(QNO) - Thời gian qua, do không chủ động được nguồn nước nên gần 60ha đất canh tác lúa của người dân xã Bình Lãnh (Thăng Bình) bị bỏ hoang trong vụ hè thu.
Người dân cho rằng, bỏ hoang 60ha đất canh tác trong vụ hè thu là lãng phí. Ảnh: PHAN VINH |
Ông Thái Ngọc Điệp (63 tuổi, thôn 6) có 6.000m2 đất nông nghiệp nhưng lâu nay chỉ trồng được vụ đông xuân nhờ nguồn nước trời và các hố, khe ở khu vực gần chân ruộng. Đến khoảng cuối tháng 4 trở đi, nguồn nước này gần như cạn kiệt nên ông không thể xuống giống vụ hè thu như mọi nơi. “Có tới hơn 1 mẫu ruộng mà làm chỉ 1 vụ thì cũng không đủ thiếu vào đâu. Chưa kể, hệ thống mương thủy lợi không có, phụ thuộc vào nước trời cũng khổ trăm bề, may mắn thời tiết năm nay mưa nhiều nên lúa đạt khoảng 2,5 tạ/sào, chứ như mấy năm khô hạn thì coi như vụ đó bỏ” - ông Điệp nói.
Ông Trần Văn Sỏ (65 tuổi, thôn 6) thì nói: “Nhà tôi có hơn 1 mẫu ruộng nhưng cứ khoảng tháng 8 đến tháng 3 âm lịch năm sau phải mua gạo để ăn. Bởi vụ đông xuân làm không đạt bằng mọi nơi, mà còn tốn tiền thuê công. Phải bán lúa để trả tiền nhân công, bán xong thì thiếu gạo”.
Tại thôn 1, ông Nguyễn Văn Thọ - Trưởng thôn cho biết, có một nghịch lý là dù vụ đông xuân có thể tận dụng nguồn nước tại chỗ như khe, hố hoặc nước trời nhưng vẫn có một số hộ dân không canh tác mà bỏ trắng ruộng nhiều năm nay. “Bởi vì chi phí cải tạo, cày đất cho thửa ruộng bỏ không vụ hè thu để bước vào vụ đông xuân cao gấp 1,5 lần so với ruộng làm 2 vụ. Cụ thể, 1ha ruộng bình thường chi phí khoảng 1,5 triệu đồng thì đối với ruộng bỏ không vụ hè thu đến 2,3 triệu đồng, vì lý do cỏ mọc um tùm, phải cày nhiều lượt. Suy đi tính lại, 1 sào ruộng không chủ động nước, tính cả công cải tạo và thu hoạch thì mất 1,3 triệu đồng. Trong khi đó chỉ thu hoạch được 2,5 tạ, bán ra chỉ vừa hơn 1,2 triệu đồng. Vậy là lỗ nên người dân bỏ luôn không trồng lúa nữa!” - ông Thọ chia sẻ.
Xã Bình Lãnh có đến 60/372ha đất canh tác không chủ động nước tưới. Ảnh: PHAN VINH |
Theo thông tin từ UBND xã Bình Lãnh, địa phương hiện có gần 60ha đất canh tác lúa không chủ động được nước tưới (tổng diện tích đất canh tác lúa toàn xã 372ha), nằm rải rác tại các thôn 1, 2, 4, 5 và tập trung chủ yếu tại thôn 6 với gần 40ha. Trước đây, để canh tác trên diện tích đất ở thôn 6, người dân đào một mương dẫn nước từ khe suối ở núi Cao Ngạn về. Tuy nhiên, sau này khi có chủ trương dồn nước về hồ Cao Ngạn và nhiều người dân ở khu vực gần đầu nguồn tự động lấy nước của mương, nên ở cuối mương nước bị hạn chế, khô cạn cho đến nay. Còn đối với những khu vực còn lại, do nằm ở vị trí gò đồi nên khó có thể đưa nước từ các hồ về được.
Ông Nguyễn Tấn Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh cho biết, đối với một địa phương cấp xã mà có đến gần 60ha đất canh tác không chủ động được nước tưới vào vụ hè thu thì đó là con số khá lớn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất và thu nhập kinh tế của người dân nơi đây. Trong các lần hội họp, tiếp xúc cử tri, địa phương cũng ghi nhận ý kiến bức xúc về vấn đề này của người dân. Đồng thời, UBND xã Bình Lãnh cũng nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng thực trạng vẫn tồn tại nhiều năm nay.
Tại hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018, UBND xã Bình Lãnh đã thông tin đến người dân các dự án tưới tiêu phục vụ nông nghiệp. Ảnh: PHAN VINH |
“Sau thời gian cố gắng xin chủ trương từ cấp trên, UBND xã đã tìm được hướng khắc phục những vấn đề nói trên. Cụ thể, trong hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ đông xuân và triển khai sản xuất vụ hè thu vừa rồi, UBND xã đã thông tin đến người dân về việc xây dựng đập Giao Thủy tại tổ 8, thôn 2 để phục vụ tưới cho 20ha đất nông nghiệp lân cận. Đối với gần 40ha đất không chủ động nước tưới ở thôn 6, địa phương đã có hướng thi công đường kênh ống nhựa dài gần 3km dẫn nước từ Hố Hoạch (tổ 12, thôn 6) về phục vụ. Tuy nhiên, dự án đập Giao Thủy đang lập hồ sơ, còn kênh nước thì chờ kinh phí phân bổ về. Chúng tôi mong muốn các ban ngành quan tâm và sớm triển khai các dự án để giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống” - ông Thiện cho biết thêm.
PHAN VINH