Bình Chánh: Bao giờ mới có đường ngang dân sinh?

PHAN VINH 26/04/2018 15:20

(QNO) - Nhiều năm nay, điểm giao nhau giữa đường sắt và tuyến ĐH10 Cẩm Phô - Bình Phú (Thăng Bình) ở thôn Tú Trà, xã Bình Chánh không có đường ngang. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu dân sinh, vận chuyển hàng hóa của người dân nơi đây.

Đường ngang chưa có, nơi đây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt rất cao. Ảnh: PHAN VINH
Đường ngang chưa có, nơi đây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt rất cao. Ảnh: PHAN VINH

Lực cản phát triển

Điểm giao nhau giữa tuyến ĐH10 Cẩm Phô - Bình Phú (Thăng Bình) với đường sắt bắc - nam tại Km845+875 lâu nay chưa có rào chắn nên không thể thành lập đường ngang. Để đảm bảo an toàn trong lộ trình của tàu lửa, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã dựng các cột chắn hạn chế lưu lượng xe khi đi qua đoạn đường này và không có người canh gác. Theo đó, cột chắn chỉ cho phép xe máy lưu thông qua đường sắt, còn những loại xe ô tô, xe tải, xe ba-gác đều không được phép.

Ông Nguyễn Viết Sơn (58 tuổi, ở thôn Tú Trà, xã Bình Chánh) có 10 sào đất canh tác lúa, nhưng đã có đến 8 sào nằm ở vị trí bên kia đường sắt. Dù đứng ở nhà vẫn có thể nhìn thấy ruộng của mình nhưng đến mùa gặt, ông phải đưa máy gặt đập liên hợp đi đường vòng xuống quốc lộ 1, vô đến xã Bình Trung đi lên rồi mới men theo đường kênh nước Phú Ninh xuống lại ruộng, đoạn đường mất hơn 15km. “Chỉ tính riêng tiền dầu đã thấy tốn kém rồi, có ai đời đi làm ruộng của mình mà mất đến 30km. Nhiều lúc tôi cũng tính tới chuyện thuê máy ở phía bên kia đường sắt cho họ làm giúp mình nhưng thuê máy họ rồi máy mình để không cũng chẳng được. Làm nông mà như tôi thì khổ trăm bề” - ông Sơn nói.

Chiếc ô tô biến dạng sau cú va chạm với tàu lửa tại điểm giao nhau giữa đường sắt và đường ĐH10 khiến 2 người chết tại chỗ hồi đầu năm 2016. Ảnh: Tư liệu
Chiếc ô tô biến dạng sau cú va chạm với tàu lửa tại điểm giao nhau giữa đường sắt và đường ĐH10 khiến 2 người chết tại chỗ hồi đầu năm 2016. Ảnh: Tư liệu

Không cho phép xe tải lưu thông, điều này ảnh hưởng rất lớn đến vận chuyển, giao thương của người dân. Hàng hóa chuyển lên đến đường sắt phải nhờ xe kéo chuyển đi tiếp. Chính vì những bất tiện như vậy nên vài năm trước, người dân nơi đây đã tự ý tháo dỡ những cột chắn do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam dựng lên. Hậu quả, đã có đến 4 vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô tải với tàu lửa làm 6 người chết tại chỗ và nhiều người khác bị thương. Sau vụ tai nạn nghiêm trọng vào năm 2016, tàu lửa đâm vào chiếc ô tô đang chết máy trên đường sắt làm 2 người trên xe tử vong, chính quyền xã Bình Chánh đã khẩn trương dựng lại các cột chắn và nghiêm cấm người dân tháo dỡ gây mất an toàn giao thông.

Ông Hồ Chí Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết: “Những bất cập ở điểm giao nhau giữa đường sắt và tuyến ĐH10 trên địa bàn xã đã ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời là lực cản trong phát triển kinh tế của địa phương. Bởi vì tuyến ĐH10 là đường huyết mạch nối quốc lộ 1A lên trung tâm xã nhưng bị cắt ở đoạn này, thời gian qua, việc thu hút đầu tư của địa phường vì vậy mà gặp muôn vàn khó khăn”.

Chưa có kinh phí

Theo thông tin từ UBND xã Bình Chánh, vấn đề bất cập ở điểm giao nhau giữa đường ĐH10 và tuyến đường sắt bắc - nam tại Km845+875 đã được địa phương biết đến nhiều năm nay. Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, HĐND xã và HĐND huyện Thăng Bình đã tiếp nhận nhiều phản ánh, bức xúc của người dân về vấn đề này. UBND xã Bình Chánh cũng đã nhiều lần báo cáo bằng văn bản lên UBND huyện và Sở GTVT về nhu cầu bức thiết mở đường ngang của người dân nơi đây.

Người dân mong mỏi thành lập đường ngang nơi đây để giải quyết nhu cầu dân sinh và giao thương. Ảnh: PHAN VINH
Người dân mong mỏi mở đường ngang qua đây để giải quyết nhu cầu dân sinh và giao thương. Ảnh: PHAN VINH

Theo ông Phạm Phú Hòe, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình, những năm qua, UBND huyện cũng rất quan tâm đến những bức xúc của người dân về vấn đề mong muốn có đường ngang đoạn Cẩm Phô - Bình Phú. Sau nhiều lần kiến nghị lên các cấp, ngày 6.1.2014, Bộ GTVT đã ban hành văn bản số 167/BGTVT-KCHT về việc thành lập đường ngang tại Km845+875 tuyến đường sắt bắc - nam. Theo đó, Bộ GTVT đã chấp thuận đề nghị của UBND huyện Thăng Bình, cho phép thành lập đường ngang cấp III, phòng vệ bằng cảnh báo tự động tại đây, theo thiết kế rào chắn cảm biến tự động, có cảnh báo còi hú, không có gác chắn. Dự án với kinh phí dự thảo là 4,2 tỷ đồng, do UBND huyện Thăng Bình làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình này.

“Với điều kiện tài chính hạn chế, UBND huyện Thăng Bình đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng dự án, tức 2,1 tỷ đồng. Sau đó, UBND tỉnh đã thống nhất về mặt chủ trương nhưng đến nay, tỉnh vẫn chưa cân đối được nguồn vốn. Đây là lý do dự án bị chậm trễ trong những năm qua. Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh sớm phân bổ kinh phí để việc xây dựng đường ngang nhanh chóng được thực hiện, giải quyết bức xúc của người dân và hạn chế nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông tại đây” - ông Hòe nói.

PHAN VINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bình Chánh: Bao giờ mới có đường ngang dân sinh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO