Bình Giang: Khi lãnh đạo xã biết cầu thị, lắng nghe

NAM QUANG 22/02/2013 05:52

Ông Lê Văn Gặp - Bí thư Đảng ủy xã Bình Giang (huyện Thăng Bình) thẳng thắn nói: “Làm lãnh đạo xã gói gọn có 3 việc chính: lo cho dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu; không để xảy ra khiếu kiện; xây dựng tập thể cán bộ xã thật sự đoàn kết, năng động”.

Diện mạo nông thôn ở Bình Giang hôm nay.Ảnh: NAM QUANG
Diện mạo nông thôn ở Bình Giang hôm nay.Ảnh: NAM QUANG

Biết “dị” để đi lên

Với địa hình chạy dọc dài theo con sông Trường Giang, cát trắng bọc lưng, xã Bình Giang không phải là địa phương không có điều kiện để phát triển kinh tế. Thế nhưng, hàng chục năm qua, nhân dân vẫn loay hoay với bài toán “xóa đói giảm nghèo”, đến nỗi năm 2009, cán bộ xã phải đưa vào danh sách hàng trăm hộ nghèo “dỏm” để được nhận tiền hỗ trợ tết của Chính phủ. “Sự việc vỡ lở ra, dị lắm anh ạ! Sau tết năm đó, chúng tôi rà soát lại toàn bộ danh sách và cương quyết loại bỏ những đối tượng không đúng. Chính quyền cũng đã công khai xin lỗi nhân dân, thu hồi trả lại cho Nhà nước hơn 22 triệu đồng” - ông Gặp chia sẻ. Cũng từ cái “dị” năm đó, Bình Giang đã xác định và tìm hướng đi mới, đi lên bằng chính nội lực của mình. Đặc biệt, sau gần 3 năm được huyện chọn làm điểm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, bộ mặt làng quê nơi đây đã thật sự khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân đã được cải thiện rõ nét.

“Cái chính của người cán bộ là phải gần dân, nắm tình hình cụ thể, phân tích thấu tình đạt lý thì chắc chắn dân sẽ ủng hộ”.
(Ông Lê Văn Gặp - Bí thư Đảng ủy xã Bình Giang)

Điều đầu tiên Bình Giang làm là tập trung các giải pháp phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, quyết tâm tạo bước đột phá để ổn định nguồn lương thực, thực phẩm đủ ăn quanh năm. Đất đai ở vùng quê này chủ yếu là cát pha, chỉ thích nghi cây hoa màu nhưng lại ở cuối kênh nên không chủ động được nguồn nước tưới. Trong số 560ha sản xuất lúa hàng năm của địa phương, phần lớn nằm ở cánh đồng Hiền Lương. Những năm trước, cánh đồng này thường xảy ra khô hạn gây khó khăn trong sản xuất. Để giải bài toán nước tưới, xã đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để xây dựng trạm bơm An Lạc và hệ thống kênh mương bê tông nội đồng với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng, đưa nước từ sông Bàn Thạch, Duy Thành (Duy Xuyên) về tưới cho cây trồng tại đây. Nhờ đó 3 năm qua, diện tích đất lúa của xã chủ động nước tưới, năng suất luôn đạt bình quân xấp xỉ gần 60 tạ/ha. Ngoài ra, nhiều loại cây trồng khác như đậu phụng, bắp, mè và các loại rau màu ngắn ngày cũng được nông dân chú trọng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Diện mạo mới

Từ năm 2011, Bình Giang bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tranh thủ nguồn vốn của chương trình quốc gia và vốn chương trình 257 hỗ trợ các xã nghèo bãi ngang ven biển và hải đảo, xã đã triển khai nhiều công trình mới phục vụ dân sinh. Đến nay hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng trong xã cơ bản được cứng hóa. Tuyến đường cứu nạn cứu hộ từ Bình Nguyên đi Bình Dương xuyên qua địa bàn xã, tuyến đường tây sông Trường Giang được xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, nhất là trong mùa mưa bão. Trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học, chợ, bưu điện, hệ thống điện được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân. Dọc theo các tuyến đường chính trong xã, nhân dân xây dựng nhà cửa khang trang, tường rào cổng ngõ bề thế, hình thành diện mạo nông thôn mới. Xã cũng đã dành khu đất ở thôn Bình Hòa, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng để xây dựng cụm công nghiệp giải quyết việc làm cho nhân dân. Bước đầu Công ty CP Hoàng Khuyên đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy tinh tại đây.
Nhiều giải pháp đầu tư đồng bộ đã tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Từ một địa phương có đến hơn 41% số hộ nghèo năm 2009, đến nay Bình Giang chỉ còn 17,7% số hộ nghèo, chủ yếu rơi vào trường hợp già cả neo đơn. Và điều quan trọng là người dân đã đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương. Minh chứng rõ nhất là hơn 3 năm qua ở Bình Giang không có trường hợp khiếu kiện. Ngay cả việc giải phóng mặt bằng xây dựng các tuyến giao thông, cụm công nghiệp, người dân đều tự giác chấp hành tốt chủ trương của địa phương.

Hạt nhân lãnh đạo

Năm 2012, cả 10 chi bộ trực thuộc của Đảng bộ xã Bình Giang được công nhận trong sạch vững mạnh liên tục 2 năm 2011 - 2012; Đảng bộ xã Bình Giang được Huyện ủy Thăng Bình công nhận trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Những kết quả trong phát triển kinh tế của Bình Giang những năm qua có vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng bộ xã. Toàn Đảng bộ hiện có 190 đảng viên đang sinh hoạt tại 10 chi bộ trực thuộc. Ngay từ đầu năm, Đảng bộ xã đã tổ chức cho đảng viên, cấp ủy các chi bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, đăng ký thi đua thực hiện các nghị quyết của đảng bộ, chi bộ. Ban Thường vụ Đảng ủy xã thường xuyên đôn đốc, tổ chức kiểm tra, theo dõi chỉ đạo kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Ông Lê Văn Gặp cho biết: “Khi đề ra một chủ trương, Ban Thường vụ luôn bàn bạc thật kỹ, ai chưa hiểu thì được giải trình làm rõ. Bản thân từng cá nhân lãnh đạo chủ chốt của đảng, chính quyền cũng đã thống nhất tư tưởng dân chủ, cởi mở, không áp đặt, sẵn sàng lắng nghe ý kiến của của đảng viên và quần chúng nhân dân”.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo của các vị trí lãnh đạo chủ chốt, Đảng bộ xã luôn quan tâm đến công tác dự nguồn, đào tạo cán bộ trẻ. Hiện, toàn xã có 19 cán bộ trình độ đại học, 15 người trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên. “Học tập nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ chính trị là một chuyện, cái chính của người cán bộ là phải gần dân, nắm tình hình cụ thể, phân tích thấu tình đạt lý thì chắc chắn dân sẽ ủng hộ” - ông Gặp nói.

NAM QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bình Giang: Khi lãnh đạo xã biết cầu thị, lắng nghe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO