“Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước, phải đem ra tỉnh trước dân ta” - chí sĩ Trần Quý Cáp, ngay từ những ngày đầu canh tân đất nước, đã khẳng định vị thế của chữ Quốc ngữ. Và Thanh Chiêm được xem như một trong những chiếc nôi hình thành chữ Quốc ngữ.
Lựa chọn của lịch sử
Nếu tính lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ, phải kể đến căn duyên đầu tiên để hệ thống chữ viết này xuất hiện. Theo các nhà sử học, nửa cuối thế kỷ 16, các giáo sĩ Dòng Tên đã bắt đầu đến châu Á truyền đạo. Họ đều có trình độ tiến sĩ. Vì xuất thân từ những nước sử dụng hệ chữ Latinh nên khi đến những nước sử dụng chữ tượng hình ở châu Á, họ đã gặp khó trong việc truyền đạo.
Trong cuốn Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam, 2 tác giả Đinh Trọng Tuyên và Đinh Bá Truyền cho rằng có thể điểm lại những cái nôi đã khai sinh ra chữ Quốc ngữ là Hội An, Thanh Chiêm, Nước Mặn (Quy Nhơn) và Cửa Bạng (Tĩnh Gia, Thanh Hóa). “Trong 4 địa điểm này, rõ ràng Thanh Chiêm là cái nôi quan trọng nhất, bởi tiếng nói nơi đây là đối tượng nghiên cứu của hai vị đại diện xuất sắc nhất: Pina - người đầu tiên sáng tạo chữ Quốc ngữ và de Rhodes - người sau này đã hoàn thiện hệ thống chữ Quốc ngữ...
Cho đến đầu thế kỷ 17, một số giáo sĩ Dòng Tên đã đến Hội An. Họ dùng tiếng Hán và Nhật để giao tiếp với dân địa phương qua phiên dịch của các thương nhân.
Năm 1617, Giáo sĩ Francesco de Pina người Bồ Đào Nha đến Hội An và Nước Mặn (Bình Định) năm 1619, rồi trở về cư ngụ tại Thanh Chiêm. Ông đã học Tiếng Việt và trở thành người phương Tây giỏi Tiếng Việt nhất thời bấy giờ.
Theo các nhà sử học, Pina cho rằng, Hội An xưa là “thủ đô kinh tế” của Đàng Trong và do là khu thương mại, mua bán nên dân cư cũng hỗn tạp, ngôn ngữ cũng lai tạp.
Trong khi đó, Thanh Chiêm là “thủ đô” chính trị của Đàng Trong, tiếng nói ổn định hơn và có nhiều trí thức hiểu biết về chữ nghĩa hơn. Vì vậy, lựa chọn của Pina ở đất Thanh Chiêm rõ ràng là nhắm vào việc nghiên cứu tiếng Việt chuẩn xác hơn. Ở đây, ông cũng thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với quan trấn thủ dinh trấn.
Tôn vinh chữ Quốc ngữ
Năm 2018, tại cuộc hội thảo về chữ Quốc ngữ diễn ra tại Lisbon, di cảo của Pina tìm thấy ở Thư viện Hoàng gia Bồ Đào Nha được công bố. Theo các học giả, trong di cảo này, chữ Quốc ngữ đã có dấu như ngày nay.
Dù đến và thành lập trú sở Nước Mặn trước khi đến Thanh Chiêm, nhưng Pina tại Thanh Chiêm đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. “Đối với việc nghiên cứu tiếng nói, Kẻ Chàm vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm triều đình (thời điểm này Thanh Chiêm, tức Kẻ Chàm, là nơi đóng Dinh trấn Quảng Nam)” – di cảo của Pina viết.
Cuối năm 1625, Pina chết đuối trên biển Cù Lao Chàm. Theo ông Đinh Trọng Tuyên (ở xã Điện Phương, Điện Bàn), người có nhiều năm nghiên cứu Dinh trấn Thanh Chiêm, thi thể Pina được chôn sau nhà thờ Phước Kiều (nay là nhà thờ Thánh Andre), thuộc thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương. Đây là nhà thờ do chính ông thành lập khi đến cư trú tại Thanh Chiêm và là nơi trú ngụ của nhiều giáo sĩ khác, trong đó có Alexandre de Rhodes.
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng là một trong những học trò của Pina, ông đến Đàng Trong năm 1624 và sau này đã đưa tất cả di cảo của thầy về Macau năm 1626. Năm 1651, de Rhodes cho in cuốn Từ điển Việt – Bồ - La.
Phần chính của cuốn từ điển là phần từ vựng, liệt kê 8.000 từ bằng chữ Quốc ngữ. Bổ túc thêm là phần phụ lục tóm tắt ngữ pháp tiếng Việt và cách thức phát âm đương thời. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong việc định chế chữ Quốc ngữ, tức cách viết tiếng Việt bằng chữ Latinh…
Giá trị của chữ Quốc ngữ trong xây dựng, bảo vệ đất nước đã chứng minh từ hơn trăm năm nay. Để đến hôm nay, chữ Quốc ngữ cùng cái nôi hình thành ở Thanh Chiêm được tôn vinh. Một không gian văn hóa vinh danh Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ bắt đầu được triển khai xây dựng.
Bên cạnh phục dựng một phần Dinh trấn Thanh Chiêm xưa là việc dựng lại bình minh chữ Quốc ngữ trên đất này: xây dựng nhà trưng bày hiện vật về dinh trấn; nhà bảo tàng chữ Quốc ngữ, trưng bày các hiện vật liên quan đến chữ Quốc ngữ; tượng các chúa Nguyễn, những người có công mở cõi, người có công đóng góp cho Quảng Nam, các giáo sĩ khai sinh chữ Quốc ngữ cùng những học giả có công truyền bá, cổ súy cho việc sử dụng mạnh mẽ chữ Quốc ngữ…