Bỏ học tưởng là câu chuyện đã cũ nhưng xem ra vẫn còn khá “nóng” đối với ngành GD-ĐT hiện nay, nhất là ở bậc THPT.
Học sinh Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc). Ảnh: X.P |
Giật mình với những con số
Tại hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ, phương hướng năm học 2016-2017 của Sở GD-ĐT, dù đưa ra những con số so sánh để thấy sự sụt giảm qua các năm nhưng số lượng học sinh (HS) bỏ học vẫn khiến cho nhiều người không khỏi giật mình. Năm học 2012-2013, cả tỉnh có 4.180 HS bỏ học. Đến năm học 2013-2014 con số bỏ học giảm xuống còn 3.175 và năm học 2014-2015 kéo xuống 3.083. Năm học 2015-2016 vừa qua, số bỏ học được cho là tiếp tục giảm sâu song vẫn còn khá cao với 2.489 HS rời ghế nhà trường giữa chừng. Đọc những con số này, Nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh đã phải thốt lên: “Cho dù số lượng bỏ học có giảm so với trước đây, nhưng con số gần 2.500 HS bỏ học trong năm học vừa qua rất đáng báo động. Đây là một sự lãng phí rất lớn về kinh phí của nhà nước, gia đình các em”.
Phân tích thực trạng HS bỏ học cho thấy, phần lớn tập trung ở bậc THPT. Cụ thể, trong số 2.489 HS bỏ học của năm học 2015-2016, HS bậc THPT chiếm đến 1.850, THCS 599 còn tiểu học là 40. Ở các năm trước cũng vậy. Năm học 2014-2015, HS bậc THPT bỏ học lên đến 2.307 trong tổng số 3.083; còn trước đó một năm là 2.463 trong tổng số 3.175. Theo thống kê của Sở GD-ĐT về tình hình bỏ học của các trường THPT, không chỉ các trường ở miền núi mới xảy ra chuyện bỏ học mà đồng bằng cũng diễn ra, thậm chí số lượng khá nhiều. Trong khi số lượng HS bỏ học của Trường THPT Tây Giang là 127, Nam Trà My 109 thì các trường Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn) 51, Nguyễn Huệ (Núi Thành) 87, Nguyễn Thái Bình 96, Thái Phiên (Thăng Bình) 55, Núi Thành 68, Phan Châu Trinh (Tiên Phước) 73… Đây rõ ràng là nhưng con số không hề nhỏ.
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT thừa nhận, một trong những tồn tại, hạn chế của ngành hiện nay là chưa ngăn chặn được tình trạng HS bỏ học giữa chừng. “Với sự nỗ lực của toàn ngành, sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và toàn xã hội trong thời gian qua đã giúp cho ngành GD-ĐT cải thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục, huy động tối đa số HS thuộc diện đến trường ra lớp. Nhờ đó, tình trạng HS bỏ học cũng có chiều hướng giảm qua các năm gần đây. Tuy nhiên, tỷ lệ HS bỏ học hiện nay vẫn còn khá cao, nhất là ở bậc THPT với 3,3%” - ông Quốc nói.
Chỉ tiêu tuyển sinh quá cao
Lâu nay, HS bỏ học giữa chừng, nguyên nhân chính được xác định là điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, với thực tế hiện tại, kinh tế gia đình không còn đóng vai trò chính đối với việc học của học trò. Nói cách khác, HS vẫn có thể đến trường dù gia đình nghèo, gặp khó khăn. Bởi hiện nay, việc học của HS được nhà trường, rất nhiều tổ chức, cá nhân bảo trợ, giúp đỡ, nhất là các cấp hội khuyến học luôn sẵn sàng đồng hành với học trò nghèo. Theo thông tin từ bà Phạm Thị Minh Chiến - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, mỗi năm cả tỉnh có hơn 180.000 HS được cấp học bổng với tổng số tiền lên tới 43 tỷ đồng, điều đó cho thấy khó có trường hợp HS nào phải bỏ học giữa chừng vì nghèo.
Vậy vì sao tình trạng bỏ học trong những năm qua vẫn còn khá “nóng”, có trường lên đến cả trăm HS? Liệu có điều gì đó bất bình thường? Theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành), nguyên nhân khiến tình trạng bỏ học của các trường THPT hiện nay khá nhiều là vì công tác tuyển sinh lớp 10 chưa hợp lý. Những năm qua, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS được tuyển vào lớp 10 lên đến 95%, đây là một tỷ lệ quá cao. Thực tế cho thấy có rất nhiều HS đã không ra lớp ngay từ đầu do không có nhu cầu học lên lớp 10. Đó là chưa kể, chỉ tiêu tuyển sinh quá cao nên những HS học lực yếu vẫn được vào lớp 10 nhưng lại không thể theo kịp chương trình dẫn đến chán nản rồi bỏ học. Điều này khiến cho trường rất khó khăn trong việc vận động các HS ra lớp, xây dựng kế hoạch và tổ chức giảng dạy. Thầy Nguyễn Khắc Thám - Hiệu trưởng Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc) cũng cho rằng, tâm lý của địa phương, phụ huynh, HS là tuyển sinh nhiều; nhưng như thế nào để hợp lý, có chất lượng cần phải được xem xét thấu đáo. Thực tế thời gian qua khi tuyển 95% HS tốt nghiệp THCS vào lớp 10 thì tình trạng bỏ học xảy ra ở rất nhiều trường, với tỷ lệ khá cao. Trong khi đó, các huyện miền núi tuyển sinh 100% HS tốt nghiệp THCS càng làm cho tình trạng bỏ học giảm không đáng kể. Một lãnh đạo trường THPT miền núi chia sẻ, việc “bắt” 100% HS miền núi hoàn thành chương trình THCS vào lớp 10 là rất khó và có phần gượng ép; mà nếu vận động thuyết phục các em có ra lớp thì được thời gian ngắn cũng bỏ học vì không theo nổi chương trình.
Với phương án tuyển sinh và việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 như hiện nay (các địa phương miền núi tuyển 100%, địa phương đồng bằng 95%, thậm chí có huyện xấp xỉ 100%) rõ ràng có nhiều bất cập. Từ đó dẫn đến tình trạng bỏ học giữa chừng vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao, chất lượng giáo dục thấp. Đây là vấn đề nan giải khiến cho các trường THPT hiện nay đau đầu, nhất là trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc, phương thức xét tuyển kết hợp với phân tuyến trong tuyển sinh lớp 10 vào các trường THPT các huyện đồng bằng, thị xã, thành phố được thực hiện trong những năm qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, những tồn tại, bất cập trong việc phân tuyến, xác định chỉ tiêu tuyển sinh cần phải được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa cho hợp lý.
XUÂN PHÚ