Ở thôn 3 xã Phước Năng (huyện Phước Sơn), khi hỏi về già làng Hồ Văn Rim (70 tuổi), người dân kể ngay đến chuyện ông nhiệt tình giúp đỡ 12 hộ dân chậm tiến vươn lên phát triển kinh tế, hay vận động bà con mở đường vào khu sản xuất ở hồ Nước Zút để tạo ra sinh kế bền vững... Và, họ không quên nói đến bộ cồng chiêng ông đang cất giữ như một báu vật của người Bhnoong nơi đây. Tìm gặp già Rim, chúng tôi nhắc đến bộ cồng chiêng, ông cho biết, hơn 30 năm nay giữ lại bộ cồng chiêng để biểu diễn vào dịp lễ hội, ngày tết chứ quyết không bán dù nhiều người đến ngỏ giá. “Sau ngày đất nước giải phóng, trong một lần lên Gia Lai, thăm làng người dân tộc Gia Rai (J’rai) ngồi uống rượu ở nhà sàn tôi thấy họ tung chiêng với những điệu múa đẹp mắt để đãi khách. Lúc đó tôi cảm thấy ưng cái bụng lắm, bởi bộ cồng chiêng đẹp, trong khi dân làng mình chưa có. Tôi dạm lời và họ đồng ý đổi bộ cồng chiêng với giá 2 con trâu. Sau về hỏi gia đình và được đồng thuận, tôi đã đem trâu đến mang bộ nhạc cụ này về” - ông Rim chia sẻ.
Già Hồ Văn Rim hướng dẫn cho con cháu cách đánh cồng chiêng. ẢNH: D.THÁI |
Bộ cồng chiêng của già Rim gồm 12 chiếc, cái lớn nhất khoảng hơn 2 gang tay. Khi đưa về nhà, ông đã mời những người giỏi đánh chiêng và phụ nữ sành các điệu nhảy về làng để dạy cho con cháu. Thế là hằng ngày, bà con sáng lên núi làm rẫy, chiều tụ về nhà già Rim luyện tập múa cồng chiêng, ca hát. Việc tập luyện càng tập trung vào lớp trẻ con và đám thanh niên. Dân làng còn góp tiền mổ heo, chung đấu gạo đưa đến nhà ông để đãi khách. Già Rim nói: “Khoảng thời gian đó dân làng chúng tôi được sống cùng điệu nhạc, ánh lửa, khơi dậy sự gắn bó, đùm bọc giữa những người con ở núi rừng. Và tôi đã thấy được hiệu quả mà bộ cồng chiêng mang lại. Một tuần trôi qua, khi đoàn khách phương xa ra về cũng là lúc người trong làng đã biết cách sử dụng nhạc cụ”.
Năm 1981, ông Hồ Văn Rim đứng ra thành lập đội biểu diễn cồng chiêng thường xuyên trình diễn ở làng và xã. Từ đó mọi người có ý thức và đam mê hơn. Đến nay đội vẫn duy trì và phát triển với nhiều thành viên trẻ. Chị Hồ Thị Cấy (con dâu ông Rim) cho biết, hiện nay đội có 7 người đánh cồng chiêng và 10 người trong tốp múa. “Chúng tôi không chỉ biểu diễn ở trong địa bàn huyện vào các dịp lễ, hội mà còn được cử đi lưu diễn ở các huyện miền núi của tỉnh, mới đây nhất là lễ hội Văn hóa - thể thao các huyện miền núi Quảng Nam ở Bắc Trà My, được mọi người đánh giá cao. Được cha truyền lại bộ cồng chiêng, tôi sẽ giữ gìn cẩn thận và cùng các thành viên nỗ lực tập luyện. Tôi cũng đã mở một số lớp dạy múa để truyền lại nét đẹp này cho thế hệ sau” - chị Cấy nói.
Ông Phạm Phú Vinh - Trưởng phòng VH-TT huyện Phước Sơn cho biết, hiện nay Phước Sơn vẫn còn nhiều bộ cồng chiêng nằm rải rác ở các xã vùng cao như Phước Thành, Phước Lộc nhưng hầu hết đều bị thiếu và đang mất dần. “Để phát huy hơn nữa giá trị văn hóa bộ cồng chiêng của già Rim, huyện Phước Sơn đã đầu tư mua sắm trang phục cho đội biểu diễn, thường xuyên tổ chức tập luyện và đưa đi lưu diễn trong các lễ hội lớn. Với những thành tích nổi bật, đội biểu diễn cồng chiêng đã nhận được nhiều giấy khen của huyện, tỉnh trao tặng”.
DUY THÁI