Vòng chung kết U23 châu Á 2018 đã trôi qua hơn 1 tuần, song có lẽ người hâm mộ bóng đá trên cả nước vẫn còn những cảm giác ngất ngây với thành tích “trên cả tuyệt vời” của các chàng trai đội tuyển U23 Việt Nam. Với chiến tích trở thành một trong hai đội trên đỉnh của bóng đá châu lục, trong khi các cầu thủ vẫn còn được săn đón, tán dương thì người hâm mộ nước nhà có nếm trải hương vị ngọt ngào chiến thắng dài hơn một chút cũng là điều dễ hiểu. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng tàn, kỳ tích nào rồi cũng qua đi vì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Đã đến lúc chúng ta cần sự bình tâm, nhất là những người trong cuộc, để sớm “trở lại mặt đất”, hướng đến những kế hoạch mới trong tương lai.
Cầu thủ xuất sắc tại vòng chung kết U23 châu Á Quang Hải (bên phải) cũng cần sớm “trở lại mặt đất” để phát triển chuyên môn trong màu áo Hà Nội tại V-League sắp tới. |
Với những gì đã thể hiện trên đất Trung Quốc vừa qua, không thể có mỹ từ nào đẹp hơn khi bảo rằng đó là “kỳ diệu”. Bởi lẽ, cũng những gương mặt ấy, vậy mà ở SEA Games thi đấu bạc nhược song tại đấu trường châu Á chỉ sau thời gian rất ngắn lại thể hiện khí thế và bản lĩnh khó tin. Rất đỗi tự hào với danh hiệu á quân châu Á nhưng cũng cần bình tĩnh trước những tung hô “có cánh”. Bóng đá Việt Nam đã nâng tầm châu lục, vượt lên đẳng cấp mới chưa? Câu trả lời chắc chắn là chưa. Thực tế các cầu thủ chúng ta vẫn còn kém đội bạn về thể hình, thể lực, khả năng tranh chấp bóng. Nhiều người đùa vui “chúng ta chạy 3 bước chân mới bằng đối thủ chạy 2 bước” nói lên sự chênh lệch về tầm vóc giữa các chàng trai Việt với các nước. Trước cả 6 đối thủ tại vòng chung kết, thầy trò HLV Park Hang Seo đều lựa chọn đấu pháp phòng ngự phản công với tỷ lệ kiểm soát bóng của chúng ta khá thấp so với đội bạn.
Giành huy chương bạc châu Á là thành tích tuyệt vời nhưng U23 Việt Nam vẫn còn nhiều thứ chưa hoàn thiện. Nhìn lại mình, nhận ra điểm yếu để cải thiện là yêu cầu không thể khác được đối với bất cứ đội bóng nào, dẫu cho vừa lên đỉnh vinh quang. Nếu không sẽ rơi vào “vết xe đổ” như đã từng gặp phải. Đội tuyển Việt Nam từng vô địch AFF Cup năm 2008 và lúc đó nhiều người kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, 10 năm trôi qua, chúng ta vẫn ngụp lặn trong “bóng đá vùng trũng” và chưa lần nào được đứng lên bục cao nhất ở AFF Cup hay SEA Games. Nhìn rộng ra một chút, Đan Mạch từng vô địch châu Âu năm 1998 hay Hy Lạp vô địch châu Âu năm 2004 nhưng ngay sau đó cũng như cho đến thời điểm hiện nay, họ vẫn là đội bóng “hạng hai” của châu lục này. Trong bóng đá, phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi.
Năm 2018 này sẽ còn 2 giải đấu quan trọng của bóng đá Việt Nam là Asiad và AFF Cup. Với thành tích vừa đạt được, chắc chắn U23 Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn tại đấu trường Asiad sắp tới (diễn ra vào tháng 8) khi các đối thủ sẽ “để mắt” đến chúng ta nhiều hơn và đây cũng là cơ hội để thầy trò Park Hang Seo lần nữa khẳng định mình. Nhưng giải đấu được xem là danh giá nhất đối với bóng đá Việt Nam và được chờ đợi nhiều nhất chính là AFF Cup (diễn ra vào cuối năm 2018) của đội tuyển quốc gia, trong đó nhiều cầu thủ U23 sẽ là trụ cột. Trở về với sân chơi khu vực Đông Nam Á, chắc chắn chúng ta sẽ phải thể hiện cách khác, với tâm thế hoàn toàn khác. Nếu lặp lại thành tích vô địch như cách đây đúng 10 năm, điều đó mới thể hiện đẳng cấp thật sự của bóng đá Việt Nam chứ không phải là phong độ nhất thời.
AN NHI