Những năm qua, nhờ nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn nên diện mạo xã miền núi Bình Sơn (Hiệp Đức) ngày càng “thay da đổi thịt”. Đáng ghi nhận là, nhờ tập trung phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế nông - lâm nghiệp, đời sống người dân nơi đây cải thiện đáng kể.
Tập trung xây dựng hạ tầng
Gần cuối tháng 4, có dịp về lại xã Bình Sơn, chúng tôi thấy vùng quê này đổi thay đáng kể, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông. Trước đây, tuyến đường trọng yếu ĐH4-HĐ có chiều dài 7km nối từ chợ Việt An của xã Bình Lâm đến cuối xã Bình Sơn khá hẹp và lởm chởm sỏi đá nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa hết sức khó khăn. Bây giờ, con đường này đã được mở rộng ra 5m và đổ bê tông xi măng kiên cố nên cảnh “nắng bụi, mưa bùn” đã lùi vào quá vãng.
Ông Hồ Xuân Lanh - Chủ tịch UBND xã Bình Sơn nói: “Chương trình nông thôn mới (NTM) như luồng sinh khí mới thổi vào Bình Sơn. Nhờ kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, giờ đây nhiều làng quê đã thực sự khởi sắc”.
Ông Lanh cho biết, đầu năm 2011 địa phương phát động xây dựng NTM. Thời điểm đó, xã chỉ đạt 1/19 tiêu chí là quy hoạch. Giai đoạn 2011 - 2019, Bình Sơn huy động gần 50 tỷ đồng thực hiện chương trình NTM, trong đó 70% kinh phí dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, phần còn lại hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp.
Nhờ ưu tiên nguồn lực đầu tư nên đến nay toàn bộ 13,8km đường trục xã - liên xã và 19,4km đường trục thôn, cùng 5,7km đường ngõ xóm ở Bình Sơn đã được bê tông hóa theo chuẩn NTM và lắp đặt đầy đủ biển báo, biển chỉ dẫn. Đặc biệt, tại thôn Tuy Hòa - khu dân cư NTM kiểu mẫu của xã đã lắp đặt 22 biển tên đường, giúp người dân đi lại thuận tiện.
“Không chỉ kết cấu hạ tầng giao thông, những năm qua địa phương còn quan tâm đầu tư xây dựng Trường Mẫu giáo Ánh Hồng, Trường Tiểu học - THCS Nguyễn Trãi và Trạm Y tế xã Bình Sơn với quy mô 2 tầng, đảm bảo đạt chuẩn. Trung tâm văn hóa, khu thể thao xã và nhà sinh hoạt văn hóa, sân thể thao của 3 thôn An Tráng, Tuy Hòa, An Phú được xây mới khang trang. Hệ thống điện, internet... được nâng cấp đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân” - ông Lanh cho hay.
Kinh tế phát triển mạnh
Đến cuối năm 2019 Bình Sơn hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM. Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 42 triệu đồng, tăng hơn 32 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo còn 4,05%, giảm 30,95% so với cách đây 10 năm.
Nhìn sân lúa vàng óng vừa thu hoạch, ông Trần Văn Biên (thôn Tuy Hòa) phấn khởi nói: “Đông xuân năm nay gia đình tôi canh tác 6 sào lúa. Nhờ nguồn giống có chất lượng tốt, nước tưới cơ bản đảm bảo, ứng dụng hiệu quả quy trình thâm canh và chủ động phòng trừ các loại dịch hại nguy hiểm nên thu hoạch năng suất cao. Ước tính vụ này bình quân mỗi sào đạt khoảng 280 - 300kg lúa khô, tăng 40 - 50kg so với nhiều năm trước”.
Trên địa bàn xã Bình Sơn có tổng cộng 112ha đất lúa. Năm 2011 trở về trước, do hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư nên chỉ có khoảng 15% diện tích chủ động nước tưới, năng suất lúa cũng chỉ đạt 45 - 47 tạ/ha. 10 năm qua, từ nguồn vốn của chương trình NTM kết hợp lồng ghép nhiều kênh vốn khác, địa phương đầu tư hơn 7 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa 10 đập chứa nước nhỏ và kiên cố hóa hàng loạt tuyến kênh mương.
Nhờ vậy, đến nay trong tổng số 112ha đất lúa đã có 60% diện tích đảm bảo nước tưới. Xã Bình Sơn cũng chú trọng chuyển giao các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến và hỗ trợ nông dân đưa nhiều loại giống lúa mới vào gieo sạ. Theo thống kê, năm 2020 năng suất lúa bình quân của xã đạt 56 tạ/ha, tăng 9 - 11 tạ/ha so với năm 2011.
Với lợi thế đất vườn - rừng lớn, người dân Bình Sơn còn tập trung nguồn lực đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng keo nguyên liệu và các loại cây ăn quả theo phương thức sản xuất hàng hóa. Ông Hồ Xuân Lanh cho hay, cả 933ha đất lâm nghiệp của địa phương đã được phủ xanh bởi những rừng keo lai bạt ngàn.
Hằng năm nông dân khai thác khoảng 200ha, với giá bán bình quân 60 triệu đồng/ha thì tổng giá trị thu về không dưới 12 tỷ đồng. Nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, những năm gần đây nông dân nhiều nơi của xã cũng đã cải tạo 254 khu vườn để đầu tư trồng cây ăn quả, chủ yếu là bưởi da xanh, mít... Bình quân mỗi mô hình kinh tế vườn mang lại thu nhập 40 - 50 triệu đồng/năm, riêng 20 khu vườn mẫu thu về hơn 100 triệu đồng/mô hình/năm.
Những năm qua Bình Sơn cũng phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò, gà với quy mô vừa và lớn. Toàn xã hiện có khoảng 100 mô hình nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo (số lượng từ 5 con trở lên) và khoảng 25 - 30 mô hình nuôi gà thịt, gà đẻ trứng (số lượng 200 - 1.000 con/mô hình). Hằng năm, bình quân mỗi mô hình cho người dân mức thu nhập 75 - 150 triệu đồng...