Bỏ giải

ANH SẮC 17/12/2016 07:46

Ban tổ chức giải hạng nhất quốc gia 2017 đang đau đầu với việc nhiều đội bóng tuyên bố không tham gia giải. Kế hoạch 10 đội, nay mùa giải mới sẽ chỉ còn lại 7 đội và nguy cơ xáo trộn lịch thi đấu cũng như nảy sinh nhiều vấn đề liên quan phức tạp khác.

Đồng Nai từng nhiều năm thi đấu tại V-League nhưng nay không có kinh phí để tham gia giải hạng nhất 2017.  TRONG ẢNH: trận Đồng Nai làm khách của QNK Quảng Nam mùa giải 2014. Ảnh: A.SẮC
Đồng Nai từng nhiều năm thi đấu tại V-League nhưng nay không có kinh phí để tham gia giải hạng nhất 2017. TRONG ẢNH: trận Đồng Nai làm khách của QNK Quảng Nam mùa giải 2014. Ảnh: A.SẮC

Vấn đề gây “đau đầu” nhất của bóng đá Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi Phú Yên là cái tên mới nhất gia nhập “đội hình” các đội hạng nhất bỏ giải năm 2017. Lấy lý do không đủ điều kiện về nguồn kinh phí, đội bóng miền Trung đã tuyên bố rút lui khỏi mùa giải mới. Còn nhớ ở mùa giải hạng nhất năm 2016, Phú Yên dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Đình Hưng thi đấu đầy nỗ lực và thành công trong việc giành quyền trụ hạng. Tuy nhiên, họ lại “đầu hàng” trước yếu tố ngoài chuyên môn. Như vậy chỉ sau 2 mùa lên chơi ở giải hạng nhất, bóng đá Phú Yên lại trở về với vạch xuất phát trong sự tiếc nuối của người hâm mộ.

Phú Yên là đội bóng thứ 3 tuyên bố dừng cuộc chơi sau PVF và Đồng Nai. Trước đó, cũng với lý do tương tự, đội bóng Đồng Nai quyết định không tham gia giải hạng nhất năm 2017. So với Phú Yên, đội bóng vùng Đông Nam bộ có truyền thống hơn hẳn. Từng có 7 mùa giải chơi ở giải hạng nhất trước khi thăng hạng V-League vào năm 2012. Tuy nhiên, sau 3 mùa giải thi đấu ở đấu trường cao nhất cả nước, đặc biệt sau sự cố một số cầu thủ bán độ và rơi vào vòng lao lý ở mùa giải 2014, sau đó Đồng Nai bị rớt hạng. Mùa giải năm 2016 vừa qua, dù rất cố gắng để trở lại “mái nhà xưa” song bất thành khi chỉ xếp vị trí thứ 4. Không bỏ giải khi có đến 6 cầu thủ trụ cột bị bắt năm 2014 nhưng Đồng Nai lại bất lực trước bài toán kinh phí vào năm 2017.

Khi mà cuộc chơi chưa bắt đầu đã có chuyện rã đám - một dấu hiệu cho thấy giải hạng nhất năm tới sẽ kém hấp dẫn rất nhiều khi mà có đến 3 đội chia tay. Mà đâu chỉ năm nay mới xảy ra hiện tượng này. Lịch sử bóng đá Việt Nam từng phải chứng kiến không ít đội bóng dừng cuộc chơi, có khi trước mùa giải như Kienlongbank Kiên Giang, Hùng Vương An Giang, Sài Gòn Xuân Thành, cũng có khi bỏ ngang giải đang diễn ra như trường hợp Ninh Bình... Đến nay, bỏ giải không còn là câu chuyện mới. Đây rõ ràng là một sự thật đáng buồn nhưng lại hiển nhiên tồn tại trên sân cỏ nước nhà.

Việc các đội bóng không tham gia giải là hệ quả của một nền bóng đá thiếu chuyên nghiệp, mất ổn định nghiêm trọng, không chỉ ở nguồn tài chính mà còn nhiều vấn đề khác. Người ta không hiểu lý do gì khiến cho PVF (Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam) bỏ giải hạng nhất năm 2017 ngay sau khi vừa giành quyền thăng hạng? Nếu không có tham vọng dự hạng nhất hay V-League thì đừng tham gia sân chơi hạng nhì bởi sẽ dễ dẫn đến tiêu cực như cho điểm các đội bóng có nhu cầu hoặc ngăn cản mục tiêu chơi ở giải đấu cao hơn của những đội khác. Còn vấn đề tài chính kể từ khi bóng đá Việt Nam chuyển sang mô hình chuyên nghiệp chưa bao giờ hết “nóng” và đây cũng là lý do chính khiến cho nhiều đội bóng từ bỏ cuộc chơi. Cách doanh nghiệp đến với bóng đá dễ dãi bao nhiêu thì việc họ ra đi cũng dễ dàng bấy nhiêu. Trước đây một ông chủ nào đó trong một ngày không còn hứng thú nữa tuyên bố bỏ bóng đá thì lập tức đội bóng bị giải thể còn hiện nay câu lạc bộ không tìm được doanh nghiệp tài trợ đủ mạnh thì bỏ giải.

Hiệu ứng bỏ giải chưa có điểm dừng trong mấy năm qua, song có vẻ như các cơ quan quản lý bóng đá nước nhà vẫn chưa có giải pháp khắc phục một cách căn cơ. Bởi vậy, cứ đến mỗi mùa giải mới thì Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng như những người yêu chuộng bóng đá lại thấp thỏm không biết có đội nào từ bỏ cuộc chơi nữa không.

ANH SẮC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bỏ giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO