Trong gần 5 năm (từ 1946 đến 1951) làm nhiệm vụ cất giấu lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men…, nhân dân làng Bình Hòa (thôn Bình Hòa, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ ngày nay) cùng với Trung đoàn 109 của bộ đội Quân khu 5 đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ từng hạt thóc, từng viên đạn chi viện cho các chiến trường Quảng Nam…
Ông Tuân nhớ lại bài thơ “Bình Hòa khói lửa” khi đứng trên bến Bình Hòa (thôn Bình Hòa, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ).Ảnh: TƯỜNG QUÂN |
Làng Bình Hòa nằm bên cạnh sông Tam Kỳ chảy từ thượng nguồn các vùng núi phía tây đến sông Bàn Thạch rồi thông ra sông Trường Giang. Từ làng Bình Hòa còn có thể theo các con đường bộ dẫn đến các huyện miền núi phía tây Quảng Nam như Tiên Phước, Trà My… Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 đến năm 1954, nơi đây nằm sâu trong vùng tự do của bộ đội ta. Dân cư đông đúc, lại thêm có nhiều loại cây như tre, nứa, chà rang rất thuận lợi cho việc xây dựng các kho tàng. Nơi đây cũng từng là khu hành chính của Ủy ban kháng chiến huyện Tam Kỳ (cũ) trong một thời gian dài.
Từ năm 1946, lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men cần chi viện cho vùng chiến đấu ở Quảng Nam nhiều hơn. Nhận thấy làng Bình Hòa có những đặc điểm rất thuận lợi cho việc tập kết lương thực, thực phẩm, đạn dược để tiếp tục theo đường bộ (bằng xe điện, xe bò, xe ngựa) chuyển lên các địa phương vùng tây như Trà My, Tiên Phước, mặt trận Hạ Lào hoặc tiếp tục theo đường sông (sông Trường Giang) để chi viện cho các vùng bắc Quảng Nam như Điện Bàn, Duy Xuyên, Hòa Vang…, Ủy ban kháng chiến tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ quyết định cho Trung đoàn 109 đóng quân tại đây, cùng với nhân dân làng Bình Hòa xây dựng các kho chứa lương thực, đạn dược tiếp nhận từ Quảng Ngãi. Nhân dân cùng bộ đội sử dụng nguyên liệu từ cây chà rang, tre, nứa để xây dựng các lán trại, ngụy tạo là nhà dân để che giấu những căn hầm bí mật chứa lương thực, đạn dược ở phía dưới. Tổng cộng lúc bấy giờ có 37 nóc nhà, chia thành nhiều kho vụ. Trong đó có các kho mậu dịch, kho quân nhu, kho vật liệu CuB150, kho Hạ Lào… Người dân thay nhau sinh sống trong những ngôi nhà ấy như nhà của mình để tránh sự phát hiện của địch. Trung đoàn 109 cùng với nhân dân ngày đêm thực hiện việc khuân vác hàng từ bến sông Bình Hòa lên các nhà kho, chuyển vào các hầm bí mật cất giấu. Sau đó, dùng xe bò, trâu, ngựa và các loại xe cơ giới để tiếp tục theo đường bộ hoặc đường sông chi viện cho các vùng chiến đấu trong tỉnh.
Ông Nguyễn Tuân (80 tuổi), một trong những người làng Bình Hòa sinh sống trong các nhà kho, cũng là thư ký đội khuân vác thuộc Công đoàn vận tải đường bộ Quảng Nam lúc bấy giờ, cho biết: “Các ghe hàng sau khi cập bến Bình Hòa và hàng hóa đã được khuân vác vận chuyển lên các kho xong thì nhấn chìm xuống sông để tránh bị địch phát hiện. Đến tối, các thuyền viên lại kéo thuyền lên để về lại. Đội khuân vác chúng tôi lúc đó có 32 người. Công lao động được tính đổi bằng gạo. Đối với 100m đầu, vác 1 tấn hàng được 3,5kg gạo, 100m tiếp theo vác 1 tấn được 4,5kg gạo. Ngoài công việc luôn phải đảm bảo bí mật, đội khuân vác cũng như người dân và bộ đội luôn phải đề cao cảnh giác, tránh sự phát hiện của địch”.
Trong 5 năm, một lượng lớn lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược được tập kết và chuyển lên các vùng chiến đấu, không để xảy ra tổn thất nào. Nhưng đến năm 1951, tình hình trở nên bất ổn. Địch đã nghe ngóng và phát hiện ra kho chứa vũ khí, lương thực của ta ở đây. Đến ngày 15.5.1951, địch mở trận càn quét nhằm phá hủy toàn bộ hệ thống kho lương thực, tài vận này. Ngay từ tờ mờ sáng, 4 chiếc máy bay của địch đã bắt đầu dội bom làm cháy toàn bộ 37 nóc nhà kho. Lửa nhanh chóng bén qua nhà dân xung quanh, cháy lan khắp nơi. Trung đoàn 109 chống trả quyết liệt, nhắm thẳng các mục tiêu máy bay địch, đẩy lùi được sự đốt phá của địch. Đến trưa cùng ngày, địch lại tiếp tục mở đợt tấn công thứ hai quyết liệt hơn. Lượng bom dội xuống với mật độ khủng khiếp hơn, khiến toàn bộ 37 ngôi nhà cháy rụi. Đến chiều cùng ngày, địch tiếp tục dội bom thêm 5 lần nữa nhằm xóa sổ hoàn toàn kho chứa lương thực, tài vận này, bất chấp xương máu của người dân vô tội.
Nhân dân thôn Bình Hòa ngày nay vẫn luôn nhớ về trận chiến ác liệt năm xưa bằng những câu thơ đầy máu và nước mắt trong bài thơ “Bình Hòa khói lửa”: Ngày mười lăm tháng năm cũng là ngày hôm ấy/Ngày đau thương chưa từng thấy ở Bình Hòa/Tinh sương cho đến chiều tà/Phi cơ khủng bố gần xa khắp miền/Ra vào ba trận liên miên/Thả xăng rồi lại tiếp liền đạn rơi/Đùng đùng xăng thả nơi nơi/Xăng tưới vườn tược, xăng rơi trúng nhà/Ba mươi hai thùng rớt xuống tung ra/Lều tranh vách đất cháy mà thành tro/Heo gà, vịt ngỗng, trâu bò/Lửa thiêu, lửa đốt, lửa lò vây quanh/Cháy thôi ngó thấy cũng đành/Trâu bò nghiêng ngửa tan tành thịt xương/Lúa khoai, sắn đậu ngoài vườn/Trong nhà bàn ghế, tủ giường còn đâu/Cháy trong khoảnh khắc chẳng lâu/Nặng nhất gần cầu bác Xảo chúng ta/Cùng chung số phận nhiều nhà/Cũng đành cảnh ngộ thật là thảm thương/Cảnh sao cảnh khó tỏ tường/Mẹ già con dại gian nan trăm đường/Tối về núp dưới màn sương/Lá khô làm chiếu cành rang làm nhà/Đất bằng một nỗi bao la/Tro tàn mấy đống rên la căm hờn/Này lũ giặc chúng bây có biết/Đất nước này là của Việt Nam/Dù cho lửa đạn khói bom/Muôn người như một đứng lên diệt thù/Tinh thần cách mạng mùa thu/Khắc sâu trong dạ muôn người Việt Nam.
Sau ngày 15.5.1951 đau thương ấy, kho chứa lương thực và tài vận bị cháy rụi hoàn toàn. Địch cũng ngày đêm truy quét dọc theo sông Tam Kỳ. Hễ thấy thuyền là dội bom bắn phá. Ủy ban kháng chiến tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ quyết định chuyển kho tập kết lương thực sang một nơi khác. Trách nhiệm lịch sử của kho chứa lương thực, tài vận này cũng kết thúc. Thế nhưng, từ ngày đau thương đó, lòng căm thù giặc luôn hằn sâu trong mỗi người dân làng Bình Hòa. Để từ ấy, thế hệ này đến thế hệ khác, họ kể cho nhau nghe về cái ngày lịch sử, về ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Biết bao nhiêu con cháu của làng Bình Hòa đã tiếp bước cha ông, đứng lên chống giặc ngoại xâm, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
TƯỜNG QUÂN