Đôi khi bạn cũng thử hỏi: Ai đã “cho” con lạc đà chui qua lỗ kim, vì sao sông Tương lại nông sờ và món rau tảo rau tần vì sao biến mất?
Mất dấu… người giàu
Đang mùa dịch bệnh Covid-19, thế giới chộn rộn với các kiểu ứng phó, đôi khi trỗi dậy cảm xúc tương liên ấm áp nếu đọc đâu đó tin về những người giàu có mang của cải ra giúp đỡ cộng đồng. Như Jack Dorsey - CEO của Twitter và Square, công bố góp 1 tỷ USD (tương đương 28% tài sản) vào quỹ chống Covid-19. Quỹ Bill & Melinda Gates đóng góp 100 triệu USD chế tạo thuốc đặc trị. Jeff Bezos - ông chủ Amazon, cũng chi 100 triệu USD cho ngân hàng lương thực Mỹ…
Ở Việt Nam, nhiều người giàu có cũng biết cách chia sẻ, trong đó có các ông chủ tập đoàn lớn và giới văn nghệ sĩ. Họ minh họa phong phú cho câu chuyện bố thí của người giàu và khiến tôi nhớ lại những dụ ngôn từng được nhắc trong Kinh Thánh.
Đọc Tân ước, ở sách phúc âm theo thánh Ma-thi-ơ (Mátthêu), có đoạn Chúa răn dạy người tuổi trẻ giàu có và các môn đồ. Khi người trẻ tuổi ấy đến hỏi phải làm những việc lành gì để được sự sống đời đời, Chúa nhắc lại những điều răn và phán thêm: “Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho cho kẻ nghèo nàn, thì ngươi sẽ có của quý ở trên trời; rồi hãy đến mà theo ta”. Nhưng người trẻ tuổi ấy buồn bực bỏ đi… Chúa bèn phán cùng các môn đồ “người giàu vào nước thiên đàng là khó lắm” và rằng: “Ta lại nói cùng các ngươi, lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Đức Chúa Trời”.
Đoạn này chép theo sách Kinh thánh Cựu ước và Tân ước (NXB Tôn giáo 2003). Các ấn phẩm khác có chỉnh sửa vài chữ khi dịch thuật (nước Đức Chúa Trời/thiên đàng, người trẻ tuổi giàu có/một thanh niên giàu có gặp Chúa Giê-su…), như trong Kinh thánh Tân ước của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội - 1989. Riêng Tân ước do Tòa Tổng giám mục TP.Hồ Chí Minh ấn hành năm 1997 thì tách tiểu mục đó thành 2 (Người thanh niên có nhiều của cải/ Người giàu có khó vào Nước Trời)… Nhưng về cơ bản, câu chuyện được diễn đạt đầy đủ với thí dụ sinh động: Lạc đà chui qua lỗ kim.
Dẫn lại những chi tiết cụ thể ấy để thấy, theo thời gian, lối tỉ dụ này được sử dụng khác đi và linh hoạt. Lâu nay, chỉ nghe nhắc cụm “lạc đà chui lỗ kim” để nói về sự phi lý trong đời sống thường nhật. Nhưng hãy nhớ lại đoạn vừa dẫn trong Tân ước, sự phi lý ấy (lạc đà/lỗ kim) được dùng để làm thí dụ và tương quan cho một sự bất khả lớn hơn: Người giàu có (nhưng không chịu bố thí) vào nước thiên đàng!
Xem như “người trẻ tuổi giàu có” đã mất dấu.
“Sông Tương một dải nông sờ”
Hình ảnh ước lệ từ con sông Tương tận bên Hồ Nam (Trung Quốc) với hình ảnh ước lệ về chia cắt đã “ám” cả mấy trăm năm trong tác phẩm thơ văn cổ điển Việt Nam. Ngay trong tuyệt tác Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du cũng viện dẫn “sông Tương” ở câu 365 - 366: “Sông Tương một dải nông sờ/ Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia”. Từ điển Truyện Kiều của học giả Đào Duy Anh, mục “Sông”, ghi nhận 20 chữ liên quan và đương nhiên không thể thiếu “sông Tương”. Báo Quảng Nam hồi tháng 3.2020 cũng từng nhắc đến sông Tương trong một bài viết và đề cập ít nhiều về bài thơ “Trường tương tư” với 4 câu quen thuộc: “Quân tại Tương giang đầu/ Thiếp tại Tương giang vỹ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương giang thủy”.
Tôi nói “đề cập ít nhiều”, vì ai đọc “Tình sử” (Phùng Mộng Long, NXB Phụ nữ - 2003) đều biết câu chuyện của đôi trai gái Lý Sinh - Lương Ý Nương có nhiều tình tiết thú vị khác nữa. Chuyện này chép ngay trong tập 1, gồm các mẩu về Tình trinh, Tình duyên, Tình tư, Tình hiệp, Tình hào, Tình ái. Đặc biệt, bài ca do Lương Ý Nương viết gửi tình quân dài đến 28 câu, có phần đầu và phần kết là 2 khổ thất ngôn tứ tuyệt, còn lại thơ ngũ ngôn. Đoạn ngũ ngôn mà nhiều người lâu nay trích dẫn nằm ở giữa cuối bài.
Khi chú giải Truyện Kiều, khi đến 2 câu 365 - 366 vừa dẫn, nhiều tác giả chỉ dẫn 4 câu ngũ ngôn vừa nhắc và ghi xuất xứ ngắn gọn: “Tình sử”. Thực ra, ngắn gọn vậy sẽ khó diễn đạt hết ý. Nàng Lương Ý Nương đời Hậu Chu ở Tiêu Tương tư thông với Lý Sinh, một người họ hàng (con cô con cậu), vào một đêm trung thu. Rồi chuyện bại lộ, Lý Sinh bị đuổi đi, đôi trai gái cách biệt 3 năm. Một ngày thu, Ý Nương đã gửi bài ca dài, Lý Sinh nhận được đau buồn nghẹn ngào bèn nhờ người tìm cách thưa gửi với cha của Ý Nương. Thế rồi cuối cùng cả hai vẫn toại nguyện…
Chuyện đáng nhắc ở đây, và cũng là duyên cớ để cụ Tiên Điền Nguyễn Du buông chữ “nông sờ”: có một ý thơ đã bị che khuất hoặc không nhiều người nhắc đến. Ngay trước khi đến đoạn 4 câu ngũ ngôn quen thuộc (Quân tại Tương giang đầu…), cũng có 4 câu khác hay không kém. Thơ rằng:
Nhân đạo Tương giang thâm,
Vị để tương tư bán.
Giang thâm chung hữu để,
Tương tư vô biên ngạn”
(Vũ Ngọc Khách dịch thơ: "Người bảo sông Tương sâu/ Tương tư sâu gấp bội/ Sông sâu còn có đáy/ Tương tư chẳng bến bờ").
Nếu đôi trai gái chịu cảnh chia cách, nỗi nhớ vẫn có thể “đo đếm” qua hình ảnh đầu sông cuối sông. Nhưng diễn tả nỗi nhớ chất ngất, đáy sông cũng trở nên “nông sờ” so với trường tương tư, thì quả thật niềm tâm sự đã trở nên mênh mông không giới hạn…
Lâu nay, hai chữ “tảo tần” như mặc định cho trường ngữ nghĩa chỉ người phụ nữ vất vả, lo toan việc nhà trong cảnh sống khó khăn… Nhưng đọc trong sách “Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ” của Viện Ngôn ngữ học (NXB VHSG - 2005, tái bản lần thứ 4), mới thấy "tảo”, “tần” có dấu vết từ những câu thơ chữ Hán cổ mang nghĩa “Đi hái rau tần, bên bờ khe phía nam; đi hái rau tảo, bên lạch nước kia”. Tảo, tần là hai loại rau mọc dưới nước và ven bờ khe suối; được người vợ hiền dâu thảo chăm đi hái mang về làm cỗ cúng tổ tiên. Tảo, tần vừa nhắc, là hình ảnh trích từ bài thơ "Thái tần" trong Kinh thi.
Thế rồi, “tảo tần” dần dà được hiểu rộng hơn, chỉ đức tính đảm đang việc nhà của người phụ nữ. Không mấy ai nhớ đến những cọng rau bình dị ấy nữa. Cũng như người đời ít nhắc đến “người trẻ tuổi giàu có” trong cụm lạc đà chui lỗ kim. Như con sông Tương nông sờ… Người ta đã bỏ hình để bắt bóng.
Thế đấy, có những câu chữ dùng riết thành quen. Nếu chịu khó truy tìm gốc gác, sẽ bắt gặp thêm nhiều câu chuyện thú vị khác.