, họp hội ý kiến riết rồi xách xe lên xã, huyện xin nhưng địa phương kêu không đủ kinh phí, lại ít dân. Một lần “nhắm mắt làm liều”, ông gặp trực tiếp Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên bấy giờ để bày tỏ. Dự toán ban đầu 400 - 500 triệu đồng, ông bí thư hỏi ông cần hỗ trợ bao nhiêu? Ông đưa bàn tay lên, nói 50%. Sau cuộc họp thường vụ hôm ấy, huyện Duy Xuyên thống nhất hỗ trợ 200 triệu đồng, cử người đi khảo sát, giúp vẽ thiết kế. Ông lập tức vô TP.Hồ Chí Minh gặp các hội đồng hương, thành lập ban vận động. Anh em chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng cầu đường đi máy bay từ Sài Gòn ra kiểm tra thực tế và nhận định kinh phí xây cầu phải gấp 2 - 3 lần dự toán ban đầu. Dân nghèo, ráng lắm đóng góp cũng chỉ được một phần. Ông lại xuôi ngược đi gõ cửa. Ngày khánh thành cây cầu, huyện Duy Xuyên hỗ trợ thêm 100 triệu đồng, xã Duy Trinh cũng tặng 50 triệu đồng. Tổng kinh phí làm cầu 1,3 tỷ đồng.

Cho đời sau…

 “Không chỉ góp công, góp sức trong việc xây dựng nông thôn mới, cụ Tráng luôn là tấm gương về lối sống, nhân cách để răng dạy con cháu. Nói đến Vạn Buồng hôm nay, ai cũng nhắc ngay đến tên cụ”.
(Trưởng thôn Phú Bông - ông Trần Tấn Công)

Ông Tráng có hàng chục năm công tác tại UBND xã Duy Trinh, và về hưu năm 1990. Sau đó, tiếp tục tham gia các hội, tổ chức tại thôn, xóm đến mãi bây giờ. Vì vậy mà trong các hoạt động ông luôn thể hiện tính khoa học, rạch ròi và được dân tín nhiệm. Như việc làm cầu, ông tập trung các tổ chức hội ở địa phương để thành lập “tổ công tác” với nhiệm vụ cụ thể, từ khâu kế toán cho đến giám sát, tất cả đều rõ ràng. Trong cách nói của bà Hồ Thị Tái (64 tuổi, xóm Vạn Buồng, thôn Phú Bông, Duy Trinh), ông Tráng như một biểu tượng của sự mẫu mực, hết lòng vì dân. “Chừ ổng sức khỏe có phần yếu dần nên ít đi lại, chứ hồi trước từ làm đường bê tông, nhà văn hóa, xây cầu, khai phá ruộng đồng…, ông Tráng luôn là đầu tàu ở xóm này” - bà Tái bộc bạch.

Ông mới đi chữa bệnh ngoài Đà Nẵng về, nghe bảo nhiều bệnh, trong đó có cả bị về gan. Việc trong, việc ngoài, trước nay ông quán xuyến hết, chưa kể phải chăm sóc anh con trai út (41 tuổi) bị tai nạn ngồi xe lăn suốt 15 năm nay. Hai cha con nương tựa nhau vậy đó, gian truân thì cứ bủa vây, thảnh thơi có khi nào. Gần nữa năm nay, người cháu họ - anh Thái Nương (40 tuổi) ở xóm ngoài phải sang giúp ông lo cơm nước, phụ việc giặt giũ. “Người ta nói chú Tráng toàn lo việc này, việc nọ, ít khi mô nghĩ cho mình. Mà cũng đúng thật, ngược xuôi cả đời, đùng một cái đau xuống đi xét nghiệm phát hiện trong người đủ bệnh” - anh Nương tâm sự về người chú mình.

Có cầu kiên cố, đời sống xóm Vạn Buồng khác hẳn. Chuyện chết đuối khi qua sông, thương lái ép giá nông sản, mua sắm vật tư đắt đỏ vì công vận chuyển… giờ đã trở thành quá vãng. Những bãi bồi ven sông vẫn miệt mài vun đắp cho những bãi bắp, nương khoai thêm xanh. Còn ông Tráng, vẫn giữ cho mình thói quen đem những giấy khen ra lau chùi, ngồi trước hiên nhà nhìn lũ trẻ làng ríu rít cưỡi xe đạp mỗi giờ tan tầm…

VĂN HÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Biểu tượng" ở Vạn Buồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO