Bỏ hoang nhà truyền thống - Bài 1: Cửa đóng then cài

SONG ANH BÀI 2: Khoảng trống quản lý, đầu tư 20/04/2015 08:22

Sau vài bận mở cửa hội họp, nhà truyền thống ở một số làng nghề như đúc đồng Phước Kiều (Điện Phương, Điện Bàn), Trung tâm tre - dừa nước Cẩm Thanh, nhà truyền thống mộc Kim Bồng… cửa đóng then cài và đang xuống cấp.

Ngậm ngùi…

Dẫn chúng tôi vào khu nhà truyền thống làng nghề, rộng hơn 1.000m2, tọa lạc ngay sát quốc lộ 1 - khu đất được cho là đẹp nhất vùng, ông Dương Ngọc Sang (nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều) phải đi bằng cổng sau. Cổng trước, ông Nguyễn Nhì - ở phía đối diện, đang giữ chìa khóa. Một căn nhà trưng bày được xây dựng khá bề thế, bên trong là những chiếc tủ dùng để trưng bày sản phẩm làng nghề, đều đã bị mối mọt gặm nhấm. Phía sân sau, một khu sản xuất được trang bị với lò nung, khu vực thẩm âm cho chiêng… Năm 2003, nhà truyền thống Phước Kiều được xây mới trên nền đất trụ sở Hợp tác xã Nhôm đồng cũ. Khi ấy, ai cũng hoan hỉ về một tương lai của làng nghề. Đồng thời xây dựng nhà truyền thống, UBND huyện Điện Bàn khi ấy đầu tư xây dựng lại nhà thờ tổ của làng và 2.000m đường bê tông dẫn vào làng.

Nhà trưng bày làng nghề đúc đồng Phước Kiều quanh năm cửa đóng then cài. Ảnh: SONG ANH
Nhà trưng bày làng nghề đúc đồng Phước Kiều quanh năm cửa đóng then cài. Ảnh: SONG ANH

Nghệ nhân Dương Ngọc Sang nói, thỉnh thoảng ông vẫn sử dụng khu vực này để “chữa bệnh” cho chiêng. Còn lại, năm 2011, ông Dương Ngọc Tiển “xin” được đưa sản phẩm vào trưng bày tại nhà truyền thống. Nhưng sau một thời gian, sản phẩm phủ bụi, không thể bán được, lỗ vốn, ông Tiển xin rút thì người dân cũng chẳng còn mặn mà với nơi này. Đầu tư với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, theo lời người dân Phước Kiều, “cả khu nhà truyền thống, nếu nói đúng ra, vẫn chưa hoạt động được mấy ngày”. “Không trách ai được, thời cuộc nó đã vậy. Hồi còn Hợp tác xã Nhôm đồng Phước Kiều, cũng đóng tại đây (khu nhà truyền thống hiện nay - NV) thì rộn ràng, quy tụ trên 50 người của hơn 20 gia đình về đây sản xuất. Nhưng hồi đó là kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể. Bây giờ làm tư, ra riêng mới có ăn, kinh tế thị trường mà biểu chúng tôi quay lại đây làm chung thì ai chịu” - nghệ nhân Dương Ngọc Sang nói. Đây cũng được coi là nguyên nhân sau tròn 10 năm đưa vào hoạt động, nhà truyền thống làng nghề đúc đồng Phước Kiều vẫn ở trong tình trạng vắng vẻ, đìu hiu… Sản phẩm của Phước Kiều không thể trưng bày tại nhà truyền thống. “Bây giờ cô đi dọc quốc lộ đoạn từ Nam Phước chạy ra đến Vĩnh Điện, thấy cửa hàng đồ đồng Phước Kiều đầy rẫy. Nhưng không ai dám chắc trong đó có bao nhiêu sản phẩm làm tại Phước Kiều”-  nghệ nhân Dương Ngọc Sang nói thêm. Phước Kiều chỉ làm những sản phẩm đồng đúc thủ công, như chiêng, thanh la... Đa số sản phẩm trưng bày ở các cửa hàng đồ đồng mang danh Phước Kiều được nhập về từ Huế, TP.Hồ Chí Minh… Những người còn làm nghề như ông Dương Nhi, Dương Ngọc Sang, Dương Ngọc Tiển… thì chỉ còn làm theo đơn đặt hàng. “Muốn bày biện cho đường hoàng sản phẩm của Phước Kiều thì phải tốn đến gần cả tỷ đồng. Người làm nghề như chúng tôi đây không thể để tiền của, công sức mình chết gí một chỗ. Bây giờ ai đặt hàng thì tôi làm, không làm tràn lan như hồi trước” - ông Sang nói.

Bế tắc…

Dự án “treo”
Năm 2009, UBND huyện Điện Bàn khi ấy công bố quy hoạch cụm làng nghề tiểu thủ công nghiệp – thủ công mỹ nghệ Đông Khương trên diện tích hơn 7.200ha, đặt tại xã Điện Phương, trong đó làng đúc đồng Phước Kiều được hy vọng sẽ phục hưng. Việc phát triển cụm làng nghề tiểu thủ công nghiệp - thủ công mỹ nghệ Đông Khương gắn kết với việc phát triển nơi đây thành điểm tham quan du lịch theo lộ trình trên con đường di sản Hội An - Mỹ Sơn. Khi ấy, nhà truyền thống làng nghề đúc đồng Phước Kiều đóng vai trò là điểm dừng chân, giới thiệu sản phẩm, thông tin làng nghề. Tuy nhiên, gần 6 năm trôi qua, mọi động thái đều chưa tác động đến làng nghề này. Thậm chí người trong làng còn truyền nhau thông tin, nhà truyền thống làng nghề sẽ đổi tên thành khu làng nghề thủ công mỹ nghệ Đông Khương, và làng đúc đồng Phước Kiều chỉ là một trong những “gian hàng” được bày biện tại cụm làng nghề. Một số hộ dân của làng nhìn thấy sự lãng phí ở khu nhà truyền thống, ngỏ ý xin chính quyền địa phương được vào sản xuất tại khu sân sau nhưng không được chấp nhận.(LÊ QUÂN)

Ngay ở nơi mạnh về phát triển du lịch như Hội An, các nhà truyền thống làng nghề cũng ngậm ngùi đứng ngoài vòng xoáy phát triển du lịch của địa phương. Trung tâm làng nghề tre – dừa nước Cẩm Thanh bắt đầu xây dựng đầu năm 2010 và khánh thành năm 2011. Gần 4 năm đi qua, trung tâm này vẫn chưa đi vào hoạt động. Trong khi đó, mọi cơ sở vật chất đã bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng. Cũng như nhà truyền thống làng nghề đúc đồng Phước Kiều tại Điện Bàn, mục đích đầu tư Trung tâm làng nghề tre – dừa nước Cẩm Thanh (do Phòng Kinh tế TP.Hội An làm chủ đầu tư) là trưng bày, quảng bá sản phẩm làng nghề đến du khách. Bên cạnh đó, đây còn được kỳ vọng như một khu sản xuất tập trung, để “trình nghề” cho du khách xem khi thăm thú rừng dừa Bảy Mẫu. Nhưng từ sau buổi lễ khánh thành với nhiều kỳ vọng, cả chính quyền xã Cẩm Thanh cũng như chính quyền thành phố vẫn không thể huy động được người dân làng nghề vào sản xuất và trưng bày sản phẩm. Cả một vùng đất rộng có diện tích hơn 1.5ha, với tổng vốn kinh phí đầu tư lên đến 7,8 tỷ đồng, bao gồm cả nhà trưng bày và khu hạ tầng, nhưng lại không tạo được sức hút với người làm nghề. Khu trung tâm làng nghề tre – dừa nước lâm vào cảnh đìu hiu.

Thắc mắc này được nhiều người làm nghề lâu năm tại Cẩm Thanh, trả lời rằng, đất của họ đủ rộng để sản xuất, phơi phóng sản phẩm, và tự bản thân họ cũng có thể “tiếp thị” sản phẩm của mình. Trong khi đó, tại khu nhà truyền thống dừa nước, những vật dụng phục vụ cho việc trưng bày lại quá nghèo nàn. Quan trọng hơn, không có một ban quản lý nào đứng ra chịu trách nhiệm ở khâu xúc tiến, đưa sản phẩm của người dân ra khỏi giới hạn địa phương. Anh Lê Cho - một hộ làm nghề tại Cẩm Thanh, chia sẻ: “Vào sản xuất tập trung, trưng bày sản phẩm tại khu nhà truyền thống thì tốn thuế, trong khi đất chúng tôi ở đây dư sức để làm. Hơn nữa, chính quyền cũng không tạo điều kiện đầu ra cho sản phẩm chúng tôi làm thì lấy gì đảm bảo để chúng tôi vào đó”.

Trong khi giữa người dân làm nghề và chính quyền vẫn chưa có sự đồng thuận về phương cách hoạt động của khu nhà truyền thống thì cơ sở vật chất tại đây đã bắt đầu xuống cấp. Người dân Cẩm Thanh nói, hiện nay không gian rộng 1.5ha này là nơi tập trung của những “bợm nhậu”, nơi “mấy đứa trẻ tâm tình”. Ngay cả một đài quan sát đặt ngay bên cạnh nhà trưng bày sản phẩm, nằm trong khuôn viên của khu trung tâm làng nghề tre – dừa nước, nơi có thể đứng để nhìn bao quát cả khu rừng dừa Bảy Mẫu, cũng chẳng ai buồn tới.

SONG ANH
BÀI 2: Khoảng trống quản lý, đầu tư

Nhiều chính sách được đưa ra nhằm hỗ trợ, bảo tồn nghề, làng nghề truyền thống. Trong đó, việc xây dựng nhà trưng bày truyền thống là một trong những mục tiêu được vạch ra. Tuy nhiên, công tác quản lý, đầu tư không phù hợp dẫn đến lãng phí…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bỏ hoang nhà truyền thống - Bài 1: Cửa đóng then cài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO