Bờ Biển Ngà: Nỗ lực chấm dứt lao động trẻ em

QUỐC HƯNG 30/03/2016 10:38

Tình trạng lao động trẻ em tại Bờ Biển Ngà gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.

Hiện nay 70% sản lượng ca cao trên toàn thế giới được sản xuất tại khu vực Tây Phi, trong đó tập trung phần lớn tại đất nước Bờ Biển Ngà. Nếu như cả khu vực Tây Phi có khoảng 2,1 triệu lao động trẻ em (từ 5 đến 15 tuổi) thì chỉ riêng ở Bờ Biển Ngà chiếm hơn 1,3 triệu, và hơn 50% số lao động trẻ em ở đây không được đến trường. Mặc dù các chủ đồn điền, công ty khai thác ca cao buộc phải thực hiện cam kết với chính phủ Bờ Biển Ngà không được phép khai thác lao động trẻ em, song thực trạng báo động này không được cải thiện.

Một lao động trẻ em trong ngành sản xuất ca cao tại Bờ Biển Ngà. (Ảnh: Fortune)
Một lao động trẻ em trong ngành sản xuất ca cao tại Bờ Biển Ngà. (Ảnh: Fortune)

Từ năm 2007, chương trình Sáng kiến ca cao quốc tế (ICI) xây dựng nhiều trường học để vận động trẻ em trong độ tuổi đi học được đến lớp. Đáng chú ý, ICI  đã nhận được sự hỗ trợ tài chính chủ yếu từ các công ty khai thác và chế biến thành phẩm sô-cô-la trên thế giới. Thế nhưng, đại diện ICI tại Tây Phi - Euphrasie Aka thừa nhận: “Tình trạng lao động trẻ em vẫn diễn ra phổ biến tại Tây Phi nói chung và đặc biệt nghiêm trọng tại Bờ Biển Ngà. Đó là hậu quả từ việc thiếu thông tin, thiếu nhận thức về các vấn đề liên quan đến công việc khai thác ca cao vô cùng nặng nhọc và nguy hiểm. Rồi nghèo đói, thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu vực nông thôn”. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các nước láng giềng bị dụ dỗ, buôn bán bất hợp pháp để trở thành lao động tại các đồn điền ca cao ở Bờ Biển Ngà. Vào tháng 6.2015, Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) đã giải thoát hàng chục lao động trẻ em tại Bờ Biển Ngà là nạn nhân đường dây tội phạm buôn bán người.

Việc chấm dứt lao động trẻ em là điều kiện để thương hiệu ca cao của Bờ Biển Ngà được chứng nhận trên thị trường quốc tế, khi đó mặt hàng ca cao sẽ được bán với giá cao hơn. Chính phủ Bờ Biển Ngà đang nỗ lực triển khai chiến dịch chấm dứt lao động trẻ em và nhận được sự hưởng ứng tích cực. Nhiều đồn điền ca cao như tại ngôi làng nhỏ Bonikro ủng hộ chiến dịch chấm dứt lao động trẻ em khi quyết định không thuê lao động trẻ em như trước. Một chủ đồn điền ở đây cho biết, các chủ đồn điền trong làng nhận thức rất sâu sắc về hệ lụy sử dụng lao động trẻ em gây ra tổn thương cả thể xác và tinh thần cho các em, đánh mất tương lai khi các em không được đến trường, gây bất ổn xã hội và cản trở đến quá trình phát triển kinh tế đất nước. Việc sử dụng lao động trẻ em được xem như hình thức bóc lột sức lao động, biến các em trở thành những nô lệ của ca cao. Hay như tại lối ra vào tại khu hợp tác xã Coopadef của thị trấn Gagnoa, một dấu chéo lớn được đặt trên hình một đứa trẻ trên tay cầm công cụ lao động tại cánh đồng ca cao và có khẩu hiệu: “Trẻ em dưới 15 tuổi nên đi học thay vì phải lao động trên các đồn điền”. Nhờ vào nỗ lực chấm dứt lao động trẻ em, sản phẩm của Coopadef được chứng nhận bởi Hội chợ Thương mại quốc tế từ 5 năm qua. Chính phủ Bờ Biển Ngà cho biết sẽ nỗ lực giảm 70% số lao động trẻ em hiện nay trong vòng 4 năm tới.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bờ Biển Ngà: Nỗ lực chấm dứt lao động trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO