Việc đầu tư khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên việc quản lý, sử dụng nhà truyền thống còn quá nhiều “khoảng trống” đã dẫn đến tình trạng bỏ hoang một số công trình tiền tỷ. Phương án được các ngành chức năng và địa phương đưa ra để tìm lối đi mới cho nhà truyền thống làng nghề là cần gắn với du lịch và chuyển đổi công năng sử dụng phù hợp.
|
Gắn với du lịch
Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức quốc tế, nhiều làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam đã được phục hồi, phát triển. Được sự giúp đỡ của tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế Nhật Bản (FIDR), từ năm 2008, Hợp tác xã thổ cẩm Za Ra (xã Ta Bhing, Nam Giang) ra đời thu hút hơn 40 chị em trong làng tham gia. Thông qua sự trợ giúp tư vấn của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, hơn 50 mẫu sản phẩm thủ công được chế tác từ thổ cẩm như túi xách, ví, khăn quàng cổ, váy, khố… được sản xuất từ làng dệt Za Ra để phục vụ du lịch. Đặc biệt, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của FIDR và UBND huyện, khu nhà sản xuất trưng bày, giới thiệu sản phẩm đã được xây dựng, trở thành nơi để những phụ nữ trong làng hàng ngày ra dệt thổ cẩm và trình diễn nghề. Qua đó, giúp khách có thể hiểu được quy trình để tạo nên một sản phẩm từ xe chỉ, dệt vải, cắt may đến khi hoàn thành, chính điều này đã mang đến sự hấp dẫn cho du khách khi đến Za Ra. Qua gần 8 năm hoạt động, làng dệt Za Ra dần xây dựng được thương hiệu, thu hút khách hàng. Riêng năm 2014 doanh thu của làng nghề đạt khoảng 150 triệu đồng, mang lại thu nhập cho mỗi hội viên hợp tác xã 300 - 400 nghìn đồng/tháng.
Nhà trưng bày làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng (xã Tà Lu, Đông Giang). Ảnh: SONG ANH |
Cũng như Za Ra, làng dệt thổ cẩm Đhrôồng (xã Tà Lu, Đông Giang) được hình thành từ nguồn hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) gắn với sự ra đời làng du lịch cộng đồng Đhrôồng. Ngoài việc giúp thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm, ILO còn hỗ trợ gần 200 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà trưng bày làng nghề để vừa làm chỗ cho các thành viên tham gia dệt, trình diễn vừa là nơi chào bán sản phẩm du lịch cộng đồng. Tại đây, ngoài việc tìm hiểu các quy trình để ra đời một sản phẩm, du khách còn có thể chọn mua tại chỗ những vật dụng được làm từ thổ cẩm như nịt, giày dép, túi đựng điện thoại, túi đựng laptop, ví nam nữ, khăn trải bàn lớn nhỏ, túi xách… tất cả đều được niêm yết với giá cả rõ ràng. Tiền thu được từ bán hàng, sau khi trừ chi phí nguyên liệu, các thành viên trong tổ chia đều nhau. Dù số tiền thu nhập vài trăm nghìn/tháng chưa phải là nhiều nhưng đã tạo sinh kế mới cho người dân cũng như giúp làng phục hồi nghề dệt truyền thống này. Ông Phạm Cườm - cán bộ Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đông Giang khẳng định, việc xây dựng nhà trưng bày làng nghề truyền thống tại thôn Đhrôồng là rất quan trọng nhằm giúp đưa sản phẩm làng nghề đến gần hơn với người tiêu dùng và du khách, hướng đến phục hồi, phát triển làng nghề này. Thực tế, từ khi được xây dựng (năm 2013) đến nay, ngôi nhà lợp tôn đơn sơ nằm trên ngọn đồi thấp bên quốc lộ 14G trước cổng làng đã trở thành điểm đến tham quan và mua sắm quen thuộc của du khách trên tuyến đường khám phá Trường Sơn huyền thoại, qua đó tạo tiền đề để huyện nhân rộng mô hình này ra nhiều nơi khác. “Trong số 7 làng nghề của Đông Giang hiện mới chỉ có 2 làng nghề truyền thống được công nhận là dệt thổ cẩm ở Đhrôồng và Bhơ Hôồng. Ngoài thôn Đhrôồng đã có nhà trưng bày thì việc xây dựng nhà truyền thống làng nghề tại thôn Bhơ Hôồng cũng rất cấp thiết nhưng đến nay do không có kinh phí nên vẫn chưa làm được” - ông Cườm cho biết.
Chuyển đổi công năng
Ngày 7.4.2015, UBND tỉnh quyết định phê duyệt đề án Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ 2015 - 2020. Theo đề án, phát triển du lịch gắn với làng nghề sẽ là cách tránh cho các nhà truyền thống đã xây dựng tại các làng nghề rơi vào cảnh bỏ hoang. Sẽ có 16 làng nghề thuộc các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Phú Ninh, Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn và 2 TP.Hội An, Tam Kỳ được đầu tư, hỗ trợ với tổng nguồn vốn hơn 85 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng lao động làng nghề trong lĩnh vực du lịch, ngoại ngữ, quản lý điều hành, phấn đấu đạt 100% làng nghề có lao động được đào tạo nghiệp vụ và 100% số làng được hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, festival di sản Quảng Nam. Ngoài ra, việc kết nối giữa làng nghề và lữ hành, giới thiệu sản phẩm mới cho việc xây dựng các tour tham quan du lịch làng nghề cũng sẽ được đưa vào danh mục thực hiện... |
Để tránh tình trạng lãng phí những công trình nhà truyền thống tiền tỷ, nhiều ý kiến cho rằng cần rà soát lại thực trạng và tìm cách chuyển đổi công năng sử dụng phù hợp. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, hiện nay tổ chức JICA của Nhật Bản đã đồng ý giúp đỡ thị xã chuyển đổi mục đích sử dụng khu nhà trưng bày làng nghề đúc đồng Phước Kiều thành một điểm dừng chân du lịch trên hành trình tham quan phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn. Tuy nhiên, trong điểm dừng chân này sẽ trưng bày các sản phẩm thủ công khác nhau như gốm, gỗ, mây tre… chứ không chỉ riêng sản phẩm đồ đồng của làng nghề Phước Kiều. Đồng thời thị xã cũng tổ chức đấu thầu để chọn các doanh nghiệp, cá nhân có đủ năng lực vào khai thác khu nhà trưng bày này. Trong khi đó, ông Đoàn Thanh Khiết – Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) cho biết, kể từ khi thị trấn giao nhà trưng bày truyền thống Quán Hương về cho làng nghề (năm 2007) đến nay, nhà truyền thống hầu như không hoạt động do sản xuất của làng nghề không mạnh. Mặt khác, cũng không có ai đến tham quan tìm hiểu nhà trưng bày nên bây giờ nhà truyền thống chỉ làm nơi phục vụ cho các hoạt động văn hóa và họp dân… “Sắp đến, thị trấn sẽ củng cố làng hương Quán Hương sau đó mới bàn đến cách thức sử dụng như thế nào cho hiệu quả, chứ còn bây giờ thì chưa biết làm cách nào” - ông Khiết nói.
“Huyền thoại hóa” sản phẩm làng nghề Chia sẻ về ý tưởng phát triển nhà truyền thống ở các làng nghề, theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, nên “huyền thoại hóa” các sản phẩm làng nghề. Dưới góc độ nhà quản lý hoạt động văn hóa, du lịch, ông Cường cho rằng, muốn phát triển nhà truyền thống thì buộc sản phẩm làng nghề phải có chất lượng và phải thổi hồn vào làng nghề bằng những “huyền thoại, truyền thuyết”. Ông Cường nói: “Muốn người nước ngoài, khách du lịch cung kính vào nhà truyền thống của làng, rồi ướm lên những sản phẩm trưng bày tại nhà, rút ví mua sản phẩm… thì phải “huyền thoại hóa” làng nghề. Làng phải có câu chuyện nhuốm màu truyền thuyết để kể cho khách du lịch nghe. Rồi sản phẩm của làng nghề phải có chất lượng, dịch vụ du lịch tại làng nghề phải tốt. Nếu làng nghề phát triển nhờ du lịch, sẽ kéo theo việc “tận dụng” những khu nhà truyền thống làm nơi dừng chân, đưa đón khách, giới thiệu sản phẩm...”.(Lê Quân) |
Riêng đối với nhà truyền thống làng mộc Kim Bồng, bà Đinh Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An cho biết, thành phố đang làm thủ tục giải thể Hợp tác xã Dịch vụ du lịch mộc Kim Bồng và thu hồi lại nhà trưng bày để thành lập ban quản lý làng nghề và phát triển du lịch Kim Bồng. Sau khi mọi thủ tục xong xuôi mới có thể tiến hành cải tạo lại nhà trưng bày với những chức năng cụ thể, dự kiến trong tháng 6 này sẽ hoàn thành. Còn với nhà trưng bày làng nghề dừa nước Cẩm Thanh, trong tuần này thành phố sẽ tổ chức họp bàn với các bên liên quan để chuyển đổi mục đích sang làm du lịch theo mô hình kết hợp phát triển du lịch gắn với bảo tồn làng nghề. “Trước đây nhà trưng bày chỉ làm nơi sản xuất tập trung cho làng nhưng người dân không hưởng ứng nên bây giờ thành phố đã giao cho phòng xây dựng kế hoạch đề án phát triển theo hướng du lịch làng nghề, cố gắng trong năm này sẽ đưa vào hoạt động” - bà Thủy cho biết.
SONG ANH – VĨNH LỘC