Nhìn những chiếc xe chở heo lậu ào ào qua biên giới ở Đồng bằng sông Cửu Long chiếu trên truyền hình mà lo ngại về thực trạng quản lý hàng hóa. Heo là loại hàng hóa đâu dễ ém nhẹm mà người dân vẫn cố buôn lậu khi giá cả chênh lệch, thì hỏi sao với nhiều mặt hàng gọn gàng khác, tình hình không phức tạp cho được.
Tình hình chung lâu nay, mỗi khi cung cầu hàng hóa bấp bênh là xảy ra lộn xộn thị trường. Có nhiều mặt hàng lậu đến hẹn lại lên tràn vào thị trường, nhất là dịp tết như pháo, bánh kẹo, thực phẩm bẩn, hàng không rõ nguồn gốc... cũng xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng tăng cao đột biến. Nhưng cũng có nhiều loại hàng hóa lậu đều đều được tiêu thụ qua 4 mùa trong năm, đã thành quen với người bán kẻ mua như một phần tất yếu của thị trường. Người tiêu dùng hằng ngày không khó trong việc mua những mặt hàng lậu như thuốc lá, rượu, thực phẩm chức năng...; trong khi đó, lực lượng chức năng chủ yếu kiểm soát hàng hóa từ gốc. Thói quen xài hàng lậu của người dân thực sự là lực cản trong công tác quản lý hàng hóa. Nguyên nhân này còn là mắc xích cho thấy công cuộc chống hàng lậu, hàng giả đâu chỉ là kiểm soát ngăn chặn, kêu gọi ý thức... mà hàng hóa (đặc biệt là lương thực thực phẩm thiết yếu) còn phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường.
Trở lại với mặt hàng thịt heo, nếu phải để xảy ra tình trạng buôn lậu vì giá cả chênh lệch thì thật đáng tiếc bởi đây là thực phẩm thiết yếu, là sinh kế của nhiều nông dân và nguồn cung trong nước dồi dào. Thế nhưng sau đợt cao điểm dịch tả lợn châu Phi vừa qua, giá thịt heo vẫn giữ mức cao khiến cơ quan quản lý thị trường lo ngại. Thậm chí Thủ tướng Chính phủ trong một phiên họp đã đưa ra tối hậu thư rằng nếu không hạ giá bán thịt heo, sẽ mở cửa cho thị trường nhập khẩu mặt hàng này. Và thực tế, những ngày qua hàng trăm nghìn tấn thịt heo từ các nước nhập vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh. Giá cả thịt heo là do thị trường điều tiết, nên người chăn nuôi bây giờ dù muốn hay không cũng vào guồng xoáy cạnh tranh gay gắt, mà cụ thể là cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Thị phần thịt heo bây giờ phải chia ra, cũng giống với tình cảnh của nhiều loại hàng hóa được xem là thế mạnh của Việt Nam. Người chăn nuôi heo trong nước vốn chịu nhiều rủi ro, sau một thời gian mừng vì được giá thì nay phải đương đầu với áp lực mới, nhưng biết phải làm sao, vì đó là quy luật rồi.
Thịt heo, tưởng là loại thực phẩm dễ thay thế trong thói quen của người tiêu dùng, không ngờ lại có vai trò quan trọng đến vậy. Hãy nhìn lại giá của mỗi tô bún, tô mỳ rục rịch tăng từ sau tết đến nay, mà lo túi tiền trước nguy cơ vơi cạn. Bởi vậy, bình ổn thị trường thịt heo trong lúc này được xem là có ý nghĩa hết sức quan trọng để kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng, và giảm áp lực chi tiêu cho xã hội. Mà đâu chỉ thịt heo, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch bệnh, một số nguồn cung lương thực thực phẩm thiết yếu trong nước dễ biến động, thì chuyện nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong việc điều tiết, bình ổn thị trường là điều đã được dự báo.