Bình Nguyên là xã được huyện Thăng Bình chọn bổ sung để triển khai thực hiện thí điểm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015. Thời gian qua nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và lòng dân đồng thuận cao, Bình Nguyên đã nỗ lực tạo những bước chuyển rõ nét...
Trồng dưa chuyên canh, mỗi vụ nông dân Bình Nguyên thu về 120 - 140 triệu đồng/ha. Ảnh: VĂN SỰ |
Chọn 2 khâu đột phá
Ngày 19.8.2011, xã Bình Nguyên tổ chức lễ phát động xây dựng mô hình NTM. Ngay sau đó, lãnh đạo địa phương phối hợp tổ chức quy hoạch với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND xã cho biết, để công tác này mang lại hiệu quả cao, bên cạnh việc cùng đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng thì các ngành liên quan ở Bình Nguyên nhanh chóng họp với toàn thể nhân dân trên địa bàn 4 thôn nhằm lấy ý kiến đóng góp xây dựng đề án quy hoạch. Cách đây hơn 4 tháng, Bình Nguyên đã thực hiện xong quy hoạch tổng thể, quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hạ tầng thiết yếu, điểm dân cư nông thôn và vừa được UBND huyện Thăng Bình phê duyệt.
Bên cạnh khâu quy hoạch, hơn 2 năm qua xã Bình Nguyên cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát triển mạng lưới giao thông nông thôn. Nhìn tuyến đường bê tông dài hơn 1,1km vừa được thi công xong, ông Trần Giai – Tổ trưởng tổ đoàn kết số 11 (thôn Thanh Ly 2, xã Bình Nguyên) hồ hởi: “Làm được con đường ni, dân làng tôi hết sức phấn khởi. Hàng chục năm qua nắng thì mù mịt bụi, mưa lại nhão nhẹt bùn khiến việc đi lại cực kỳ khó khăn. Tuyến đường liên xóm này có tổng giá trị đầu tư 780 triệu đồng, trong đó ngân sách các cấp hỗ trợ 397 triệu đồng, còn lại 383 triệu đồng do nhân dân đóng góp”.
Ông Nguyễn Thanh – Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên cho biết:“Theo khảo sát thì tại thời điểm tổ chức lễ phát động xây dựng NTM, xã Bình Nguyên chỉ đạt 4/19 tiêu chí do Trung ương quy định. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình, đến giữa tháng 11.2013 địa phương đã hoàn thành 11 tiêu chí, gồm: quy hoạch, điện, trường học, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, giáo dục, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, môi trường, hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội. Hiện nay, 8 tiêu chí còn lại đã đạt 50 - 95%, theo tôi nếu quyết liệt thực hiện như thời gian qua thì đến năm 2015 Bình Nguyên trở thành xã NTM như lộ trình đã vạch ra là điều không khó”. |
Ông Nguyễn Ngọc Tâm – cán bộ phụ trách lĩnh vực giao thông và thủy lợi xã Bình Nguyên cho biết, từ năm 2011 đến nay bằng nhiều nguồn vốn huy động, chính quyền địa phương tiếp tục bê tông hóa gần 6km đường giao thông nông thôn và 2,2km giao thông nội đồng với tổng kinh phí xấp xỉ 4,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 2,3 tỷ đồng và hàng trăm ngày công lao động. Đặc biệt, rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã tự nguyện tháo dỡ tường rào cổng ngõ kiên cố, chặt phá các loại cây có giá trị kinh tế và hiến hơn 1 nghìn mét vuông đất ở để phục vụ cho việc mở rộng, thi công một số tuyến đường trọng yếu. Ông Tâm nói: “Nhờ dồn mọi nguồn lực cho việc phát triển hạ tầng giao thông nên đến giữa tháng 11.2013 này ở Bình Nguyên đã có 100% tuyến đường liên thôn, liên xã và 93% tuyến đường liên xóm được thảm nhựa, bê tông hóa. Đường sá được xây dựng bài bản, chắc chắn sẽ mở ra cho địa phương nhiều cơ hội phát triển”.
Phát triển mạnh kinh tế hộ
Những ngày gần đây nông dân Bình Nguyên hối hả ra đồng phát dọn cỏ bờ, nạo vét các tuyến kênh mương và tiến hành cày phơi ải đất để chuẩn bị gieo sạ vụ lúa đông xuân 2013 - 2014. Lão nông Lê Văn Hùng (trú thôn Liễu Thạnh) cho biết: “Lúc trước, dù cố gắng mấy thì mỗi vụ 1 sào lúa chỉ cho năng suất chừng 250kg khô, còn bây giờ đã tăng lên 320kg. Liên tục bội thu nên nhà nông rất vui”. Theo ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND xã, hiện nay mỗi vụ nông dân Bình Nguyên tổ chức canh tác 203ha đất lúa. Nhờ đã thực hiện hoàn tất công tác dồn điền đổi thửa nên đồng ruộng nơi đây không còn phân tán nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, thời gian qua nông dân rất thuận lợi trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch. Ông Thanh nói: “Để giúp nhà nông nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, từ khi bắt tay vào xây dựng mô hình NTM đến nay, bên cạnh việc ưu tiên nguồn vốn thi công hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo chủ động cung ứng nước tưới thì lãnh đạo địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến khâu chọn tạo, du nhập nhiều loại giống lúa mới có chất lượng cao về hỗ trợ nông dân gieo sạ đại trà. Đồng thời phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình mở nhiều khóa tập huấn chuyển giao các kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho người dân. Nhờ vậy, mấy năm gần đây năng suất lúa liên tục tăng mạnh. Nếu năm 2010 trở về trước, năng suất lúa bình quân toàn xã chỉ đạt 54 - 55 tạ/ha thì nay đã gần 60 tạ/ha”.
Ngoài việc nỗ lực tạo cú hích mạnh cho cây lúa thì thời gian qua chính quyền và nhân dân xã Bình Nguyên cũng ưu tiên đầu tư xây dựng các mô hình canh tác cây trồng cạn theo hướng hàng hóa tập trung. Hiện nay mỗi vụ Bình Nguyên sản xuất khoảng 130ha hoa màu. Theo ông Thanh, bình quân mỗi năm 1ha đất màu này mang lại cho nông dân mức thu nhập khoảng 85 - 170 triệu đồng. Ngoài phát triển kinh tế nông nghiệp, Bình Nguyên cũng rất quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ông Trần Ngọc Hà – Giám đốc Xí nghiệp sản xuất gạch tuynel Bình Nguyên cho biết, hiện nay tại đơn vị có ít nhất 100 lao động ở địa phương tham gia làm việc. Nhờ nguồn thu nhập ổn định nên kinh tế hộ của số công nhân này từng bước được cải thiện. Theo ông Nguyễn Thanh, mấy năm nay gần 600 lao động khác của Bình Nguyên cũng có việc làm thường xuyên tại các cơ sở may mặc, gia công giày da, đan lưới ngọc trai, sản xuất hương... đóng chân trên địa bàn với mức lương bình quân 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
VĂN SỰ