Bình mới rượu cũ

C.B.L 08/10/2019 10:32

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến lần 1 đối với dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học” (bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự). Trong nhiều thay đổi, thay đổi đáng chú ý nhất là theo quy định hiện hành thì văn bằng ghi các xếp loại như: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá hoặc trung bình theo quy chế đào tạo, ghi “Chính quy” hoặc một trong các hình thức “Vừa làm vừa học”, “Học từ xa”, “Tự học có hướng dẫn”; còn dự thảo thì bỏ các nội dung này.

Một cuộc thăm dò trên báo Tuổi Trẻ (lúc 15 giờ, ngày 7.10.2019) sau gần 2 ngày có kết quả: 507 ý kiến chọn không ủng hộ, 279 ủng hộ và 19 ý kiến khác cho chủ đề “Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ xếp loại khá, giỏi trên bằng tốt nghiệp; đồng thời bỏ phân loại chính quy, tại chức”. Cuộc khảo sát, tất nhiên không hề là căn cứ cho bộ, nhưng dù sao cũng phần nào cho biết “cảm biến xã hội” theo hướng nào. Và tôi thuộc vào số người không ủng hộ.

Dự thảo đang được lấy ý kiến, nên tôi coi đây là một góp ý. Trong thực trạng “hỗn loạn” của giáo dục hiện nay, thì đây không phải là một nội dung dự thảo tốt. Lâu nay, có một mô típ, là hễ người ta muốn bảo vệ/thuyết minh cho một mục đích nào đó (như dự án, đồ án, quy hoạch hay tầm nhìn vài chục năm, đại loại là thứ sẽ phải xảy ra ở thì tương lai), người ta sẽ dùng chữ “xu thế thế giới”. Người nghe có cảm giác chữ dùng đó như “lá bùa” vậy. Theo lý giải của Bộ GD-ĐT (được báo Pháp luật dẫn lời) rằng, trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư này, ban soạn thảo đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia. Do vậy, quy định như trong dự thảo là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam với giáo dục đại học của các nước. Nhưng, điều tôi cũng như nhiều người băn khoăn là: khi lượng chưa đủ, nên khoan nói đến chất. Bởi xét về thực tế nước ta hiện nay có quá nhiều trường đại học, công tác tuyển sinh, đặc biệt là thực trạng đào tạo có sự chênh lệch rất lớn giữa các hệ chính quy với không chính quy. Định kiến xã hội về các loại hình đào tạo cũng chưa dễ gì xóa mờ được trong ít nhất năm mười năm nữa. Trong bối cảnh đó thì về phía người học, động lực phấn đấu cũng không còn. Nên chuyện giải thích, bảng điểm sẽ đi kèm nếu nhà tuyển dụng muốn biết năng lực bổ sung cho tấm bằng, sẽ là không thuyết phục.

“Kim chỉ nam” của Bộ GD-ĐT, có lẽ vẫn là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 mà mục tiêu là “Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”. Nghị quyết với quan điểm chỉ đạo: “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạo”. Cái gì cũng cần lộ trình chính xác, không thể bỏ qua thực tế từ thực trạng của nền giáo dục nước nhà hiện nay, và duy chí ý rằng, thay đổi cách thức ghi trên bằng cấp đã là hợp thời điểm. Điều quan trọng là giải quyết cho được bài toán chất lượng nguồn nhân lực của ta so với khu vực (khoan chưa nói đến thế giới), chứ không phải thi thoảng xới lên câu chuyện hình thức, khiến lệch hướng nhìn của xã hội.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bình mới rượu cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO