Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp tết, ngành công thương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp đồng, dự trữ hàng hóa; đồng thời triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mãi, giảm giá... nhằm kích cầu tiêu dùng, đảm bảo bình ổn thị trường.
Ngay từ đầu tháng 10.2015, Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng - Quảng Nam đã dự trữ số lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm khá lớn với tổng giá trị lên đến 20 tỷ đồng. Hiện có 7 doanh nghiệp tham gia cung cấp hàng hóa cho đồng bào miền núi được tỉnh cho vay ưu đãi 100% lãi suất khi phục vụ hàng hóa tại miền núi và 50% lãi suất khi thực hiện bình ổn giá tại đồng bằng trong dịp tết. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Lê Thao - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng - Quảng Nam cho hay: “Đây là chủ trương rất đúng đắn của tỉnh nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu của đồng bào miền núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Năm nay số lượng hàng hóa cung cấp cho đồng bào miền núi được chuẩn bị sớm hơn mọi năm. Chất lượng các loại mặt hàng ngày một tăng và đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm tết của bà con”.
Hàng hóa phục vụ tết khá đa dạng. Ảnh: S.B |
Thời điểm hiện nay, ở các chợ miền núi, nhiều tiểu thương cũng đã dự trữ một lượng lớn hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Những năm gần đây, nhu cầu mua sắm hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch cũng như chuẩn bị Tết Nguyên đán ở miền núi tăng cao. Chị Arất Bhố (xã A Tiêng, huyện Tây Giang) cho biết, bà con rất phấn khởi khi hầu hết giá cả các mặt hàng không tăng vào dịp cuối năm. “Thường tới ngày cận tết, người dân mới đi mua sắm nhưng năm nay mình thấy bà con mua sắm sớm hơn, nhất là các loại hàng hóa như quần áo, chiếu, mền, đồ trang trí trong nhà. Bây giờ bà con đến các tiệm tạp hóa đều có đủ các loại bánh kẹo, mứt, hạt dưa, nước mắm, dầu ăn…, không còn phải lo hết hàng hoặc giá cả tăng quá cao vào ngày giáp tết” - chị Bhố chia sẻ.
Theo Sở Công Thương, đến thời điểm hiện nay công tác chuẩn bị hàng hóa của 7 đơn vị tham gia bình ổn giá đã cơ bản hoàn tất. Với tổng kinh phí dự trữ gần 87 tỷ đồng, trong đó tỉnh đã cho vay ưu đãi 43 tỷ đồng, sẽ có 44 điểm bán hàng và 9 xe lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp tết này. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết: “Theo dự đoán của chúng tôi thì Tết Bính Thân này sẽ không thiếu hàng, lượng hàng hóa rất dồi dào. Năm nay giá xăng dầu liên tục giảm, sẽ kéo theo các mặt hàng khác giảm giá, giảm chi phí vận chuyển, đến bây giờ thì giá cả khá bình ổn. Để đảm bảo bình ổn giá và chất lượng hàng hóa khi đến người tiêu dùng, ngành quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra hàng hóa tại các chợ truyền thống, các đại lý phân phối nhằm ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”.
SỸ BÌNH