Hôm nay 25.1, cán bộ và nhân dân xã Bình Chánh (Thăng Bình) tổ chức lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây là thành quả của cán bộ và nhân dân Bình Chánh sau 5 năm nỗ lực, vượt khó, phấn đấu vươn mình.Đi lên từ khó khănBình Chánh là một trong 6 xã điểm xây dựng NTM của huyện Thăng Bình giai đoạn 2011 – 2015. Không thuận lợi như một số địa phương khác, Bình Chánh bước vào xây dựng NTM chỉ vỏn vẹn đạt 2 tiêu chí (năm 2010), đó là tiêu chí về hệ thống chính trị và an ninh trật tự. Ông Huỳnh Văn Hoàng – Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết, do xuất phát điểm quá thấp, chỉ đạt 2/19 tiêu chí, trong khi cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nên khi được chọn là xã điểm của huyện, địa phương xác định đây là nhiệm vụ khá nặng nề với cán bộ và nhân dân. Tuy nhiên, đến nay sau 5 năm cố gắng, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, cán bộ và nhân dân xã Bình Chánh đã phát huy sức mạnh nội lực để hoàn thành đạt 100% chỉ tiêu giao. Diện mạo NTM của xã Bình Chánh có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang, tỷ lệ bê tông hóa giao thông đạt hơn 87%, bê tông kênh mương nội đồng đạt hơn 72%, nhà văn hóa – khu thể thao xã được xây dựng theo quy định, trạm y tế được nâng cấp và đầu tư đạt chuẩn, trường học được xây dựng các hạng mục đáp ứng yêu cầu dạy và học.Bình Chánh đã bê tông hóa kênh mương và giao thông nội đồng. Ảnh: VINH ANHBên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền địa phương tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của nhân dân, nhiều mô hình được hình thành như gia trại chăn nuôi heo, gà, bò, mô hình làm nấm rơm, bún khô… Bình Chánh cũng đã quy hoạch cánh đồng mẫu với diện tích hơn 54ha nhằm xây dựng vùng sản xuất chuyên canh lúa giống, lúa chất lượng cao, năng suất 60 - 65tạ/ha. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 23,2 triệu đồng/năm, trong khi năm 2010 mới chỉ đạt hơn 10 triệu đồng/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 12,14% so với năm 2010, hiện còn ở mức 4,02%. Văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường… có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đến nay, 6/6 thôn của xã đạt danh hiệu thôn văn hóa, gần 88% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 72% và hơn 80% hộ dân trong xã tham gia đề án thu gom rác thải…Sức dân Bình ChánhThôn An Bình (Bình Chánh) được chia tách ra từ thôn Tú Trà. Cách đây 5 năm, khi bắt tay xây dựng NTM, người dân trong thôn còn phải sinh hoạt trong nhà văn hóa lụp xụp, cũ kỹ. Do đó, người dân trong thôn vẫn luôn mong muốn có được nhà văn hóa mới, song do kinh phí eo hẹp nên địa phương không có điều kiện đầu tư xây dựng, trong khi nguồn lực người dân cũng rất khó khăn. Tuy nhiên đến nay thì mong ước của bà con An Bình đã thành hiện thực, khi nhà văn hóa thôn được đầu tư và đưa vào sử dụng. Có được kết quả đó là nhờ vào sức dân An Bình. Nhà văn hóa được xây dựng với tổng kinh phí 470 triệu đồng, trong đó hơn một nửa là do nhân dân đóng góp bằng tiền mặt và ngày công quy ra tiền, còn ngân sách tỉnh, huyện, xã chỉ đầu tư 200 triệu đồng… Gần ở tuổi lục tuần nhưng ông Phan Công Châu (thôn An Bình) luôn là người tiên phong trong mọi hoạt động của địa phương. Chính gia đình ông Châu là hộ đóng góp kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn lớn nhất với 5,5 triệu đồng tiền mặt. Ông cũng tự nguyện thuê xe để san ủi mặt bằng sân văn hóa cho thôn mà không lấy tiền, rồi cùng với vợ, con cái bỏ nhiều ngày công để cùng làm. Bên cạnh đó, bản thân ông cũng tích cực vận động bà con nhân dân trong thôn cùng tham gia đóng góp xây dựng nhà văn hóa.Báo cáo xây dựng NTM của xã Bình Chánh cho biết, tổng nguồn vốn huy động đầu tư chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015 là gần 44 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của các tổ chức, cá nhân và đóng góp nhân dân là hơn 10,4 tỷ đồng (chiếm 23,8%). Theo ông Phạm Hồng Việt - Bí thư Đảng ủy xã Bình Chánh, với phương châm xây dựng NTM “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Đảng bộ và chính quyền địa phương vừa tranh thủ nguồn vốn phân bổ cấp trên để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Người dân đã tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc, góp công, góp tiền làm bê tông giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, thực hiện chỉnh trang vườn nhà, cải tạo vườn tạp, xây dựng tường rào cổng ngõ, di dời chuồng trại chăn nuôi ra phía sau nhà, vệ sinh cảnh quan đường làng ngõ xóm sáng, xanh, sạch đẹp…Những kết quả đạt được sau 5 năm xây dựng NTM là đáng khích lệ, tuy nhiên so với nhu cầu vẫn còn những hạn chế nhất định, do đó cấp ủy, chính quyền xã xác định trong thời gian đến sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa chất lượng các tiêu chí, đồng thời tiếp tục nhân rộng những mô hình hiệu quả, những cách làm sáng tạo; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân tham gia xây dựng NTM.VINH ANH