Từ quá khứ đến hiện tại, từ kháng chiến đến xây dựng, Đảng bộ và nhân dân xã Bình Triều (Thăng Bình) luôn đạt được những thành tích lớn.
Quá khứ hào hùng
Năm 1946, Chi bộ Đảng đầu tiên ở xã Bình Triều (Thăng Bình) được thành lập và lấy tên là Đimitơrốp do đồng chí Hồ Trượng làm Bí thư. Sau khi ra đời, chi bộ đã lãnh đạo phong trào cách mạng xã Phước Thăng (nay là Bình Triều) và các xã lân cận trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chi bộ Đảng và nhân dân xã Bình Triều phải trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ. Những năm 1954 - 1959 là thời kỳ Mỹ - Diệm thực hiện chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” tàn bạo, điển hình là vụ thảm sát cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được đã khiến cho phong trào cách mạng của xã chịu tổn thất nặng nề.
Người dân Bình Triều trồng hoa phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: N.Q.V |
Vượt qua khó khăn gian khổ, đảng viên và nhân dân đã bền bỉ trụ bám, giữ gìn lực lượng. Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí cách mạng quật cường của các thế hệ đảng viên và người dân trong xã luôn đồng tâm hiệp lực chống lại kẻ thù. Tổ chức đảng, đội công tác, đảng viên dựa vào dân, lấy dân làm gốc để phát triển lực lượng, xây dựng phong trào cách mạng ngày càng vững mạnh. Đỉnh cao là chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Đảng bộ, nhân dân xã Bình Triều đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 72 của tỉnh và bộ đội huyện giải phóng quê hương vào ngày 23.3.1975.
Bà Võ Thị Ngọc Ánh - Bí thư Đảng ủy xã Bình Triều cho rằng, năm tháng qua đi, nhưng cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được, vụ thảm sát Phước Châu, thảm sát Hộc Bom, cồn Bá Loan của xã mãi mãi đi vào sử sách. Những trang oanh liệt đấu tranh của xã đã làm giàu thêm truyền thống cách mạng của địa phương. Những công lao to lớn, thành tích kháng chiến cứu nước của xã đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, phong tặng và truy tặng nhiều danh hiệu cao quý cho các tập thể và cá nhân anh hùng. Quân dân Bình Triều đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 2 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu này. Toàn xã có 690 liệt sĩ, 92 thương binh, bệnh binh, 132 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1 nghìn gia đình có công với cách mạng. Đó là biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân xã Bình Triều.
Chung tay xây dựng
Sau ngày thống nhất đất nước, xã Bình Triều cũng như các địa phương khác của huyện Thăng Bình gánh chịu hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Cả xã có hơn 1/2 diện tích đồng hoang, bom mìn đầy rẫy, đời sống người dân thiếu thốn trăm bề. Trước thực tế đó, Chi bộ Đảng đã lãnh đạo nhân dân Bình Triều khai hoang vỡ hóa, xây dựng cuộc sống mới, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước ổn định đời sống. Hàng trăm hộ dân từ những khu dồn, ấp chiến lược trở về làng cũ để sản xuất, làm ăn sinh sống. Tiến hành chủ trương khai hoang, phục hóa, tháo gỡ bom mìn, toàn xã khai hoang được khoảng 100ha đất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất. Phong trào học bổ túc văn hóa cũng ngày càng rộng khắp, việc thực hiện chính sách đối với người có công với nước được kịp thời; giúp những gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng ổn định cuộc sống. Về công tác xây dựng Đảng, đến tháng 10.1978, thực hiện chỉ thị của Huyện ủy Thăng Bình về củng cố các tổ chức cơ sở đảng, Chi bộ Đảng xã Bình Triều được nâng lên thành Đảng bộ xã Bình Triều với 30 đảng viên.
Tiến tới kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng quê hương, 31 năm đổi mới là chặng đường vinh quang của xã Bình Triều. Kế thừa truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong lao động, Đảng bộ, quân và dân Bình Triều đã có nhiều nỗ lực, đạt thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Quê hương Bình Triều ngày một giàu đẹp hơn. Cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, văn hóa và dân sinh được quan tâm đầu tư làm cho bộ mặt nông thôn có những chuyển biến rõ nét. Những ruộng vườn bị bom mìn cày xới, hoang hóa năm xưa bây giờ đã hồi sinh, vươn tỏa thành những vườn rau, những cánh đồng lúa bất tận.
Năm 2016 vừa được tổng kết, các chỉ tiêu phát triển của xã đều đạt kế hoạch đề ra. Kinh tế tiếp tục có bước phát triển khá, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 7,92%. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Bình Triều cũng là xã duy nhất của tỉnh có 2 di tích cấp quốc gia là Di tích lịch sử cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được và di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được. Công tác xây dựng Đảng được Bình Triều rất chú trọng, Đảng bộ xã hiện có 202 đảng viên, nhiều năm liền được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Đặc biệt 2 năm liền 2015 - 2016, Đảng bộ xã Bình Triều được Huyện ủy Thăng Bình khen thưởng là một trong số 4 đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu trong tổng số 22 đảng bộ xã, thị trấn trong toàn huyện. Bà Võ Thị Ngọc Ánh cho biết, thời gian đến, Đảng bộ xã Bình Triều sẽ đoàn kết, phát huy những ưu điểm, nỗ lực thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XV, nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 đã đề ra.
NGUYỄN QUANG VIỆT