Việc bình chọn và kết nối cung - cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu được xem là động lực cho các làng nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ mở rộng quy mô sản xuất, tạo đà phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Tìm “đầu ra” cho sản phẩm
Quảng Nam có 89 làng nghề và hàng trăm cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ (TCMN), trong đó có 25 làng nghề được công nhận danh hiệu làng nghề và làng nghề truyền thống. Mỗi sản phẩm làng nghề đều mang một nét đặc thù, được tạo bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Thế nhưng, trong những năm gần đây, làng nghề Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ bị mai một sự sáng tạo đặc trưng trong sản phẩm. Các mặt hàng TCMN ở Quảng Nam thiếu tính sáng tạo về mẫu mã. Từ trước đến nay, phần lớn các sản phẩm TCMN ở làng nghề được làm theo kiểu cha truyền con nối, lớp cũ truyền lại cho lớp mới nên sản xuất chỉ thiên về kỹ thuật, sự khéo léo chứ không mấy ai tính đến chuyện sáng tạo, tìm tòi các sản phẩm mới lạ. Phần lớn các sản phẩm TCMN xuất khẩu chỉ dừng ở gia công theo mẫu có sẵn của đối tác, hoặc làm “nhái” mẫu nước ngoài. Còn các sản phẩm quà tặng, lưu niệm gắn với du lịch thì còn nghèo nàn về mẫu mã, thiếu nét đặc trưng, quá nhiều sản phẩm tương tự nhau...
Các thành viên ban giám khảo tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2016. Ảnh: T.L |
Theo ông Nguyễn Quang Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Mây tre lá Quảng Nam, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, khi hàng hóa tiêu dùng công nghiệp hiện đại tràn ngập thị trường, sản phẩm TCMN đang đứng trước những thách thức hết sức gay gắt. Muốn tồn tại thì các làng nghề, cơ sở sản xuất TCMN xứ Quảng không còn cách nào khác là cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm tòi, sáng tạo đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng và mở rộng thương hiệu để mở rộng thị trường, tìm “đầu ra” cho sản phẩm. Gần đây, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TCMN trên địa bàn của tỉnh đã thành lập các phòng trưng bày, hình thành các đội thợ chuyên thiết kế mẫu mã mới. Tiêu biểu như tại Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc, HTX Tơ lụa Mã Châu, Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ... đã xây dựng được đội ngũ nghệ nhân có tay nghề cao chuyên nghiên cứu, sáng tạo mẫu mã “độc”, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ đó, số lượng đơn đặt hàng từ khách du lịch trong và ngoài nước tăng nhanh ở mỗi năm.
Tạo động lực sáng tạo
Mới đây, Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh đã công bố kết quả công nhận 20 sản phẩm TCMN tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ở nhóm TCMN đã chọn sản phẩm bộ trầm giao “Cay - đắng - ngọt - bùi” của Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc và sản phẩm “Bình hoa xứ Quảng” của Công ty TNHH Mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp (Điện Bàn) đoạt giải A. Nhóm chế biến nông, lâm và đồ uống chọn sản phẩm “Trà nấm lim xanh” của Cơ sở sản xuất Nguyễn Xuân Lực (Tiên Phước) và sản phẩm “Nhang trầm hương” của Công ty MTV Xứ Tiên (Tiên Phước) đoạt giải B (không có giải A). Dự kiến, các sản phẩm đoạt giải sẽ được trao giải vào dịp khai mạc Hội chợ Xuân Quảng Nam 2017 tổ chức tại TP.Tam Kỳ. |
Nâng cao tính sáng tạo, tính ứng dụng, tính thương mại của sản phẩm TCMN là một trong những yêu cầu bức thiết đối với các làng nghề, cơ sở sản xuất CNNT ở Quảng Nam hiện nay, nhất là trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt trên thị trường trong và ngoài nước. Trước thực tế đó, kể từ năm 2014, UBND tỉnh đã giao cho Sở Công Thương xây dựng đề án tổ chức Cuộc thi bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu hằng năm nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất CNNT phát huy những ý tưởng sáng tạo, thiết kế những mẫu sản phẩm TCMN có tính mới, có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Liên tục trong 3 năm (2014 - 2016), toàn tỉnh có 60 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; 11 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 4 sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia. Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, số lượng tác phẩm dự thi bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tăng dần ở các năm về sau chứng tỏ các nghệ nhân, cơ sở sản xuất CNNT không ngừng tìm tòi, sáng tạo, thiết kế những mẫu mã mới lạ để mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Theo một số chủ cơ sở CNNT, việc được bình chọn sản phẩm tiêu biểu đã nâng tầm sản phẩm của họ. Ông Nguyễn Trường Thiên - Giám đốc Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (Núi Thành) cho biết: “Lần đầu tiên sản phẩm sọt đựng rác cây nấm bằng mây tre của xí nghiệp được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2015. Đây là nguồn động viên rất lớn bởi chúng tôi dành nhiều tâm huyết và công sức cho những sản phẩm này. Đây được xem là cơ hội để đơn vị có điều kiện quảng bá sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường”.
Đến với Cuộc thi bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Quảng Nam năm 2016, nhiều huyện, thị xã, thành phố đã chuẩn bị khá chu đáo và đã tổ chức sơ khảo từ địa phương nên các sản phẩm dự thi đạt chất lượng cao. Trong đó phải kể đến Điện Bàn, địa phương có số lượng sản phẩm đăng ký tham gia dự thi cao nhất với 14 sản phẩm; các huyện Phú Ninh, Quế Sơn và TP.Hội An, mỗi địa phương có đến 5 sản phẩm dự thi... Các sản phẩm tham gia bình chọn năm nay chủ yếu tập trung vào nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và chế biến nông, lâm, thủy sản, đồ uống... Để được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu, các cơ sở sản xuất CNNT phải đạt các tiêu chí: có doanh thu ổn định; khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường; đáp ứng chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, xã hội; thể hiện tính văn hóa, thẩm mỹ. Theo nhận định của các thành viên trong hội đồng giám khảo, các sản phẩm dự thi trong năm nay phần lớn đạt chất lượng cao, có tiềm năng phát triển, mở rộng thị trường và đáp ứng một số tiêu chí cơ bản về doanh thu, kinh tế, kỹ thuật, xã hội, tính văn hóa, thẩm mỹ và bảo vệ môi trường... “Sau khi sản phẩm CNNT tiêu biểu được UBND tỉnh công nhận, Sở Công Thương sẽ có kế hoạch ưu tiên xem xét hỗ trợ các cơ sở sản xuất TCMN từ nguồn kinh phí khuyến công và các nguồn vốn khác để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực... để mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao” - ông Thử khẳng định.
TRUNG LỘ